Thứ năm, 28/11/2024 01:18 (GMT+7)
Thứ sáu, 15/01/2021 17:42 (GMT+7)

Sụt lún đang là thách thức lớn đối với TP.HCM

Theo dõi KTMT trên

Tốc độ đô thị hóa, biến đổi khí hậu hay việc khai thác nước ngầm quá mức… đã khiến một số khu vực tại TP.HCM đang bị sụt lún nghiêm trọng, tiềm ẩn những rủi ro khó lường.

Sụt lún ngày càng nghiêm trọng

Theo nghiên cứu, đánh giá của Bộ TN&MT, TP.HCM là địa phương có tốc độ sụt lún rất lớn, trung bình 4 cm/năm, cá biệt có nơi 6-7 cm/năm. Ngoài việc xây dựng công trình trên nền đất yếu và hoạt động giao thông, địa chất, tình trạng sụt lún ở TP.HCM cũng có nguyên nhân từ việc khai thác nước ngầm.

Theo nghiên cứu của Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM, nền đất yếu chiếm đến 60% diện tích đất của TP.HCM, phân bố chủ yếu ở các quận 2, 4, 6, 7, 8, huyện Nhà Bè, Cần Giờ, dọc bờ sông Sài Gòn…

Trên thực tế, tình trạng hạ tầng đất yếu bị quá tải vì cõng hạ tầng đã được nhắc đến từ nhiều năm trước tại TP.HCM.

Theo báo cáo của TP.HCM, ở thời điểm năm 2015 tình trạng sụt lún ở một số khu vực, trung bình quan trắc là 28 mm, nhưng tốc độ thay đổi bề mặt đo được tới hơn 15 mm/năm và đến nay có khu vực đã lún sâu hơn nửa mét và có thể quan sát trực tiếp. Khu vực lún sụt nhanh được xác định trong phạm vi hơn 356 ha, trong khi các khu vực có tốc độ lún 5-10 mm/năm thì lên tới gần 4.400 ha.

Sụt lún đang là thách thức lớn đối với TP.HCM - Ảnh 1
TP.HCM là địa phương có tốc độ sụt lún rất lớn, trung bình 4 cm/năm, cá biệt có nơi 6-7 cm/năm. (Ảnh: Internet)

Tình trạng sụt lún ở TP.HCM cũng liên quan đến tình trạng ngập úng đô thị thời gian qua. Cả hai tác nhân này đều đã tác động rất lớn đến đời sống dân sinh. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác nước ngầm quá mức cho phép, tốc độ đô thị hóa, đặc biệt là việc cấp phép xây nhà cao tầng, bê tông hóa vỉa hè ngày càng gia tăng, đã làm hạn chế khả năng thấm hút nước và gây ra hiện tượng sụt lún đất trên địa bàn thành phố.

Điển hình phải kể đến rốn ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh, TP.HCM. Tuyến đường "vàng" chỉ dài hơn 3 km này, nhưng đang phải "gánh" hàng chục dự án chung cư, với hơn 17.000 căn hộ. Chính hàng loạt dự án bất động sản với hàng chục nghìn căn hộ san sát được cho là nguyên nhân gây sụt lún mặt đường, khiến đường Nguyễn Hữu Cảnh phải chịu cảnh ngập úng liên miên, chưa tìm được giải pháp khắc phục.

Trong khi tại Quận 4 nằm ở khu vực trung tâm thành phố có diện tích chưa đến 5 km2, nhưng có đến hơn 200.000 dân sinh sống, trong khi diện tích của huyện Cần Giờ với 704 km2 (hơn Quận 4 khoảng 140 lần) nhưng dân số chỉ có 70.000 người. Với mật độ dân số tập trung quá đông dẫn tới tình trạng quá tải, gây áp lực lớn cho hạ tầng đô thị.

Cấp bách tìm giải pháp

Để hạn chế tình trạng sụt lún ở TP.HCM hiện nay, các nhà khoa học cho rằng, việc đầu tiên là chúng ta cần giảm mật độ xây dựng nhà cao tầng ở những vùng có nền đất yếu, các thiết kế công trình phải đảm bảo yêu cầu về địa chất. Cần phải có những mô phỏng dự đoán tình trạng sụt lún ở các khu vực để từ đó có những giải pháp phù hợp trong việc quy hoạch, xây dựng phát triển đô thị. Đồng thời cần xác định lại chuẩn cốt nền để phục vụ các công trình xây dựng trước thực trạng biến đổi khí hậu.

Sụt lún đang là thách thức lớn đối với TP.HCM - Ảnh 2
Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cơ sở Lê Minh Xuân ở ấp 6, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM đang hoạt động trong tình trạng xuống cấp khi sàn nhà sụt lún. (Ảnh: Internet)

Bên cạnh đó, TP.HCM nên lưu ý mở rộng, phát triển về hướng Tây Bắc, Củ Chi, vì đây là khu vực có nền đất cứng, vững chắc. Mặc dù góp phần nhỏ trong việc gây sụt lún nhưng thành phố cũng cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong việc khai thác nước ngầm có kế hoạch hợp lý.

Mới đây, chia sẻ với báo Giáo dục & Thời đại, GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường cho biết, tình trạng sụt lún không đồng đều diễn ra ở TP.HCM đã nhiều năm. Những nơi như Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức... có nền đất cứng, không bị sụt lún, trong khi phía Tây Nam, Đông Nam thành phố lại bị lún nặng.

Khu vực Bình Chánh, Quận 7, Nhà Bè... đang bị sụt lún 3 cm/năm, Quận 7, Nhà Bè do nền đất yếu, phía dưới có một lớp hữu cơ dày, cho nên khi xây nhà ở vùng này phải đóng cọc sâu xuống 50 m.

TS Tạ Thị Thoảng, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có nghiên cứu dự báo khu vực trung tâm TP.HCM. Nếu duy trì khai thác nước ngầm như giai đoạn 1999 - 2009 thì lún do khai thác nước ngầm cộng dồn lớn nhất cho các năm 2020, 2040 và 2100 lần lượt là con số “khủng khiếp”: 63,8 cm, 85,2 cm và 97,6 cm.

Theo GS.TSKH Lê Huy Bá, để khắc phục sụt lún ở TP.HCM, phải lập lại bản đồ địa mạo thổ nhưỡng ở tầng sâu và bản đồ địa chất nền, qua đó xác định được những địa điểm nào vốn là nền sông, vũng, vịnh… để hạn chế xây dựng, đồng thời định vị lại những khu đất sẽ được xây dựng.

TP.HCM phải lưu ý tới việc mở ra các đô thị vệ tinh, chú trọng việc phát triển đô thị về hướng Bắc và Tây Bắc như Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Đức... Đây là các khu vực này có nền đất cứng nên chi phí cho việc xây dựng tại đây thấp hơn từ 3 - 4 lần so với xây dựng tại vùng trũng Đông Nam, chi phí chống lún, chống ngập, chống nước biển dâng... cũng ít hơn nhiều.

Ngoài ra, phải kiểm soát khai thác nước ngầm, không thể để tình trạng nhà nhà có giếng khoan. Việc khai thác nước ngầm quá mức phục vụ sản xuất lại đóng thuế tài nguyên nước quá ít. Bởi vậy, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần mạnh mẽ hơn, những khu vực nào đã bảo đảm cung cấp nước máy thì kiên quyết cấm khai thác nước ngầm.

“Sức chịu tải của đất là có hạn, túi nước ngầm còn bị khai thác thì sẽ không có sức nâng nên lún là tất yếu. Giải pháp đầu tiên là hạn chế, không để khoan giếng vô tội vạ, kiểm soát nguồn nước ngầm. Thứ hai là không nên tập trung xây dựng ở các khu vùng đất yếu như Quận 7, Nhà Bè, đường Nguyễn Hữu Cảnh…

Cứ nén nhà cao tầng là đương nhiên gây ra hậu quả về sụt lún. Điều nguy hiểm hơn, có hiện tượng trượt trong lòng đất và hiện tượng này rất khó khắc phục. Theo đó, có lớp phù sa cận sinh và mới hoàn toàn nằm trên lòng nghiêng của dòng sông cổ nên chúng cứ truội xuống dần”, GS.TSKH Lê Huy Bá nhận định.

PGS.TS Lê Văn Trung, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM khuyến nghị quy hoạch của thành phố đừng để bề mặt không thấm, bê tông hóa mở rộng, trong khi đó phải xây dựng các hồ điều tiết để trữ nước mưa.

Vùng nào cấp nước mặt thì tuyệt đối không cho phép sử dụng nước ngầm. Cần hạn chế tối đa việc khai thác nước ngầm, giảm mật độ xây dựng ở những nơi có nền đất yếu. Ngoài ra, cần có những mô phỏng dự đoán tình trạng sụt lún ở các khu vực để có giải pháp phù hợp trong việc quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị.

Hà My

Bạn đang đọc bài viết Sụt lún đang là thách thức lớn đối với TP.HCM. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới