Chủ nhật, 24/11/2024 07:32 (GMT+7)
Thứ bảy, 09/05/2020 13:00 (GMT+7)

Trao cơ hội để rác thải góp sức cho cuộc sống xanh

Theo dõi KTMT trên

Thay vì kết thúc vòng đời tại các bãi rác, tại sao chúng ta không để rác có cơ hội đóng góp trở lại cho cuộc sống thêm xanh?

Cứu cánh môi trường nông thôn

Việc áp dụng khoa học công nghệ xử lý rác thải trở nên cấp thiết và quan trọng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Bãi rác Đông Nam (Đông Sơn, Thanh Hóa), từ khi được quy hoạch trở thành bãi chứa rác của thành phố Thanh Hóa, huyện Đông Sơn và một số xã của huyện Quảng Xương, lượng rác thải tại đây đã trở nên quá tải suốt nhiều năm. Người dân thôn Phúc Đoàn (Đông Nam) đang gánh chịu mùi hôi, ruồi nhặng từ bãi rác này. Bên cạnh đó, một loạt bãi rác, khu xử lý chất thải ở Sầm Sơn, Nông Cống, Bỉm Sơn… cũng gặp tình trạng tương tự.

Trước thực trạng này, Hội Bảo vệ môi trường Thanh Hóa, phối hợp với Công ty Môi trường Lam Sơn đã nghiên cứu, chế tạo thành công công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng chế phẩm sinh học, được lắp đặt và đưa vào thực nghiệm tại xã Xuân Cẩm (Thường Xuân).

Trao cơ hội để rác thải góp sức cho cuộc sống xanh - Ảnh 1
Công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng chế phẩm sinh học kết hợp sàng phân loại tại xã Xuân Cẩm.

Quy trình thực hiện áp dụng các công nghệ xé bao rác; công nghệ ủ vi sinh; công nghệ tách mùn hữu cơ; công nghệ tận thu đối với vật liệu chất dẻo, đốt các thành phần rác không thể tận dụng tái chế và thu hồi chất thải vô cơ không thể đốt làm vật liệu san lấp. Trong đó, công nghệ ủ vi sinh là chìa khóa quyết định yếu tố thành công của công nghệ này.

Cụ thể, khi rác được vận chuyển về nơi tập kết, sau công đoạn xé bao do phần lớn rác được chứa trong các túi PP hoặc PE. Lập tức, rác được ủ vi sinh bằng cách phun đều chế phẩm sinh học theo từng lớp, đánh đống ủ trong 20 - 25 ngày. Sau khi được ủ vi sinh từ chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường, nhiệt độ trong các đống rác ủ lên tới 70 - 80 độ C, do đó, nước từ các ụ rác sẽ liên tục bốc hơi, độ ẩm giảm chỉ còn 30%.

Cuối cùng, rác sau ủ được đưa lên sàng phân loại qua băng tải và được tách thành 3 loại: Mùn hữu cơ; rác thải vô cơ (gạch, đá, thủy tinh…); ni lông, nhựa được phân loại riêng để tái chế. Rác hữu cơ không thể tái chế đưa vào lò đốt. Lúc này, khối lượng rác đốt giảm đáng kể sau quá trình sàng phân loại, độ ẩm rác thấp giúp cho việc đốt trở nên dễ dàng, nhanh chóng và hạn chế ô nhiễm không khí.

Trăn trở tìm công nghệ

Mỗi ngày, tỉnh Nghệ An phát sinh khoảng gần 1.800 tấn rác thải rắn sinh hoạt. Việc xử lý loại rác thải này khiến các ngành chức năng đau đầu với bài toán lựa chọn công nghệ.

Từ giữa năm 2019, xã Văn Thành (Yên Thành) đã đưa vào sử dụng lò đốt rác thải sinh hoạt trị giá gần 4 tỉ đồng. Lò đốt rác nằm cách xa khu vực dân cư rộng khoảng 1 ha, công suất hoạt động xử lý 300kg rác/giờ tương đương với khoảng 2 - 3 tấn/ngày. Tuy vậy, đây chỉ là giải pháp tình thế kiểu “nóng tay bắt lỗ tai” nên về lâu dài phương án này rất khó khả dĩ bởi hiện nay, có sự phản đối nhất định của dân cư sống xung quanh do ô nhiễm khói khi đốt rác.

Trao cơ hội để rác thải góp sức cho cuộc sống xanh - Ảnh 2
Nhà máy xử lý và tái chế chất thải rắn Ecovi do Chi nhánh Công ty Cổ phần Galax tại Nghệ An làm chủ đầu tư “hun khói” người dân xã Nghi Yên nhiều năm.

Ngoài lò đốt rác thải xã Văn Thành còn có lò đốt rác ở xã Minh Thành và Tăng Thành đã được đưa vào hoạt động. Còn tại xã Khánh Sơn (Nam Đàn) cũng có một lò đốt rác quy mô nhỏ tương tự ở Yên Thành hoạt động đã nhiều năm nhưng vẫn là giải pháp tình thế.

Hiện nay, tỉnh Nghệ An có Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên (đặt tại huyện Nghi Lộc); Nhà máy xử lý chất thải rắn Nghĩa Đàn và Nhà máy xử lý chất thải rắn Hoàng Mai. Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên được UBND tỉnh Nghệ An cho xây dựng theo công nghệ Đan Mạch, với tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng từ nguồn vốn vay và đối ứng. Toàn bộ khuôn viên Khu liên hợp có diện tích là 53 ha. Sau khi xây dựng xong, tháng 12/2012, giao cho Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An tiếp nhận và vận hành. Trong đó, có 7 ha được UBND tỉnh giao cho Nhà máy xử lý và tái chế chất thải rắn Ecovi do Chi nhánh Công ty Cổ phần Galax tại Nghệ An làm chủ đầu tư. Hiện, đơn vị này đang vận hành 2 lò đốt nhưng khói và mùi của lò đốt này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, nhất là hàng chục hộ dân ở xóm 4, 5 của xã Nghi Yên đến nay hơn 70 hộ dân vẫn chưa được di dời, tái định cư.

Chưa hết, Khu chôn lấp chất thải rắn Nghi Yên với diện tích 46 ha do Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An tiếp nhận bàn giao từ tỉnh để chịu trách nhiệm quản lý, vận hành, chôn lấp hợp vệ sinh theo công nghệ châu Âu. Tuy vậy, hệ thống xử lý nước rỉ rác không được đầu tư đúng mức nên lượng nước thải phát sinh là rất lớn, dẫn tới khó quản lý và vận hành.

Khả thi nhất là 2 nhà máy củaTập đoàn Công nghệ T-TECH Việt Nam. Đó là Nhà máy xử lý chất thải rắn Nghĩa Đàn đặt tại xã Nghĩa Bình có tổng mức đầu tư gần 70 tỉ đồng, được đặt nằm cách xa khu dân cư với quy mô 3,1 ha, có công suất xử lý rác thải từ 75 - 100 tấn/ngày. Nhà máy này có thể đốt tiêu hủy được đến 95% lượng rác và chỉ phải chôn tro xỉ sau đốt với khoảng 5%. Tương tự là Nhà máy xử lý chất thải rắn Hoàng Mai cũng vừa hoạt động được một thời gian ngắn đã phần nào “giải tỏa” bí bức trong xử lý rác thải của khu vực.

Tuy vậy, xét tổng thể quy mô của 2 nhà máy này cũng chỉ mới đáp ứng đủ nhu cầu của 2 địa phương bởi công suất xử lý chỉ ở mức vừa phải.

Giảm tải gánh nặng ô nhiễm

Một số tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn.

Ông Đào Trọng Ngữ, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang cho biết, để nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải, Chi cục tập trung triển khai nâng cao nhận thức cho người dân về các giải pháp bảo vệ môi trường, phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 80% chất thải tại khu vực nông thôn được thu gom, xử lý theo mục tiêu của Đề án bảo vệ môi trường tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030.

Trao cơ hội để rác thải góp sức cho cuộc sống xanh - Ảnh 3
Bãi rác quá tải khiến tỉ lệ thu gom, xử lý rác ở khu vực nông thôn còn thấp.

Còn bà Nguyễn Thụy Kiều Diễm, Phó Chi Cục trưởng Phụ trách Chi cục Bảo vệ Môi trường - Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng thông tin, Chi cục sẽ triển khai các biện pháp phân loại chất thải rắn tại nguồn; phối hợp thanh, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm trong xử lý chất thải rắn. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực nhận thức cho tổ chức, cá nhân quản lý tổng hợp chất thải rắn, nói không với chất thải nhựa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng các sản phẩm thân thiện.

Bà Cao Thị Minh Thảo, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ cho biết, nhằm huy động và nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn, Sở TN&MT tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, hội đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để phát huy sức mạnh đoàn kết toàn xã hội chung tay bảo vệ môi trường; đồng thời, nhân rộng các mô hình thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn ở khu vực nông thôn.

Thu Thủy-Đình Tiệp-Lê Hùng

Bạn đang đọc bài viết Trao cơ hội để rác thải góp sức cho cuộc sống xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới