Thứ năm, 28/11/2024 02:23 (GMT+7)
Thứ ba, 07/03/2023 15:15 (GMT+7)

Sức sống dòng sông Mẹ

Theo dõi KTMT trên

Không biết tự khi nào, sông Nậm Rốm gắn liền với đồng bào các dân tộc ở Điện Biên.

1.

Sông Nậm Rốm dài chừng 35km, khởi nguồn từ dãy Pú Huổi Luông, (tiếng dân tộc Thái nghĩa là “núi suối to”) trên độ cao hơn 2.100 mét. Cái tên Nậm Rốm có nhiều người giải thích rằng, trong tiếng của đồng bào Thái, “Nậm” có nghĩa là sông, suối, còn từ “Rốm” có nhiều nghĩa trong đó có một nghĩa là cây lát. Và nơi phát nguyên của Nậm Rốm có một rừng gỗ lát. Có người lại cho rằng cái tên ấy gắn với biểu tượng của Khun Bó Dốm, một thủ lĩnh lừng danh của xứ Mường Trời thời khai thiên lập địa.

Khởi nguồn từ phía Bắc của huyện Điện Biên, sông Nậm Rốm chảy qua TP. Điện Biên Phủ gồm 7 phường và 12 xã vùng lòng chảo của huyện Điện Biên trước khi hòa mình vào dòng sông Nậm Núa. Nếu như đồng bào dân tộc Mông, Hà Nhì... chọn các sườn núi cao để sinh sống thì đồng bào dân tộc Thái, dân tộc Lào lại chọn những nơi có nguồn nước để định cư. Và đây cũng là lý do dọc hai bên bờ sông Nậm Rốm chủ yếu gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt của đa phần đồng bào dân tộc Thái – Lào ở Điện Biên.

Sức sống dòng sông Mẹ - Ảnh 1
Bãi màu xã Pom Lót, huyện Điện Biên được bồi đắp từ con sông Nậm Rốm rộng hàng trăm héc - ta, nuôi sống đồng bào dọc hai bên bờ Nậm Rốm

2.

Điện Biên chỉ có hai mùa mưa và mùa khô rõ rệt. Mưa kéo dài suốt 6 tháng, bắt đầu từ tháng 4 cho đến tháng 9 (dương lịch). Lượng mưa đo được trung bình từ 150mm cho đến 200mm/năm. Chính vì mưa nhiều nên hai bên dòng Nậm Rốm có những bồi rộng hàng trăm héc - ta đất màu, tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc của Điện Biên sống quây quần đông đúc cho đến tận hôm nay.

Cầu C9 treo ngang qua dòng sông Nậm Rốm, xã Thanh Yên (một xã thuộc vùng lòng chảo của huyện Điện Biên), địa phương có bãi bồi từ sông Nậm Rốm rộng khoảng 46ha. Và chính những diện tích đất màu đó đã góp phần tạo nên sản lượng lương thực đáng kể cho đồng bào Thái, Lào suốt từ nhiều năm qua.

Một trong những hộ gia đình người Thái sống nhờ vào bãi bồi của con sông, chị Lò Thị Hoàn, Đội 3, xã Thanh Yên, có trên 2.500m2 đất màu ven sông. Chị chuyên canh trồng ngô 1 vụ và luân canh trồng củ đậu. Mỗi năm, trừ chi phí gia đình chị thu lợi từ việc bán củ đậu được khoảng 100 triệu đồng/vụ, chưa kể vụ ngô. Cũng từ diện tích bãi bồi đó mà chị nuôi được 2 con theo học đại học. Đối với chị và nhiều gia đình người Thái ở đây thì sông Nậm Rốm không chỉ đơn thuần nuôi sống bao thế hệ người của bản. Mà còn là con sông gắn với những câu chuyện cổ về bản mường, về lịch sử giữ nước của dân tộc…và cả tuổi thơ của chị, những người bạn cùng trang lứa cũng gắn bó kí ức tắm sông.

Sức sống dòng sông Mẹ - Ảnh 2

Dọc theo dòng Nậm Rốm, xã Noong Luống được ví như đoạn cuối của con sông trước khi hòa mình vào suối Nậm Núa chảy sang nước bạn Lào. Tại khúc sông này gia đình ông Quàng Văn Phích, người dân tộc Thái ở đội 13, xã Noong Luống (huyện Điện Biên) dựng chặng cá ở khu vực ngã ba sông.

Ông Phích kể, bắt cá ở con sông này phải dùng chặng đan từ thân tre, nứa chắn ngang qua dòng đoạn chảy siết, phía dưới có một chiếc đó to để cá chui vào. Mỗi ngày nhấc đó vài lần để lấy cá lên. Ngày nhiều thì cũng bắt được trên chục cân cá, ngày ít cũng phải dăm ba cân. Mọi chi phí sinh hoạt, nuôi con ăn học cũng đều nhờ việc bắt cá từ con Nậm Rốm.

Chặng cá đã giúp gia đình tôi vượt qua lúc khó khăn bần hàn. Và đó cũng là nguồn mưu sinh cho việc lấy ngắn nuôi dài chờ vườn bưởi của nhà cho thu hoạch. Đến nay, vườn bưởi của gia đình cho thu nhập mỗi khoảng 300 triệu đồng, trừ chi phí. Nghề chặn đăng bắt cá ở sông Nậm Rốm mình cũng bỏ luôn… Đó là nghề vất vả.”

Sức sống dòng sông Mẹ - Ảnh 3
Xã Thanh Yên, huyện Điện Biên có bãi bồi từ sông Nậm Rốm rộng khoảng 46ha.

3.

Trải dọc hai bên bờ của dòng sông Nậm Rốm, có biết bao câu chuyện kể mưu sinh của đồng bào các dân tộc ở nơi đây. Trong đó, có cả câu chuyện về cánh đồng lúa Mường Thanh được tưới tiêu từ nguồn nước của dòng sông Nậm Rốm rộng 140km2. Nếu năm 1984, tổng diện tích lúa 2 vụ của tỉnh Điện Biên là gần 2.400ha, đến năm 2017, tổng số diện tích lúa 2 vụ của tỉnh này đã tăng lên hơn 7.000ha. Tỉnh Điện Biên từ chỗ thiếu lương thực, đến nay có thể cung cấp lương thực cho các địa phương khác. Trên hành trình từ thụ động đến chủ động trong lương thực, là những nỗ lực phi thường, trí tuệ và sự đóng góp của lớp lớp nông dân Điện Biên trong đó có một phần năng lượng của con sông.

Sông Nậm Rốm được ví như dòng sông mẹ. Ý nghĩa không phải lấy từ sự hợp nhất của nhiều dòng chảy khác. Mà đơn thuần, dòng sông đã nuôi sống nhiều thế hệ đồng bào các dân tộc thiểu số ở Điện Biên. Hôm nay, bên dòng Nậm Rốm ấy, bao bản làng đã vươn mình trong diện mạo mới, cùng nhau phát triển, xây dựng quê hương ấm no, hạnh phúc. Cho dù dòng Nậm Rốm ít nhiều đã bị đổi thay, trải qua những thăng trầm, dòng sông ấy vẫn luôn là mạch nguồn nuôi sống cánh đồng Mường Thanh trở thành bờ xôi ruộng mật. “Dòng sông mẹ” “dòng sông nhân chứng” … những mỹ từ này không thể nào nói hết ý nghĩa một dòng sông.

Trần Hương

Bạn đang đọc bài viết Sức sống dòng sông Mẹ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới