Chủ nhật, 24/11/2024 08:19 (GMT+7)
Thứ năm, 24/12/2020 17:30 (GMT+7)

Sông Cầu ‘giãy chết’, trách nhiệm thuộc về ai?

Theo dõi KTMT trên

Sông Cầu là một trong 5 con sông quan trọng nhất của miền Bắc từ lâu đã bị ô nhiễm nặng nề, việc này ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục nghìn hộ dân thuộc 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang sống 2 bên bờ sông.

Sông Cầu ‘giãy chết’, trách nhiệm thuộc về ai? - Ảnh 1
Một số khu vực chảy qua tỉnh Bắc Kạn có chất lượng nước kém. (Ảnh: Internet)

Theo đánh giá của Bộ TN&MT, trong gần 14 năm qua, với sự nỗ lực quản lý và kiểm soát ô nhiễm, trong bối cảnh hoạt động công nghiệp, sản xuất và quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ ở tất cả các tỉnh lưu vực sông Cầu, diễn biến chất lượng nước trên lưu vực sông Cầu ít biến động, chưa có sự cải thiện đáng kể qua các năm.

Tại khu vực thượng nguồn đoạn chảy qua tỉnh Bắc Kạn, môi trường nước sông đạt mức tốt, nước có thể sử dụng được cho sinh hoạt, tuy nhiên, cục bộ vẫn còn tồn tại một số khu vực chất lượng nước ở mức kém, song đã có sự cải thiện khá đáng kể so với nhiều năm trước (đoạn sông Cầu trước khi chảy qua TP.Thái Nguyên.

Trên dòng chính sông Cầu, khu vực thượng nguồn thuộc tỉnh Bắc Kạn và các đoạn sông trước khi chảy qua TP.Thái Nguyên, cơ bản chất lượng nước sông thường xuyên duy trì ở mức tốt, khi chảy qua TP.Thái Nguyên (Hoàng Văn Thụ đến điểm Tân Phú), nước sông bắt đầu bị ô nhiễm bởi hợp chất hữu cơ (khu vực Cầu Loàng, TP.Thái Nguyên; các khu vực như Sơn Cẩm, đập Thác Huống). Gần đây, điểm cầu Bóng Tối (điểm tiếp nhận trực tiếp nước thải sinh hoạt của TP.Thái Nguyên), nước sông thường xuyên bị ô nhiễm nặng bởi hợp chất hữu cơ và hợp chất nitơ.

Tại các khu vực sông Cầu địa phận tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, chất lượng nước sông không tốt. Điển hình là các khu vực Cầu Vát, Hương Lâm (Bắc Giang), Vạn Phúc, Hòa Long, Hiền Lương (Bắc Ninh), Phúc Lộc Phương (TP.Hà Nội), nước sông có hiện tượng ô nhiễm chất hữu cơ, hàm lượng các hợp chất chứa nitơ khá cao; thường xuyên xảy ra ô nhiễm, đặc biệt vào mùa khô hàng năm.

Mới đây, báo chí liên tục phản ánh về tình trạng, mặt nước sông Cầu đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Giang có màu đen sẫm, bốc mùi khó chịu, cá chết nổi trắng.

Trước tình trạng này, UBND tỉnh Bắc Giang đã có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Bắc Ninh về việc giải quyết tình trạng xả nước thải gây ô nhiễm.

Theo đó, công văn nêu, qua thông tin phản ánh của cơ quan báo chí, người dân địa phương và công văn của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang, hoạt động xả thải từ sông Ngũ Huyện Khê, tỉnh Bắc Ninh qua cống tiêu Đặng Xá gây ô nhiễm nguồn nước sông Cầu tại địa phận tỉnh Bắc Giang từ ngày 1/12/2020.

Hiện nay, mặt nước sông Cầu ô nhiễm tại địa phận các xã Quang Châu, Vân Trung, huyện Việt Yên. Theo dòng chảy, nước sông Cầu sẽ ảnh hưởng, gây ô nhiễm tại các xã thuộc địa phận huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.

Sông Cầu ‘giãy chết’, trách nhiệm thuộc về ai? - Ảnh 2
Sông Cầu đoạn chảy qua 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh bị ô nhiễm nghiêm trọng. (Ảnh: Internet)

Cũng theo UBND tỉnh Bắc Giang, việc nước sông Cầu bị ô nhiễm ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất, nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt của doanh nghiệp và nhân dân, đồng thời còn ảnh hưởng xấu đến chất lượng nguồn nước cấp cho sản xuất và sinh hoạt của KCN Quang Châu và KCN Vân Trung (huyện Việt Yên). Sau đó, nguồn nước mặt sông Cầu bị ô nhiễm có thể lan xuống hạ lưu ảnh hưởng đến địa phận tỉnh Hải Dương.

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Bắc Ninh đã tích cực chỉ đạo giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt sông Cầu do các nguồn xả thải vào sông Ngũ Huyện Khê, tỉnh Bắc Ninh chưa được giải quyết triệt để, xử lý dứt điểm.

Nguồn ô nhiễm từ đâu?

Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu đặt ra mục tiêu: Đến năm 2020 đưa con sông trở lại trong sạch, bảo đảm cân bằng nước phục vụ hiệu quả nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở lưu vực, hệ thống dòng chảy ổn định, các công trình thuỷ lợi an toàn, bền vững... Thế nhưng, đến nay tình trạng ô nhiễm càng ngày càng nghiêm trọng hơn, các địa phương chưa có giải pháp xử lý hiệu quả. 

Trong năm 2016, Bộ TN&MT lập đoàn công tác để kiểm tra tình trạng ô nhiễm ở sông Cầu. Theo báo cáo của bộ này, nguyên nhân chính làm ô nhiễm nước sông Cầu là do tiếp nhận nước sông Ngũ Huyện Khê (bắt nguồn từ huyện Đông Anh, Hà Nội chảy qua tỉnh Bắc Ninh) bị ô nhiễm chảy vào.

Sông Cầu ‘giãy chết’, trách nhiệm thuộc về ai? - Ảnh 3
Nhiều nhà máy tái chế giấy ở xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, Bắc Ninh xả nước thải ra sông Ngũ Huyện Khê. (Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam)

Theo đó, nước sông Ngũ Huyện Khê bị ô nhiễm nặng do tiếp nhận nước thải không được xử lý của các cơ sở sản xuất, đặc biệt là các nhà máy làm giấy ở xã Phú Lâm, Cụm công nghiệp (CCN) Phú Lâm thuộc huyện Tiên Du, Bắc Ninh và làng nghề tái chế giấy Phong Khê, CCN Phong Khê (phường Phong Khê, TP.Bắc Ninh). Đồng thời, bộ này cũng đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh có biện pháp xử lý triệt để các nguồn thải chính gây ô nhiễm môi trường nước sông Ngũ Huyện Khê và sông Cầu.

“Theo Bộ TN&MT, trên lưu vực sông Cầu có trên 4.000 nguồn thải, gồm: 3.555 nguồn thải là cơ sở sản xuất, kinh doanh; 144 nguồn thải là khu công nghiệp, cụm công nghiệp; 238 cơ sở y tế; 140 làng nghề. Ba tỉnh có số lượng nguồn thải lớn nhất là Thái Nguyên, Bắc Ninh và Bắc Giang. Vĩnh Phúc và Bắc Kạn là hai địa phương trên lưu vực sông có lượng nguồn thải ít nhất”.

Năm 2017, Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh có văn bản đến sở TN&MT Bắc Giang thông báo về các giải pháp của tỉnh Bắc Ninh để giải quyết tình trạng xả thải gây ô nhiễm nước sông Cầu. Theo đó, các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Ninh tiến hành cải tạo sông Ngũ Huyện Khê, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn ở CCN Phú Lâm và làng nghề giấy Phong Khê...

Hồi tháng 9 vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Bắc Ninh và UBND tỉnh Bắc Giang đã từng ngồi lại để tìm cách cứu dòng sông Cầu.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường) khẳng định: "Việc bảo vệ môi trường sông Cầu là trách nhiệm của tất cả các địa phương thuộc phạm vi lưu vực sông Cầu".

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cũng đề nghị 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác phối hợp trong xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường lưu vực sông Cầu thuộc địa phận giáp ranh. Đặc biệt, tỉnh Bắc Ninh cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Cần có biện pháp quyết liệt nhằm xử lý triệt để nguồn nước thải từ làng nghề, khu, cụm công nghiệp trước khi xả ra nguồn nước sông Cầu...

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Sông Cầu ‘giãy chết’, trách nhiệm thuộc về ai?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới