Chủ nhật, 24/11/2024 07:37 (GMT+7)
Chủ nhật, 16/01/2022 16:00 (GMT+7)

Sau cơn 'địa chấn' Thủ Thiêm, thị trường BĐS năm 2022 diễn biến ra sao?

Theo dõi KTMT trên

Vụ đơn phương bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm của Tân Hoàng Minh có thể khiến thị trường BĐS bị “rung lắc”, nhưng nhiều chuyên gia đánh giá đây chỉ là sự vụ riêng lẻ và không hoàn toàn đại diện cho bức tranh chung của thị trường BĐS Việt Nam.

Có thể nói, thông tin Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc gần 600 tỷ đồng tại lô đất trúng đấu giá tỷ đô tại khu đô thị (KĐT) mới Thủ Thiêm đã tạo ra cơn địa chấn không chỉ trên thị trường bất động sản (BĐS), mà còn góp phần khiến cho cổ phiếu các doanh nghiệp BĐS “nằm sàn” hàng loạt.

Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia và đại diện các cơ quan quản lý nhà nước đây chỉ là sự vụ riêng lẻ và không có tính đại diện cho bức tranh chung của thị trường.

Sau cơn 'địa chấn' Thủ Thiêm, thị trường BĐS năm 2022 diễn biến ra sao? - Ảnh 1
Phối cảnh Khu đô thị Thủ Thiêm.

Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), để đánh giá toàn diện thị trường BĐS cần nhìn từ nhiều tình huống khác nhau. Việc giá đất tăng lên không phải chỉ có ảnh hưởng từ cuộc đấu giá, dù không thể phủ nhận việc đấu giá đất cao sẽ ảnh hưởng đến vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng về sau.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam (VARs) cũng cho rằng, trước khi có sự kiện đấu giá đất tỷ đô tại Thủ Thiêm thì giá nhà đất tại khu vực này đã rục rịch tăng giá, nhất là từ khi Quốc hội quyết định thành lập TP.Thủ Đức thành mô hình “thành phố trong thành phố”.

Nhiều chuyên gia nhận định dù có không ít vấn đề được đặt ra và cần được giải quyết để tránh những hệ lụy xấu từ sự vụ đấu giá đất tại Thủ Thiêm, nhưng xét về tổng quan, thị trường BĐS sẽ "lành mạnh hơn" trong năm 2022.

Triển vọng đầu tiên đến từ việc một loạt chính sách đã được Quốc hội và Chính phủ ban hành trong năm 2019, 2021 sẽ được triển khai rất nhanh trong năm nay, do độ trễ của các chính sách này đã đủ. Nhờ những chính sách tích cực, năm 2022 thị trường BĐS sẽ được định hình lại và phát triển lành mạnh hơn.

Chủ tịch VARs cho rằng, các năm qua, liên tiếp thị trường BĐS Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng 15%/năm và dự báo có nhiều triển vọng trong thời gian tới dựa trên các yếu tố vĩ mô bền vững.

Với dự báo sẽ duy trì tăng trưởng GDP hơn 6% trong những năm tới, Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế vừa và nhỏ có sức bật tốt, lợi thế về quy mô dân số, cơ cấu dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh so với nhiều nước trong khu vực. Đây cũng chính là lợi thế cạnh tranh giúp BĐS Việt Nam duy trì nhịp tăng trưởng nhất định, vượt qua lực cản dịch bệnh, ông Đính cho hay.

Sau cơn 'địa chấn' Thủ Thiêm, thị trường BĐS năm 2022 diễn biến ra sao? - Ảnh 2
Thủ Thiêm được xác định là trung tâm mới của TP.HCM. (Ảnh: DT)

Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV TS Cấn Văn Lực chia sẻ tại Diễn đàn “BĐS Miền Trung 2022: Xu hướng phát triển và lựa chọn đầu tư” triển vọng cho thị trường BĐS Việt Nam năm 2022 là tương đối sáng sủa trong bối cảnh kinh tế Việt Nam nhiều dấu hiệu tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức với doanh nghiệp BĐS nói riêng và thị trường BĐS nói chung, đặc biệt là thách thức từ dòng vốn.

Dưới góc độ đơn vị quản lý nhà nước chuyên ngành, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS cho rằng, thị trường BĐS luôn luôn có độ trễ và năm 2022 sẽ là thời điểm thực hiện độ trễ đó.

Cùng với đó, những động lực hứa hẹn tạo ra triển vọng tích cực cho thị trường, theo các chuyên gia cũng đến từ việc Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với một trong những trọng tâm là việc đẩy mạnh đầu tư công hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng.

Ngay sau vụ đấu giá đất kỷ lục tại Thủ Thiêm, Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) đã trình lên Thủ tướng báo cáo đánh giá tác động của phiên đấu giá đất đến thị trường BĐS và nền kinh tế.

Đấu giá quyền sử dụng đất sẽ dần trở thành phương thức chủ yếu để lựa chọn nhà đầu tư, chủ đầu tư, góp phần rất quan trọng để xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh nếu có hành lang pháp lý chặt chẽ.

Tuy nhiên, các tác động tiêu cực của phiên đấu giá đất tỷ USD tại Thủ Thiêm vừa qua có thể lớn hơn việc thành phố thu được hàng chục nghìn tỷ đồng cho ngân sách, thậm chí về lâu dài sẽ gây bất lợi cho thị trường BĐS và nền kinh tế.

Giá đất quá cao được xác lập tại Thủ Thiêm dẫn đến giá nhà lên đến ngưỡng 500-600 triệu đồng một m2 trên bán đảo này. Điều này có thể tác động ngược trở lại khu vực trung tâm quận 1, có lợi cho các dự án siêu sang hiện hữu và sắp triển khai. Khi đó, tạo cảm giác về mức giá bán căn hộ siêu sang tại quận 1 ở mức nửa tỷ đồng một m2 hiện nay trở thành bình thường.

Việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc sẽ đưa đến một tiền lệ xấu cho các hoạt động đấu giá tiếp theo, mà còn để lại một thị trường BĐS nhiễu loạn, méo mó về giá. Tác động của việc đẩy giá BĐS đã gây ra "cục máu đông" nợ xấu cho hệ thống tài chính.

Bùi Hằng (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Sau cơn 'địa chấn' Thủ Thiêm, thị trường BĐS năm 2022 diễn biến ra sao?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới