Thứ năm, 28/11/2024 03:22 (GMT+7)
Thứ ba, 06/07/2021 06:22 (GMT+7)

Sẵn sàng cho một kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn - an ninh - an tâm

Theo dõi KTMT trên

Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi đến các bộ, ngành, cơ quan đề nghị phối hợp chỉ đạo tổ chức kỳ thi và công tác tuyển sinh năm 2021, hướng tới việc tổ chức an toàn, trung thực, khách quan và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh.

Ngày 6/7, hơn 1 triệu thí sinh cả nước sẽ làm thủ tục cho đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Kỳ thi năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, vậy nên, ngành giáo dục và các địa phương đã xây dựng kịch bản sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống, hướng tới một kỳ thi "an toàn - an ninh - an tâm".

Sẵn sàng cho một kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn - an ninh - an tâm - Ảnh 1
Hà Nội tiến hành tổng diễn tập với nhiều tình huống giả định để bảo đảm an toàn cho kỳ thi.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 có 5 bài thi: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Thí sinh phải tham gia 4 bài thi để xét tốt nghiệp THPT, gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Riêng các thí sinh học hệ giáo dục thường xuyên không phải dự thi môn Ngoại ngữ.

Đối với thí sinh tự do (đã tốt nghiệp THPT hoặc trung cấp) được đăng ký dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc môn thành phần của bài thi tổ hợp.

Trong 5 bài thi, chỉ có bài Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, giáo dục nghề nghiệp năm 2021; ban hành Quy chế và hướng dẫn tổ chức kỳ thi. Ngân hàng câu hỏi thi được chuẩn bị bảo đảm yêu cầu, quy trình và số lượng phục vụ công tác đề thi. Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12.

Các nội dung kiến thức được tinh giản do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong năm học 2019 - 2020 và 2020 - 2021 sẽ không được đưa vào đề thi năm nay. Phần mềm quản lý thi (phục vụ đăng ký, tổ chức thi, hỗ trợ tuyển sinh) và phần mềm chấm thi trắc nghiệm đã được đánh giá trước khi tập huấn để sử dụng theo kế hoạch.

Phương án tổ chức kỳ thi trong điều kiện dịch bệnh cũng được lên kế hoạch. Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Mai Văn Trinh khẳng định sẽ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo đúng lịch đã công bố (ngày 7-8/7). Tuy nhiên, đến gần mốc thời gian này, nếu vẫn còn những nơi phải thực hiện phong tỏa, cách ly xã hội để phòng chống dịch, thì đợt thi ngày 7-8/7 chỉ tổ chức cho những nơi an toàn và cho thí sinh không thuộc diện F0, F1, F2.

Như vậy, Bộ GD&ĐT sẽ cùng với các địa phương tổ chức thi đợt 2 dành cho các thí sinh chưa thể dự thi ở đợt thứ nhất. Trong trường hợp này, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng đề thi giữa các đợt thi tương đồng về độ khó để bảo đảm sự công bằng với thí sinh dự thi các đợt thi khác nhau. Bộ GD&ĐT đồng thời sẽ chỉ đạo cơ sở giáo dục ĐH điều chỉnh về phương thức, thời gian, chỉ tiêu tuyển sinh để thí sinh thi đợt 2 vẫn được dự tuyển theo nguyện vọng đã đăng ký.

Bảo đảm kỳ thi "an toàn - an ninh - an tâm"

Thời gian qua, nhiều đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã đến khảo sát, kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại Khánh Hòa, nhắc đến 3 từ khóa “an toàn - an ninh - an tâm”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết “an toàn” là an toàn sức khỏe, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông…

“An ninh” là bảo đảm cho kỳ thi diễn ra nghiêm túc, từ công tác bảo mật đề thi, bài thi, coi thi, chấm thi tới công bố kết quả thi, xử lý các thông tin xấu độc…

“An tâm” trong điều kiện dịch bệnh được hiểu là những gì ngành giáo dục làm trước hết là để cho thí sinh an tâm dự thi; cán bộ, giáo viên an tâm làm nhiệm vụ; xã hội an tâm với kỳ thi. Ngoài ra, trong quá trình tổ chức kỳ thi có thể xảy ra các tình huống phát sinh, cho nên cách xử lý cũng phải làm sao để cho thí sinh cảm thấy an tâm.

Về công tác tập huấn, hướng dẫn cho đội ngũ làm công tác coi thi, chấm thi, Bộ GD&ĐT đã lưu ý địa phương về các nguyên tắc xử lý tình huống. Thực tế, hằng năm, vẫn có một số thí sinh bị đình chỉ thi vì vi phạm quy chế mang điện thoại vào phòng thi. Để hạn chế việc này, năm nay, Bộ đã ban hành công văn 552 ngày 5/5/2021 lưu ý trước khi phát đề thi, cán bộ coi thi số 2 nhắc lại lần nữa xem còn thí sinh nào mang điện thoại vào phòng thi không. Cần hướng đến một kỳ thi thành công, không có giáo viên, học sinh nào vi phạm quy chế.

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Để tổ chức thành công kỳ thi, không chỉ đơn vị chủ lực là ngành giáo dục mà các bộ, ban, ngành liên quan cũng được giao nhiệm vụ cụ thể, vào cuộc tích cực để cùng phối hợp tổ chức tốt kỳ thi.

Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi đến các bộ, ngành, cơ quan đề nghị phối hợp chỉ đạo tổ chức kỳ thi và công tác tuyển sinh năm 2021, hướng tới việc tổ chức an toàn, trung thực, khách quan và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh.

Các đơn vị phối hợp là: Bộ Công an; Bộ Y tế; Bộ Thông tin và Truyền thông; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; Tổng công ty Bưu điện Việt Nam; Cục Hàng không Việt Nam; Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; Bộ LĐTB&XH; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.

Nhật Nam

(Theo Báo Chính phủ)

Bạn đang đọc bài viết Sẵn sàng cho một kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn - an ninh - an tâm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới