Chủ nhật, 24/11/2024 05:39 (GMT+7)
Thứ hai, 08/08/2022 16:50 (GMT+7)

Sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng cao cần lưu ý gì khi điều trị tại nhà

Theo dõi KTMT trên

CDC Hà Nội dự báo số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Nguyên nhân là đang trong cao điểm mùa dịch.

Số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng 2-3 lần

Theo báo cáo tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội tuần qua (hết ngày 5/8), số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng của địa phương này đều tăng so với tuần trước.

Cụ thể, thành phố ghi nhận thêm 149 ca mắc sốt xuất huyết trong 7 ngày qua, không có trường hợp tử vong. Con số này tăng gấp 2-3 lần so với tuần trước đó.

Các bệnh nhân tập trung chủ yếu tại một số quận, huyện như: Ba Đình (19 ca), Đống Đa (16), Thường Tín (14), Thanh Oai (10), Thanh Xuân (10)…

Cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có tổng cộng 608 ca mắc sốt xuất huyết, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Số người mắc sốt xuất huyết cũng tăng so với cùng kỳ năm 2021 (359 ca).

Các bệnh nhân phân bố tại toàn bộ 30 quận, huyện; 240/579 xã, phường, thị trấn. Type virus Dengue được ghi nhận ở các bệnh nhân là DENV1 và DENV2.

Đáng chú ý, trong tuần qua, thành phố ghi nhận thêm 8 ổ dịch mới tại Đống Đa (2), Thanh Oai (2), Thường Tín (2), Long Biên (1), Hoài Đức (1). Cộng dồn từ đầu năm, Hà Nội đã có tổng cộng 55 ổ dịch tại 19 quận, huyện, 45 xã, phường. Trong số này, 13 ổ dịch vẫn đang hoạt động.

Về các dịch bệnh khác, CDC Hà Nội thông tin trong tuần vừa qua, thành phố ghi nhận 32 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 9 ca so với tuần trước. Cộng dồn năm 2022, thành phố có tổng cộng 1.183 ca mắc tay chân miệng; không có ca tử vong. Số lượng bệnh nhân cũng tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng cao cần lưu ý gì khi điều trị tại nhà - Ảnh 1

Triệu chứng sốt xuất huyết

1. Sốt xuất huyến cổ điển (thể nhẹ)

Những người lần đầu tiên mắc bệnh bị loại này vì họ chưa có miễn dịch với bệnh. Đây là dạng có biểu hiện các triệu chứng điển hình và không có biến chứng. Bệnh thường bắt đầu với triệu chứng sốt và sẽ kéo dài trong vòng 4-7 ngày tính từ sau khi bị truyền bệnh bởi muỗi. Ngoài ra, còn có các triệu chứng như:

  • Sốt cao, lên đến 40,5 độ C
  • Nhức đầu nghiêm trọng
  • Đau phía sau mắt
  • Đau khớp và cơ
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Phát ban.

Các ban sốt xuất huyết có thể xuất hiện trên cơ thể 3-4 ngày sau khi bắt đầu sốt và sau đó thuyên giảm sau 1-2 ngày. Bạn có thể bị nổi ban lại một lần nữa vào ngày sau đó.

2. Sốt xuất huyết có chảy máu

Các dấu hiệu sốt xuất huyết dạng này bao gồm tất cả các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết nhẹ kèm theo tổn thương mạch máu và mạch bạch huyết, chảy máu cam, chảy máu ở nướu hoặc dưới da, gây ra vết bầm tím. Thể bệnh này có thể dẫn đến tử vong.

3. Triệu chứng sốt xuất huyết dengue (hội chứng sốc dengue)

Thể bệnh này là dạng nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết – bao gồm tất cả các biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết nhẹ cộng với các triệu chứng chảy máu, kèm theo huyết tương thoát khỏi mạch máu, chảy máu ồ ạt trong và ngoài cơ thể, sốc (huyết áp thấp).

Loại này thường xảy ra trong lần nhiễm trùng sau, khi bạn đã có miễn dịch chủ động (do đã từng mắc bệnh) hoặc thụ động (do mẹ truyền sang) đối với một loại kháng nguyên virus. Bệnh thường biểu hiện nặng đột ngột sau 2 đến 5 ngày (giai đoạn hạ sốt). Dạng này của bệnh thường xảy ra ở trẻ em (đôi khi ở người lớn). Dạng bệnh này có thể gây tử vong, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên.

4. Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em

Trẻ em khi mắc bệnh sốt xuất huyết từ 3 ngày sẽ có những dấu hiệu sốt cao, khiến bố mẹ thường nhầm là cảm cúm hay nhiễm khuẩn đường hô hấp.

Những điều cần chú ý khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà

Phần lớn bệnh nhân sốt xuất huyết đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở. Do vậy người bệnh cần chú ý những điều sau:

  • Sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, tự theo dõi sát tại nhà, đến bệnh viện làm xét nghiệm theo hẹn.
  • Nếu sốt cao ≥ 39 độ C, uống thuốc hạ sốt, nới lỏng quần áo và lau mát bằng nước ấm. Thuốc hạ sốt chỉ được dùng là paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10 - 15 mg/kg cân nặng/lần (ví dụ một người 50kg có thể uống 1 viên paracetamol 500mg/lần), mỗi lần uống cách nhau mỗi 4-6 giờ. Tổng liều paracetamol không quá 60mg/kg cân nặng/24h (một người 50kg không uống quá 3000mg/ngày)
  • Tuyệt đối không dùng aspirin (acetyl salicylic acid), analgin, ibuprofen để điều trị vì có thể gây xuất huyết, toan máu.
  • Bù dịch bằng cách uống oresol (pha đúng theo hướng dẫn), nước cam, nước chanh...
  • Nằm màn để tránh bị muỗi đốt làm lây lan dịch bệnh.
  • Nếu có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo (như đã nêu trên) cần đến bệnh viện ngay.

Bệnh sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Nguyên nhân lây lan bệnh là do muỗi vằn truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Bệnh sốt xuất huyết đôi khi có thể gây đau nhức rất trầm trọng ở cơ và khớp.

Virus Dengue có 4 type huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4.

Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh sốt xuất huyết dạng nhẹ sẽ gây sốt cao, phát ban, đau cơ và khớp, rối loạn đông máu, suy đa tạng... Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời dễ dẫn đến dễ dẫn đến sốt xuất huyết dạng nặng, có thể gây chảy máu nặng, giảm huyết áp đột ngột (sốc) và tử vong.

Bạn đang đọc bài viết Sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng cao cần lưu ý gì khi điều trị tại nhà. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới