Chủ nhật, 24/11/2024 06:19 (GMT+7)
Thứ ba, 09/03/2021 06:20 (GMT+7)

Sống xanh - Hành trình bền vững

Theo dõi KTMT trên

Sống sạch – sống xanh đang là xu hướng chung trên toàn thế giới. Không chỉ trong thói quen ăn uống, sử dụng nhiên liệu, xu hướng sống xanh đang là xu thế mà tất chúng ta hướng đến.

Sống xanh - Hành trình bền vững - Ảnh 1

Cốt lõi của lối sống này là hướng đến những điều bền vững, có lợi cho thiên nhiên, cho môi trường, vì thế, các sản phẩm thân thiện môi trường, sử dụng năng lượng mặt trời, đồ tái chế... đang được nhiều người lựa chọn và coi đó là “lựa chọn xanh” để bảo vệ môi trường sống, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Những dấu hiệu tích cực

Như một tín hiệu đáng mừng, các hoạt động “tiêu dùng xanh” gần đây được cả xã hội quan tâm và cùng nhau hành động, lan tỏa tinh thần sống tích cực vì môi trường. Đầu tiên là xu hướng tái sử dụng đồ dùng để hạn chế rác thải. Dẫn đầu xu hướng sử dụng bình, cốc tái sử dụng phải kể đến hãng Starbucks. Ai đã từng uống cà phê tại các cửa hàng của Starbucks chắc hẳn đã quen với những chiếc cốc sứ, cốc thủy tinh, cốc giữ nhiệt của hãng này. Chúng trở thành đồ vật “bất ly thân” mỗi khi ra ngoài, khi mua đồ “take away” của nhiều bạn trẻ. Đặc biệt, khi đến với Starbucks, nếu bạn cầm theo bình nước cá nhân như thế thì sẽ được giảm 10.000 đồng khi mua nước ở đây. Đó là hành động ý nghĩa thể hiện ý thức bảo vệ môi trường.

Tiếp đó là xu hướng thay thế ống hút nhựa bằng ống hút giấy, ống hút tre, ống hút inox; thói quen sử dụng túi nilon được thay bằng túi giấy, túi vải cùng những cam kết và ưu đãi dành cho khách hàng hưởng ứng phong trào “sống xanh”, giảm thiểu đồ nhựa của các quán cà phê ở Hà Nội.

Phát triển bền vững là mục tiêu mà mọi người đều quan tâm. Trong ẩm thực cũng vậy, các nhà hàng đã không bỏ qua xu hướng này và tìm cách phục vụ thực khách những món ăn sạch “từ trang trại đến bàn ăn”. Những thực phẩm này không chỉ tươi ngon mà còn có nguồn gốc hữu cơ, xuất xứ địa phương. Không chỉ vậy, họ còn nghiên cứu các biện pháp giảm thiểu việc sử dụng điện, nước, đồ nhựa, túi nilon… để tiết kiệm năng lượng và hạn chế rác thải ra ngoài môi trường, góp phần bảo vệ cuộc sống của các thế hệ tương lai.

Sống xanh - Hành trình bền vững - Ảnh 2

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp thực phẩm đang ngày càng cam kết trước kỳ vọng của khách hàng về tính bền vững. Họ đảm bảo phát triển sản phẩm và chất lượng dịch vụ với một loạt các sáng kiến “xanh”, giúp chung tay bảo vệ môi trường. Điều này bao gồm giảm chất thải thông qua các thành phần tái chế và tái chế sau tiêu dùng, cũng như cải thiện khả năng phân huỷ sinh học và ứng dụng công nghệ mới. Khi mà xu hướng sống “xanh” vẫn luôn được đông đảo mọi người ủng hộ, ẩm thực “xanh” là con đường đầy triển vọng mà ẩm thực Việt Nam hiện đại đã và đang theo đuổi.

Năm 2020, gần 200 điểm siêu thị, nhà hàng, khu đô thị bắt tay thực hiện chiến dịch 'Earth Day Compostable' nhằm giảm thiểu việc sử dụng túi nilon, thay thế bằng túi bột ngô. Cũng trong tháng, một tập đoàn điện tử lớn hàng đầu cũng tiên phong thay đổi bọc sản phẩm công nghệ bằng nilon sang giấy tái chế phân hủy nhanh. Các hoạt động đều nhận sự hưởng ứng tích cực của khách hàng.

Trong lĩnh vực thương mại trực tuyến nói chung và giao thức ăn nói riêng, GrabFood cũng là dịch vụ đầu tiên tổng hợp các hàng quán xanh, sạch tại danh mục Eco-friendly để tạo điều kiện giúp người dùng bảo vệ môi trường. Dịch vụ tập hợp những nhà hàng, quán ăn đáp ứng các tiêu chí: Sử dụng bao bì, dụng cụ thân thiện với môi trường; hoặc có món ăn xuất xứ hữu cơ, tốt cho sức khỏe người dùng. Theo đó, người dùng thông qua vài thao tác trên smartphone là có thể tìm các hàng quán cung cấp thực phẩm xanh, sạch.

Tính năng phụ trợ này là một trong những giải pháp thiết thực để người dùng duy trì lối sống xanh ngay cả khi sử dụng dịch vụ giao thức ăn, phần nào đưa ra lời giải cho bài toán khó về sự tiện lợi trong cuộc sống cho người dùng. Mặt khác, các nhà hàng, quán ăn theo tiêu chí xanh, sạch cũng dễ dàng tiếp cận đến nhiều người dùng hơn, lan tỏa hơn nữa lối sống xanh trong cộng đồng.

Đồng hành trong việc lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường và giảm thiểu rác thải nhựa, nhiều chuỗi cửa hàng, siêu thị trên địa bàn Hà Nội cũng đang nỗ lực thay đổi thói quen sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần.

Tại các siêu thị lớn như CoopMart, VinMart hay Lotte Mart, nhiều loại túi nilon đựng thực phẩm đã được thay bằng lá chuối, túi vệ sinh tự hủy; các khay bằng xốp được thay bằng khay làm từ bã mía... Từ tháng 4/2019, Lotte Mart đã triển khai dự án Lotte Eco Green “Tôi hành động - bạn cũng thế?” với mục tiêu giảm thiểu lượng rác thải nhựa qua nhiều hoạt động ý nghĩa như: Ra mắt túi môi trường L-Care; tham gia liên minh chống rác thải nhựa, chương trình cam kết xanh...

Hệ thống siêu thị VinMart đã chính thức ra mắt Chiến dịch “3 xanh” bảo vệ môi trường với các mô hình như “VinMart xanh”, “Khách hàng xanh” và “Nhà cung cấp xanh”. Những “khách hàng xanh” không sử dụng túi nilon dùng một lần tại quầy thu ngân sẽ được tặng túi VinMart sử dụng nhiều lần. Không chỉ vậy, mỗi “khách hàng xanh” lập tức được tặng 1.000 đồng vào hóa đơn. VinMart “chuẩn xanh” còn đặc biệt hơn nữa khi toàn bộ các điểm bán trở thành địa chỉ thu hồi pin đã qua sử dụng, tránh thải pin ra môi trường, gây ô nhiễm đất và nguồn nước.

Không chỉ tạo nên những “siêu thị xanh”, khích lệ người mua sắm trở thành “khách hàng xanh”, tại mỗi điểm bán của chuỗi siêu thị VinMart còn có một khu vực riêng mang tên WE CARE - nơi bày bán các sản phẩm organic, 100% tự nhiên của các “nhà cung cấp xanh”. Theo đó, VinMart sẽ hỗ trợ tối đa cho những đối tác cung ứng sản phẩm thân thiện với môi trường bằng nhiều chính sách đặc biệt như bán hàng không lợi nhuận, quyền lợi ưu tiên trưng bày và quyền lợi về quảng cáo, nhận diện thương hiệu tại siêu thị, cửa hàng...

Sống xanh - Hành trình bền vững - Ảnh 3
Nhiều siêu thị đang thay thế túi nilon bằng lá chuối để hạn chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.

Bên cạnh hoạt động bảo vệ môi trường của các cửa hàng, doanh nghiệp và siêu thị lớn nhỏ, còn có rất nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực được lan tỏa, cho thấy “sống xanh” không còn là xu hướng mà đã trở thành thói quen, hành động của nhiều người trong công việc và cuộc sống. Quần áo cũ, không hợp mốt được các bạn trẻ lập trang Facebook chia sẻ, trao đổi đồ cho nhau nhằm giảm thiểu lượng rác thải. Những chai thủy tinh không bị vứt đi mà được hồi sinh dưới một hình dạng khác như đèn trang trí, lọ cắm hoa... Cùng với đó là các phong trào lan tỏa “lối sống xanh” mạnh mẽ trong cộng đồng như phong trào “Xóa chân rác - trồng vườn hoa”, “Thu gom pin hết hạn”, “Đổi giấy lấy cây”.

Có một xu hướng nữa cũng góp phần bảo vệ môi trường, đó là sử dụng tiết kiệm các thiết bị điện, giảm lượng khí thải độc hại ra môi trường. Trên mạng xã hội, nhiều nhóm hướng dẫn nhau sử dụng thiết bị gia dụng sao cho hiệu quả, hình thành “thói quen xanh” như tắt đèn khi không cần thiết, tăng nhiệt độ điều hòa khi về đêm, điều chỉnh máy nước nóng cho hợp lý, rút ngắn chiều dài vòi hoa sen và dùng nước lạnh giặt đồ để tiết kiệm điện...

Giải pháp thúc đẩy “tiêu dùng xanh”

“Tiêu dùng xanh” mang lại nhiều lợi ích, thế nhưng, việc thúc đẩy quá trình thay thế hoàn toàn các sản phẩm tiêu dùng thông thường, gây ô nhiễm bằng “sản phẩm xanh” còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi còn thiếu quy định cụ thể về “mua sắm xanh” hay “tiêu dùng xanh.” 

Vì vậy, để “tiêu dùng xanh” trở thành lối sống tích cực, cần có sự chung tay của toàn xã hội. Theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam: Để lan tỏa ý thức “sống xanh”, biện pháp quan trọng nhất là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của “tiêu dùng xanh” đối với môi trường sống và sức khỏe của con người. Các doanh nghiệp cần hướng mạnh về “sản xuất xanh”, trong đó ưu tiên giảm mức sử dụng năng lượng, chủ động cải tiến quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo nhằm tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng, đặc biệt là ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu đầu vào thân thiện với môi trường. Về phía Nhà nước, cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, chính sách về “tiêu dùng xanh”; đưa ra các chính sách khuyến khích sản xuất “sản phẩm xanh”, “dịch vụ xanh”, phát triển những ngành nghề, lĩnh vực có áp dụng công nghệ sạch, đẩy mạnh “xanh hóa” sản xuất, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, phát triển “công nghệ xanh”...

Với sự vào cuộc của toàn xã hội, chắc chắn xu hướng “tiêu dùng xanh” sẽ ngày càng lan tỏa và phát triển mạnh mẽ hơn, không chỉ đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp mà khi thực hành, chúng ta sẽ sống lành mạnh hơn, thư thái hơn khi mục tiêu cao cả là chọn “sống xanh”, “tiêu dùng xanh” vì cái chung, vì sự sống đích thực của con người.

Có thể nói, việc tổ chức đồng bộ giải pháp tuyên truyền, tăng cường nhận diện sản phẩm xanh, kết hợp giải pháp kinh tế hứa hẹn sẽ góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc ưu tiên tiêu dùng xanh trong thời gian tới, góp phần cải thiện chất lượng môi trường sống vốn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng hiện nay

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Mỗi ngày Hà Nội thải ra từ 4.000 - 5.000 tấn rác, trong đó rác thải nilon chiếm đến 7 - 8%, và lượng túi nilon tăng theo từng năm. Với đặc tính bền, khó phân hủy của các sản phẩm nhựa, nilon đã và đang gây ô nhiễm môi trường, để lại những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và các loài động thực vật.

Thanh Thúy

Bạn đang đọc bài viết Sống xanh - Hành trình bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới