Sở GTVT tiếp tục giảm 15% lượt xe buýt trợ giá đến hết 31/7
Theo Sở GTVT Hà Nội, việc điều chỉnh dịch vụ trên nguyên tắc bảo đảm không làm xáo trộn lớn đến nhu cầu đi lại của hành khách; dịch vụ các tuyến được rà soát, điều chỉnh dựa trên nhu cầu đi lại và đặc thù hoạt động của từng tuyến.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngày 14/7 Sở GTVT Hà Nội đã chấp thuận gia hạn thời gian điều chỉnh tạm thời phương án vận hành đối với 118 tuyến buýt trợ giá cho đến hết ngày 31/7.
Sở GTVT Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố đang có 118 tuyến buýt có trợ giá, bình thường mỗi ngày có 1.831 xe hoạt động trên đường. Theo kế hoạch điều chỉnh trên, số tuyến hoạt động trên vẫn giữ nguyên, Sở GTVT chỉ điều chỉnh giảm số lượt xe chạy.
Theo phương án điều chỉnh, hiện số xe buýt vận hành vào ngày thường sẽ còn 1.294 xe, giảm 238 xe (tương đương giảm 15,5%); ngày chủ nhật vận hành 1.288 xe, giảm 138 xe (tương ứng giảm 9,7%).
Về số lượt xe trong ngày, đối với ngày thường, hoạt động 15.102 lượt xe (giảm 2.683 lượt, tương ứng 15,1%); vào chủ nhật, hoạt động 15.018 lượt xe (giảm 1.620 lượt, tương ứng 9,7%).
Trao đổi về vấn đề này, ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.Hà Nội nhận định, việc điều chỉnh dịch vụ trên nguyên tắc bảo đảm không làm xáo trộn lớn đến nhu cầu đi lại của hành khách; dịch vụ các tuyến được rà soát, điều chỉnh dựa trên nhu cầu đi lại và đặc thù hoạt động của từng tuyến.
Đối với các tuyến buýt trục chính, lưu lượng hành khách đi lại cao, xem xét điều chỉnh giảm dịch vụ ở mức hợp lý. Đối với các tuyến buýt có tần suất thấp (từ 20 phút/lượt trở lên) và các tuyến buýt có lộ trình độc đạo, xem xét điều chỉnh về mức 30 phút/lượt, giãn tần suất chạy xe giờ thấp điểm hoặc giữ nguyên dịch vụ.
Trước đó, để phòng chống dịch Covid-19, từ đầu tháng 6, Sở GTVT Hà Nội đã có phương án điều chỉnh theo hướng giảm 15% lượt xe buýt hoạt động trên đường. Thời gian điều chỉnh được đưa ra tại phương án này là đến hết ngày 30/6.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua sản lượng xe buýt của TP.Hà Nội liên tục có dấu hiệu giảm sút. Theo Phó Giám đốc Sở GTVT TP.Hà Nội Đào Việt Long, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều phương tiện kinh doanh vận tải đã phải dừng, giảm số chuyến hoạt động, giảm sức chứa do phải bố trí chỗ ngồi giãn cách theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, dẫn đến ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong tháng 5/2021, hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh chỉ đạt 47% so với tháng 4/2021 và giảm 28,7% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng xe buýt trong tháng 5/2021 tiếp tục giảm sâu (giảm 30% so với cùng kỳ năm 2020, giảm 41,5% so với thực hiện tháng 4/2021). Doanh thu tháng 5/2021 giảm 40% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 51,2% so với thực hiện tháng 4/2021…
"Việc sản lượng và doanh thu sụt giảm nghiêm trọng dẫn tới nguồn thu của các đơn vị vận tải giảm sút. Tuy nhiên, các khoản chi phí lớn như: Lãi vay ngân hàng, thuế, tiền thuê mặt bằng, bảo hiểm xã hội cho người lao động, phí sử dụng đường bộ, phí bến bãi, tiền lương cho người lao động và các chi phí khác đến hạn bắt buộc phải thanh toán gây ra nhiều áp lực cho doanh nghiệp", ông Long chia sẻ.
Lan Anh (T/h)