Chủ nhật, 24/11/2024 06:43 (GMT+7)
Thứ ba, 07/07/2020 16:30 (GMT+7)

Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ: Cần sự 'chung tay' tâm huyết, trách nhiệm của các bên liên quan

Theo dõi KTMT trên

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức - Chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) vùng Đồng bằng sông Cửu Long (GIZ/MCRP) và Chương trình Định cư con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat) tổ chức “Hội thảo về giải pháp, cách tiếp cận tổ chức lập Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tại Kiên Giang.

Hội thảo đã trao đổi, thảo luận về giải pháp, cách tiếp cận tổ chức lập quy hoạch, trong đó đặc biệt nhấn mạnh về vai trò, trách nhiệm và tầm quan trọng của các bên liên quan tham gia trong quá trình lập quy hoạch, bao gồm sự tham gia của các Bộ, ngành và địa phương có biển; các tổ chức xã hội; tổ chức nghề nghiệp; các tổ chức kinh tế và cộng đồng dân cư ven biển là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi quy hoạch.

Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ: Cần sự 'chung tay' tâm huyết, trách nhiệm của các bên liên quan - Ảnh 1
Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ cần sự “chung tay” đầy tâm huyết.

Tại Hội thảo TS. Phạm Ngọc Sơn, nguyên Quyền Tổng cục trưởng, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã có bài tham luận quan trọng về hướng tiếp cận đảm bảo cho sự thành công của quy hoạch này, đó chính là sự vào cuộc thật sự bằng tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm của các bên liên quan.

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, trách nhiệm “người nhạc trưởng”

Bộ TN&MT, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện để các bên liên quan tham gia xây dựng nội dung, tham gia ý kiến, giám sát hoạt động Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ. Đây là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bên có liên quan thực hiện các nhiệm vụ xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.

Đồng thời, là một cơ quan xác định rõ “đề bài” chính về các yêu cầu về quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc lập quy hoạch; xác định phạm vi nghiên cứu và yêu cầu về nội dung, phương pháp lập quy hoạch; đề xuất phân công cơ quan, tổ chức tham gia xây dựng các nội dung của quy hoạch cần lập; xây dựng kế hoạch lập quy hoạch; dự toán chi phí lập quy hoạch theo quy định của pháp luật; xây dựng báo cáo thuyết minh nhiệm vụ lập quy hoạch. Đồng thời, Tổng cục có trách nhiệm triển khai thực hiện kế hoạch lập quy hoạch theo nhiệm vụ lập quy hoạch đã được phê duyệt.

Trong giai đoạn xây dựng các nội dung quy hoạch, cần tổ chức điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, khai thác hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch phục vụ việc lập quy hoạch. Nghiên cứu, phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện, nguồn lực, bối cảnh phát triển, đánh giá thực trạng phát triển, đề xuất các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu, định hướng ưu tiên phát triển làm cơ sở cho việc lập quy hoạch; định hướng nghiên cứu và giới hạn nội dung, phạm vi nghiên cứu đối với nội dung quy hoạch phân công cho cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện. Cuối cùng là tích hợp các nội dung quy hoạch do cơ quan, tổ chức liên quan đề xuất vào quy hoạch cần lập.

Các địa phương có biển tích cực xây dựng nội dung Quy hoạch

Các Bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển cần phối hợp với Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và tổ chức tư vấn lập quy hoạch phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện, nguồn lực, bối cảnh phát triển, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đề xuất các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu, các định hướng ưu tiên phát triển làm cơ sở lập quy hoạch. Đề xuất nội dung đưa vào quy hoạch thuộc lĩnh vực phụ trách và gửi cơ quan lập quy hoạch.

Trường hợp cần thiết, các Bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển tham gia xây dựng nội dung Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ lựa chọn tư vấn đáp ứng điều kiện về mặt năng lực chuyên môn để xây dựng nội dung quy hoạch được phân công theo nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt.

Phối hợp với Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và tổ chức tư vấn lập quy hoạch xem xét, xử lý các vấn đề liên ngành, liên huyện nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và hiệu quả của quy hoạch. Bên cạnh đó, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện nội dung quy hoạch được phân công xây dựng khi có yêu cầu của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

Mặt khác, các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân liên quan trong cần phát huy vai trò, trách nhiệm đã được pháp luật quy định trong việc tham gia ý kiến, giám sát hoạt động quy hoạch ngay từ giai đoạn lập nhiệm vụ, trình xây dựng quy hoạch và triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.

Cần thiết phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật để các bên liên quan nắm rõ quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong việc tham gia xây dựng, tham gia ý kiến, giám sát hoạt động Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.

Hội thảo này là bước khởi đầu quan trọng của quá trình xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là khu vực có sự giao thoa giữa hệ sinh thái biển và đất liền, tập trung đông dân cư, với nhiều loại hình kinh tế và hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên đồng thời chịu nhiều tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Chính vì vậy, sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là chính quyền các địa phương có biển và người dân tại địa phương này là những nhân tố vô cùng quan trọng cho sự thành công của Quy hoạch vì sự phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

Minh Thư

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới