Chủ nhật, 24/11/2024 08:15 (GMT+7)
Thứ sáu, 28/04/2023 15:57 (GMT+7)

Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có gì nổi bật?

Theo dõi KTMT trên

Tại Kỳ họp thứ 13 của HĐND tỉnh Sóc Trăng đã thống nhất thông qua 8 nghị quyết quan trọng. Trong đó, nhiều đại biểu tỏ ra quan tâm đến Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sáng 27/4, HĐND tỉnh Sóc Trăng khóa X đã tổ chức kỳ họp thứ 13 (chuyên đề). Tham dự kỳ họp có đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, lãnh đạo các sở, ban ngành; Đại biểu HĐNĐ tỉnh khóa X.

Chủ tọa kỳ họp gồm các đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Văn Hiểu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Khởi - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.

Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có gì nổi bật? - Ảnh 1
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh Sóc Trăng khóa X. Ảnh: An Tran.

Thống nhất thông qua 8 Nghị quyết quan trọng

Tại kỳ họp, lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban ngành đã trình bày các tờ trình, dự thảo nghị quyết để đại biểu HĐND tỉnh xem xét, cho ý kiến liên quan đến công tác quyết toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, chi ngân sách địa phương năm 2021; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023; bổ sung danh mục các dự án cần thu hồi đất, mức vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng; hệ số điều chỉnh giá đất; giao bổ sung kế hoạch đầu tư vốn để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia…

Bên cạnh đó, kỳ họp cũng cho ý kiến tờ trình về Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó lưu ý về các chỉ tiêu liên quan đến môi trường, nước sạch nông thôn, phát triển đô thị, thu ngân sách nhà nước… Đồng thời, cho ý kiến chủ trương chuyển mục đích sử dụng 1ha rừng sang mục đích thực hiện Dự án Nhà máy điện gió Sóc Trăng 4 trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng).

Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có gì nổi bật? - Ảnh 2
Tại kỳ họp này, 8 Nghị quyết đã được thống nhất thông qua. Ảnh: An Tran.

Kỳ họp thứ 13 đã thống nhất thông qua 8 nghị quyết gồm: Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quyết toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, chi ngân sách địa phương tỉnh Sóc Trăng năm 2021; chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh; hủy danh mục dự án cần thu hồi đất, mức vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với Dự án Cụm công nghiệp Xây Đá B mới tại khoản 1 Điều 1 và số thứ tự 2 Mục III Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết số 12/NQ-HĐND, ngày 10/5/2019 của HĐND tỉnh và bổ sung danh mục các dự án cần thu hồi đất, mức vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng năm 2023 trên địa bàn tỉnh; hệ số điều chỉnh giá đất năm 2023; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023 nguồn vốn ngân sách địa phương; giao bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương (vốn nước ngoài) giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; phân bổ bổ sung kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Theo quy hoạch, mục tiêu phát triển đến năm 2030, tỉnh Sóc Trăng hướng đến từng bước thu hẹp và tiến kịp quá trình phát triển chung của cả nước, đưa Sóc Trăng trở thành một tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, xây dựng, phát triển tỉnh Sóc Trăng trở thành cửa ngõ xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng biển; trung tâm đầu mối về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics; là tỉnh có công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển, nông nghiệp hiện đại và bền vững.

Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có gì nổi bật? - Ảnh 3

Tầm nhìn đến năm 2050, Sóc Trăng là một trung tâm đầu mối lớn về hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, dịch vụ logistics của vùng ĐBSCL; là cửa ngõ chính ra Biển Đông của các tỉnh trong vùng, đặc biệt là cực phát triển trung chuyển lớn trong hành lang kinh tế Đông Tây, với cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng và Cảng biển nước sâu Trần Đề.

Nhiều vấn đề cần làm rõ thêm

Tại kỳ họp, Tiến sĩ Trần Khắc Tâm, Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng đã phát biểu đóng góp ý kiến. Vị này cho rằng, có thể nói, đến thời điểm này, việc trình Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng đến HĐND tỉnh để thông qua là kết quả, công sức phối hợp, đóng góp của toàn hệ thống chính trị trên địa bàn Tỉnh. Dự thảo Quy hoạch đã khái quát được những mục tiêu, quan điểm, tầm nhìn và sự phát triển của Tỉnh Sóc Trăng từ đây đến năm 2030 và dự tính đến năm 2050.

“Những ưu điểm, mặt tích cực, kết quả của sản phẩm Quy hoạch, tôi không đề cập đến nữa. Sau đây chỉ xin được trao đổi, để làm rõ thêm một số nội dung trong dự thảo nghị quyết”, Đại biểu Trần Khắc Tâm nhấn mạnh.

Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có gì nổi bật? - Ảnh 4
Tiến sĩ Trần Khắc Tâm, Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng đã phát biểu đóng góp ý kiến tại kỳ họp. Ảnh: An Tran. 

Thứ nhất, dự thảo Nghị quyết có nội dung “tỷ lệ thu ngân sách trên địa bàn khoảng 14.000 đồng (Mười bốn ngàn đồng)? Nếu là tỷ lệ thì ở đây phải là phần trăm (%). Nếu quy tỷ lệ ra số tiền sao chỉ có 14.000 đồng? Liệu có sự tính toán nhầm lẫn nào ở đây không?

Thứ hai, Tiến sĩ Trần Khắc Tâm tỏ ra băn khoăn về việc trong dự thảo Nghị quyết thể hiện tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch đạt 98 - 100%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 75%. Vậy, Sóc Trăng đã có đủ điều kiện và nguồn lực để thực hiện mục tiêu đó. Bởi qua tham khảo Nghị quyết số 78 ngày 18/6/2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị quy định: Tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư đô thị đạt 98 - 100%, còn ở nông thôn thì đạt 70%.

Thứ ba, đối với chỉ tiêu thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, tại Chương trình số 37 của Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh Sóc Trăng có nội dung: Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị, công nghiệp, dịch vụ được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường là 98% - 99%. “Tôi xin nhấn mạnh là thu gom và xử lý phải đảm bảo đạt tiêu chuẩn môi trường. Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị quyết thì không có cụm từ “đạt tiêu chuẩn môi trường”. Cụ thể là dự thảo trình bày: Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị, công nghiệp, dịch vụ đạt 98% - 99%. Hai nội dung này tuy quy định tỷ lệ chỉ tiêu giống nhau (98% - 99%) nhưng về bản chất khác nhau hoàn toàn”, ông Tâm dẫn chứng.

Vị này ký giải, nếu thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường thì rác thải khi được thu gom, xử lý phải tuân theo quy trình chuyên ngành và đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Trong khi đó, nếu chỉ thu gom và xử lý thì thu gom rồi xử lý rác thải sao cũng được, không cần đảm bảo theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Việc thu gom, xử lý rác thải đạt tiêu chuẩn môi trường rất quan trọng, là cơ sở để bảo vệ môi trường sống và đảm bảo chỉ tiêu phát triển bền vững về môi trường.

Thứ tư, Tiến sĩ Trần Khắc Tâm đề nghị đưa vừa Nghị quyết các dự án ưu tiên triển khai từ nay đến năm 2030 và giai đoạn sau.

Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có gì nổi bật? - Ảnh 5
Tiến sĩ Trần Khắc Tâm, Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng tin rằng thời gian tới sẽ có nhiều nhà đầu tư tìm đến Sóc Trăng. Ảnh: Ngọc Diễm.

Trả lời Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường bên lề kỳ họp, Tiến sĩ Trần Khắc Tâm, Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng cho rằng: “8 Nghị quyết được thống nhất thông qua tại Kỳ họp thứ 13 thể hiện sự quyết tâm của hệ thống chính trị của tỉnh Sóc Trăng. Trong đó, tôi rất quan tâm đến Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bởi tầm nhìn đến năm 2050, Sóc Trăng là một trung tâm đầu mối lớn về hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, dịch vụ logistics của vùng ĐBSCL. Với những điều kiện, tiềm năng sẵn có và hướng phát triển của tỉnh, tôi cho rằng, đến năm 2050, Sóc Trăng hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu đó. Hệ thống hạ tầng đang được hoàn thiện với những tuyến cao tốc, cảng biển. Khi các “đại” dự án này hình thành, Sóc Trăng hứa hẹn sẽ đón nhiều “đại bàng” về làm tổ”.

Tiến sĩ Trần Khắc Tâm chia sẻ thêm, tại các hội nghị về phát triển kinh tế ở Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương khác, các doanh nghiệp lớn trên cả nước và cả các doanh nghiệp đa quốc gia đều đánh giá cao sự nỗ lực của tỉnh Sóc Trăng. Cụ thể là chỉ số Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) của Sóc Trăng năm 2022 đã tăng 27 bậc so với năm 2021 xếp thứ 24/61 tỉnh thành. Bên cạnh đó, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2022 của Sóc Trăng cũng tăng 20 bậc, vươn lên vị trí 34/63 tỉnh thành phố.

“Với sự quyết tâm cải cách hành chính của Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh, đặc biệt là sự quan tâm của cá nhân đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đối với cộng đồng doanh nhân như thời gian qua, tôi tin rằng Sóc Trăng sẽ là điểm đến tiềm năng cho các nhà đầu tư lớn cả trong nước và quốc tế. Khi đã thu hút được đầu tư, Sóc Trăng sẽ có nhiều dư địa để phát triển”, Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng Trần Khắc Tâm nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Khắc Tâm bày tỏ: “Tôi đề nghị cần quy định như trong Chương trình số 37 của Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh Sóc Trăng thêm vào nội dung đạt tiêu chuẩn môi trường. Nếu chúng ta nhận thấy không thể đảm bảo xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường tỷ lệ là 98% - 99% thì có thể giảm xuống nhưng cần thiết phải đảm bảo thu gom, xử lý chất thải “đạt tiêu chuẩn môi trường”.

V.Chương

Bạn đang đọc bài viết Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có gì nổi bật?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới