Thứ năm, 28/11/2024 04:14 (GMT+7)
Thứ bảy, 19/10/2019 10:24 (GMT+7)

Sự cố nước sạch sông Đà: Ai chịu trách nhiệm?

Theo dõi KTMT trên

Trước sự cố ô nhiễm nước sạch sông Đà, ảnh hưởng đến đời sống của hàng vạn người dân thủ đô và câu hỏi đặt ra là ai sẽ là người chịu trách nhiệm sau vụ việc này.

Những ngày qua, sự việc hệ thống nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu thải đã khiến hàng triệu người dân thủ đô Hà Nội bức xúc. Theo kết quả công bố của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung, kết quả xét nghiệm xác định mùi lạ trong nước liên quan đến chất styren với mức vượt ngưỡng từ 1,3 – 3,6 lần so với bình thường. Styren thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, mức giới hạn theo QCVN 01:2009/BYT là 20 mg/lít.

Trước thông tin này, người dân tỏ ra vô cùng hoang mang. Vì họ đã và đang sử dụng người nước ô nhiễm, nguồn nước nhiễm dầu và câu hỏi đặt ra là ai sẽ là người chịu trách nhiệm sau vụ việc này?

Sự cố nước sạch sông Đà: Ai chịu trách nhiệm? - Ảnh 1
Dầu thải nhuốm đen nguồn nước đầu nguồn sông Đà. Ảnh: N.H

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, chiều 17/10, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ cho biết, việc quản lý cấp nước sạch cho người dân đều có các quy chuẩn kỹ thuật, nhưng trên thực tế không thực hiện được theo đúng các quy chuẩn này. Ví dụ như hồ chứa cấp nước để sản xuất nước sạch hiện nay quản lý lỏng lẻo.

Như vụ ở Hòa Bình, ngoài việc đổ thải gây ô nhiễm mang tính độc hại đó, thực tế vẫn còn là nơi cung cấp nước tưới tiêu cho nông nghiệp. Việc tưới tràn trong nông nghiệp, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón chảy xuống hồ cũng là một nguồn gây độc hại cho nguồn nước. Nếu không xử lý triệt để thì vẫn còn.

“Giải pháp đặt ra là cần kiểm tra, quản lý các nguồn cấp nước để sản xuất nước sạch cho các đô thị. Quy trình quản lý phải chuẩn. Như ở các nước, nơi sản xuất nước sạch cho người dân đều được lắp các cảm biến tự động. Mọi chỉ số đều được đánh giá, công khai hàng ngày cho người dân được biết. Đấy là một cách giám sát hiệu quả, ai cũng biết, nhìn được chỉ số về nơi cung cấp nguồn nước”, ông Võ nói.

Theo ông Võ, với điều kiện hiện nay, việc lắp các thiết bị cảm biến đo các chỉ số như vậy “không còn cao xa”, các nước làm được, nhưng ở Việt Nam hiện vẫn chưa triển khai. Ông Võ đề nghị cần làm, vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân.

Liên quan đến chuyện bồi thường thiệt hại cho người dân do tình hình nước nhiễm bẩn gây ra, ông Võ cho biết, đây là quan hệ thương mại mang tính dân sự, giữa đơn vị cấp nước và người dân đô thị. Về nguyên tắc, bên bán nếu gây thiệt hại cho bên mua thì phải bồi thường, dù có ghi hoặc không ghi điều khoản trong hợp đồng.

“Nếu chứng minh được việc nước bị nhiễm bẩn gây thiệt hại cho người dân thì phải đền bù. Điều này rất bình thường trong pháp luật dân sự”, ông Võ nói. Theo ông Võ, người dân, các tổ chức có liên quan, các cơ quan nhà nước có thể phối hợp, hỗ trợ, chứng minh thiệt hại trước mắt và lâu dài do nước nhiễm bẩn gây ra, ví dụ như gây suy hao về sức khỏe để bên cấp nước bồi thường.

Về mức độ an toàn của các dự án nước sạch từ nguồn nước mặt, ông Võ tái khẳng định việc cần có là quy chuẩn thực sự chặt chẽ và cụ thể để bảo vệ sức khỏe người dân. Còn việc có đảm bảo chất lượng, an toàn hay không phụ thuộc vào việc quản lý. “Nước mặt chủ yếu lấy từ nước sông, nước hồ. Phải đưa vào các hồ chuyên dụng làm nguồn cung nước sạch. Vấn đề còn lại là quản lý kiểu gì. Dù nước mặt hay nước ngầm thì quan trọng nhất là đảm bảo chất lượng nước sạch thực sự an toàn cho người dân”, ông Võ nói.

Còn dưới góc độ pháp lý về xử lý trách nhiệm các bên liên quan, trao đổi với phóng viên, Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật Chính pháp) nhận định trong vụ việc này, cả người đổ dầu thải ở đầu nguồn nước gây ô nhiễm môi trường lẫn đơn vị cung cấp nước sạch đều phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại của những người dân và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Đối với những người đổ trộm chất thải nguy hại vào đầu nguồn nước, hành vi này làm ảnh hưởng đến đời sống của hàng nghìn hộ dân. Người vi phạm có thể bị phạt hành chính đến một tỷ đồng.

Nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Gây ô nhiễm môi trường, quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự. Mức phạt cao nhất lên đến 7 năm tù.

Theo luật sư, đối với đơn vị cung cấp nước sạch, công ty này biết rõ nguồn nước nhiễm bẩn nhưng không báo cáo mà tiếp tục cung cấp nước cho các hộ dân. Đó là sự thiếu trách nhiệm, thiếu cái tâm của nghề, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng nghìn người.

"Hành vi này hết sức tắc trách, coi thường tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng", ông Cường nói và cho rằng cơ quan chức năng cần làm rõ chất lượng của nguồn nước để làm căn cứ xem xét xử lý trách nhiệm của những người có liên quan.

Trường hợp công ty cấp nước sạch xác định chất lượng nước không đảm bảo, không đủ điều kiện sử dụng mà vẫn bán cho người dân thì cần xử lý theo quy định pháp luật. Tùy thuộc vào mức độ sai phạm và hậu quả xảy ra, hành vi này có thể bị xử lý kỷ luật lãnh đạo, xử phạt hành chính công ty hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về dân sự, luật sư Cường cho rằng công ty cấp nước sạch phải bồi thường toàn bộ thiệt hại mà người dân hứng chịu khi sử dụng nước ô nhiễm.

Bạn đang đọc bài viết Sự cố nước sạch sông Đà: Ai chịu trách nhiệm?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới