Chủ nhật, 24/11/2024 08:35 (GMT+7)
Thứ ba, 09/11/2021 13:00 (GMT+7)

Sa mạc Atacama thành 'sàn diễn thời trang kì lạ'

Theo dõi KTMT trên

Sa mạc khô hạn nhất thế giới đang ngày càng bị ô nhiễm và đây là hệ lụy đáng báo động mà ngành “thời trang nhanh” tạo ra.

Một núi quần áo bị vứt bỏ như những chiếc áo len họa tiết Giáng sinh hay những đôi giày trượt tuyết đã tạo nên một cảnh tưởng kỳ lạ ở hoang mạc Atacama của Chile.

Sa mạc khô hạn nhất thế giới này đang ngày càng bị ô nhiễm và đây là hệ lụy đáng báo động mà ngành “thời trang nhanh” tạo ra.

“Thời trang nhanh” là thuật ngữ được sử dụng để mô tả những món quần áo bắt kịp xu hướng nhanh chóng; Chúng lấy ý tưởng từ những món đồ trong các buổi trình diễn thời trang và được sản xuất rất nhanh để chuyển đến các cửa hàng. “Thời trang nhanh” cho phép người tiêu dùng mua quần áo hợp thời với giá cả phải chăng. Một số hãng thời trang nhanh nổi tiếng bao gồm Zara, H&M, UNIQLO, GAP và Forever 21.

Mặc dù mang lại lợi ích cho khách hàng lẫn doanh nghiệp, nhưng “thời trang nhanh” cũng bị chỉ trích vì những hậu quả gây ra đối với môi trường.

Chile từ lâu đã là một trung tâm tập trung quần áo cũ và không bán được. Những bộ quần áo này được sản xuất tại Trung Quốc hoặc Bangladesh, sau đó được vận chuyển đến châu Âu, châu Á hoặc Mỹ trước khi đến Chile, nơi những mặt hàng này được bán lại trên khắp châu Mỹ Latinh.

Ước tính, mỗi năm lại có khoảng 59.000 tấn quần áo cập cảng Iquique ở thành phố Alto Hospicio, miền Bắc Chile. Những người buôn quần áo đến từ thủ đô Santiago thường chỉ mua một ít trong số này, trong khi phần lớn được buôn lậu sang các nước Mỹ Latinh khác. 

Tuy nhiên, ít nhất 39.000 tấn hàng ế cuối cùng lại được tập kết tại các bãi rác trên sa mạc. 

Ông Franklin Zepeda, người sáng lập EcoFibra - một công ty sản xuất các tấm cách nhiệt bằng cách tận dụng quần áo bỏ đi – nhấn mạnh: “Vấn đề là quần áo không thể phân hủy và chứa các sản phẩm hóa học, vì vậy chúng bị từ chối tiếp nhận trong các bãi rác của thành phố”.

Theo một báo cáo về công nghiệp phụ trợ của Liên Hợp Quốc năm 2019, sản lượng quần áo toàn cầu đã tăng gấp đôi từ năm 2000 đến năm 2014 và ngành công nghiệp may mặc "chịu trách nhiệm cho 20% tổng lượng nước thải trên toàn cầu”.

Để sản xuất một chiếc quần jean cần 7.500 lít nước. Một báo cáo tương tự cũng chỉ rõ sản xuất quần áo và giày dép “đóng góp” 8% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu và "cứ mỗi giây, một lượng hàng dệt may tương đương với một xe chở rác được chôn hoặc đốt”.

Dù đống quần áo này bị vứt bỏ ngoài trời hay chôn dưới đất, chúng đều gây ô nhiễm môi trường, giải phóng các chất ô nhiễm vào không khí hoặc các kênh nước ngầm.

Quần áo, dù là quần áo tổng hợp hoặc được xử lý bằng hóa chất, có thể mất tới 200 năm để phân hủy và có tích chất độc hại tương đương lốp xe hoặc đồ nhựa bỏ đi.

Bà Monica Zarini là một trong những người thúc đẩy ý tưởng tận dụng quần áo tái chế ở Alto Hospicio. Bà đã tạo ra bóng đèn, sổ tay, hộp đựng và túi xách từ quần áo tái chế.

Theo bà, những quảng cáo về “thời trang nhanh” đã thuyết phục con người tin rằng “quần áo khiến chúng ta hấp dẫn hơn, trở nên sành điệu hơn và thậm chí chữa khỏi chứng lo âu”.

Sa mạc Atacama thành 'sàn diễn thời trang kì lạ' - Ảnh 1
Quần áo phủ kín trên cát tại sa mạc. (Ảnh: rte.ie)

Tuy nhiên, mọi thứ đang dần thay đổi. Bà Rosario Hevia, người đã thành lập công ty Ecocitex sản xuất sợi từ những mảnh vải và quần áo cũ vào năm 2019, nhận định trong nhiều năm, con người mặc sức tiêu thụ hàng may mặc và dường như không ai để tâm tới rác thải dệt may.

Giờ đây, người dân đã bắt đầu nhận thức được điều này và đã phần nào thay đổi thói quen mua sắm để hạn chế gây ô nhiễm môi trường.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Sa mạc Atacama thành 'sàn diễn thời trang kì lạ'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới