Thứ năm, 09/01/2025 23:13 (GMT+7)
Thứ sáu, 27/12/2024 15:06 (GMT+7)

Suy ngẫm về triết lý giáo dục cần có của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới (Bài 1)

Theo dõi KTMT trên

Bài viết này sẽ đề cập nhiều hơn đến giáo dục hệ thống nhưng đôi khi cũng bàn luận về giáo dục theo cách tự nhiên.

Suy ngẫm về triết lý giáo dục cần có của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới (Bài 1) - Ảnh 1
Ngày khai trường trên điểm trường Tăk Pổ (Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: Trà Thị Thu

Ngữ cảnh

Không biết mọi người thế nào, riêng tôi bây giờ đã bước qua được tuổi “thất thập cổ lai hy” rồi, nhưng có một số điều vẫn chưa thật hiểu đến đầu đến đũa, đêm nằm đôi khi lại cố tìm cách giải thích, trong số đó có vấn đề Triết lý giáo dục.

Có lẽ không ai là không được hưởng nền giáo dục, lúc nhỏ là giáo dục của cha mẹ, ông bà, được học ăn, học nói, học gói, học mở, lớn lên chút là học làm, học sống, học phong tục, tập quán, học đối nhân xử thế,… Những người may mắn hơn sẽ được đến học ở các trường lớp, có thầy cô giảng dạy, được học chữ, học kiến thức khoa học về thiên nhiên để biết đọc, biết viết, biết tính toán rồi tiếp tục học về nhiều loại kiến thức khoa học, công nghệ, kiến thức xã hội bậc cao hơn, cao hơn nữa. Nói cách khác mỗi con người đều phải học mới có thể thành người, mới có thể sống và hưởng hạnh phúc trong những điều kiện nhất định. Theo tôi, nếu nói về nền giáo dục xã hội phải tách thành 2 nhánh, một nhánh là giáo dục mang tính hệ thống và giáo dục tự nhiên. Có lẽ giáo dục hệ thống chỉ xuất hiện khi xã hội loài người đã phát triển, được các thể chế tạo nên để có thể truyền dạy những kiến thức kỹ năng sống cho các thành viên một cách hiệu quả và hệ thống.

Bởi vì, ngay thế giới sinh vật, đặc biệt là các loài động vật bậc cao đều có quá trình truyền dạy cho con những kiến thức, kỹ năng sống một cách tự nhiên. Con chim dạy con cách bay lượn, kiếm thức ăn, tránh kẻ thù để tồn tại, con sư tử dạy con cách náu mình, mai phục và cách vươn chạy nhanh để vồ con mồi,…

Bài viết này sẽ đề cập nhiều hơn đến giáo dục hệ thống nhưng đôi khi cũng bàn luận về giáo dục theo cách tự nhiên.

Suy ngẫm về triết lý giáo dục cần có của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới (Bài 1) - Ảnh 2
Học sinh trong lễ khai giảng năm học 2024-2025 ở TP Hồ Chí Minh

Nhận thức về Triết lý giáo dục

Tôi đã dành tất cả cuộc đời theo nghề dạy học mà cụ thể là giảng viên ngành Khí tượng và cả ngành Môi trường của Đại học Tổng hợp Hà Nội và sau này là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Khi về hưu năm 2020, tôi đã có thâm niên hơn 48 năm là giảng viên và được tính thâm niên để có mức lương hưu có phần cao hơn một số ngành không có thâm niên. Thế nhưng tôi vẫn chưa thật hiểu hết về ngành giáo dục, về triết lý giáo dục, vẫn thấy mình cần phải tìm hiểu thêm. Nhưng có lẽ đây là vấn đề lớn, không dễ một sớm một chiều hiểu thấu đáo và gần như càng tìm hiểu, càng nghiên cứu sâu hơn thì lại thấy mình còn thiếu chỗ này, chưa hiểu chỗ kia và lại phải tiếp tục tìm tòi thêm nữa. Sau khi nghỉ hưu, tôi chú tâm sưu tầm tài liệu liên quan để hy vọng làm rõ hơn nghĩa của triết lý giáo dục và triết lý này đã được áp dụng như thế nào trong xã hội loài người.

Trước khi làm rõ về triết lý giáo dục phải tìm cách làm rõ nghĩa của “giáo dục” vì đây chính là đối tượng của triết lý cần tìm. Tra nhiều từ điển, tham khảo nhiều tài liệu nhưng tôi vẫn không có được định nghĩa ngắn gọn mà đầy đủ nghĩa như mong muốn. Vì vậy, xin đưa ra một định nghĩa với những nội hàm có thể dùng để phân tích về sau, theo nghĩa tổng quát nhất đó là:

Giáo dục là tổng hợp các hoạt động, phương thức của một cộng đồng nhằm truyền dạy cho các thành viên những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để họ có thể sống tốt hơn.

Như vậy, giáo dục không chỉ là hệ thống được lập ra kiểu như có trường lớp, có thày, trò mà còn là tất cả hoạt động truyền dạy khác, thậm chí là tự mình sống tốt để làm gương cho người khác noi theo. Còn hiện nay, nói đến giáo dục là phải kèm theo những từ khác như nền giáo dục, hệ thống giáo dục được thiết lập bài bản và vận hành một cách chính quy, được xã hội công nhận.

Luật Giáo dục, luật số: 43/2019/QH14 được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2019 (sau đây gọi là Luật Giáo dục 2019) chỉ quy định: “Luật này quy định về hệ thống giáo dục quốc dân; cơ sở giáo dục, nhà giáo, người học; quản lý nhà nước về giáo dục; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động giáo dục”, không để giáo dục đứng riêng một mình. Trong Điều 5 về giải thích từ ngữ cũng không có định nghĩa riêng giáo dục mà đi kèm những từ khác như giáo dục chính quy, giáo dục thường xuyên, giáo dục bắt buộc,… Có lẽ vì tính bao quát quá lớn của khái niệm về giáo dục mà hiện nay khi nói về giáo dục thì chủ yếu đề cập đến hệ thống giáo dục quốc gia. Và, trong bài viết này cũng đề cập như vậy nhưng trong chừng mực nào đấy sẽ liên hệ cả với giáo dục theo nghĩa rộng hơn.  

Triết lý giáo dục được tìm kiếm, đưa ra cũng chỉ chủ yếu nhằm vào hệ thống giáo dục chính thống nhưng đâu đó giáo dục nói chung cũng cần có triết lý của nó, nhiều điều có thể nằm ngoài triết lý đối với nền giáo dục.

Tôi bắt đầu quan tâm tới triết lý giáo dục khi được một người bạn, GS.TSKH Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói về chủ đề này khi ông gửi một bức thư tới lãnh đạo UNESCO trình bày về việc Bác Hồ đã có nói về triết lý giáo dục hay trụ cột giáo dục phần nào giống như bốn trụ cột giáo dục mà UNESCO đưa ra. May mắn, năm 2016, GS. Nhung đã tặng tôi cuốn sách: “Sộp thành nhà giáo” [1] viết về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động giáo dục của mình, trong đó có bức thư này. UNESCO đã có trả lời GS. Nhung, công nhận: “Quả thực, cách thức nhìn nhận của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất gần với bốn trụ cột giáo dục được đề xuất trong Báo cáo Delors năm 1996 của UNESCO”, và cảm ơn GS. Nhung đã “góp phần tiếp tục làm giàu lý luận giáo dục thế giới bằng minh chứng tầm nhìn giáo dục rất nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Đây cũng là lần đầu tiên tôi biết đến 4 trụ cột này: “học để có kiến thức, học để làm việc, học để biết chung sống với nhau và học để làm người”.

Tôi rất ấn tượng, cảm phục với cách dịch trụ cột thứ tư với nguyên bản tiếng Anh là “learning to be” thành học để làm người, bởi phải tra từ điển thì mới thấy BEING ở đây còn là là bản chất, bản ngã của con người. GS. Nhung cũng đã trích dẫn đoạn viết của Bác năm 1949 trên trang đầu của cuốn sổ vàng của Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương (tiền thân của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh): “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại” để chứng minh nhận định của mình. Cũng có những bàn luận về 4 trụ cột giáo dục của UNESCO và tư tưởng về giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng rõ ràng có sự tương đồng của hai cách tiếp cận “triết lý” giáo dục này.

Bác Hồ không chỉ khái quát hóa được Triết lý giáo dục mà còn đưa ra những nội dung của triết lý này trong hình thành và thực hiện hệ thống giáo dục ngay từ khi đất nước được độc lập năm 1945. Trước 1945 cũng đã có nhiều chí sỹ, nhà yêu nước nhấn mạnh đến vai trò của dân trí đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và phát triển đất nước mà tư tưởng của các Cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh là đại diện, tiêu biểu. Tuy nhiên, Bác Hồ đã nhanh chóng chỉ ra như một chân lý: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” và thấy ngay công việc hết sức cấp bách là phải làm thế nào để nhiều người biết chữ, tiền đề cơ bản của hệ thống giáo dục. Người đã có quyết định phải chống “giặc dốt” như việc làm cấp bách ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ năm 1945. Ba Sắc lệnh: Sắc lệnh về việc thành lập Nha Bình dân học vụ; sắc lệnh quy định mọi làng phải có lớp học bình dân và sắc lệnh cưỡng bức học chữ quốc ngữ không mất tiền được coi là những văn bản đầu tiên liên quan đến nền giáo dục mới. Quả thật, với cách tiếp cận này đã giúp toàn dân tham gia giáo dục với phương châm người biết chữ dạy người chưa biết chữ, người biết nhiều dạy người biết ít (một người có thể là thầy ở lớp này nhưng lại là trò ở lớp khác), tận dụng tất cả nguồn lực sẵn có trong dân để tiến hành xóa nạn mù chữ cho nhân dân. Những câu chuyện cảm động về lòng ham học của nhân dân, những sáng kiến dạy và học thời đó thật sự lay động con tim của người Việt Nam cho đến tận bây giờ.

Suy ngẫm về triết lý giáo dục cần có của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới (Bài 1) - Ảnh 3
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Ảnh: HPU2

Tôi là người được tiếp nhận hệ thống giáo dục của Việt Nam sau 1954 trên miền Bắc, sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơnevơ năm 1954. Tôi nhớ lúc đi học vỡ lòng thì cô giáo là người cô ruột, có bằng cấp gì đâu nhưng cô biết chữ, viết chữ khá đẹp. Cô hàng ngày dắt tôi đến lớp dạy để chúng tôi biết đọc biết viết. Lúc 6 tuổi tôi được lên học cấp I, từ lớp 1 đến lớp 4 được mở tại nhà dân (tự nguyện) và ở các đình làng, đi bộ từ nhà đến lớp cũng khoảng 2km. Ở cấp I chúng tôi chủ yếu học đọc, học viết và học tính toán, nội dung dạy chủ yếu dựa vào kiến thức của các Thầy, Cô vì chưa có nhiều sách giáo khoa. Tuy nhiên lúc học năm lớp 4, tôi may mắn được học một Thầy rất giỏi vì Thầy vốn là một trí thức theo cách mạng tập kết ra miền Bắc và được phân dạy học ở xã tôi. Thầy thấy tôi có lẽ thích học toán nên dạy tôi rất nhiều “mẹo” (thật ra là phương pháp) làm toán trong đó có phương pháp mà sau này tôi mới biết tên là phương pháp giả thiết tạm để giải bài toán Vừa gà vừa chó bó lại cho tròn. Ba mươi sáu con một trăm chân chẵn. Hãy tính số gà số chó. Học hết lớp 4  thì được lên cấp II, tôi không còn nhớ rõ là có phải thi lên cấp II không nhưng có lẽ chỉ là chọn và thậm chí vận động đi học (vì lúc đó số lượng học sinh chưa nhiều lại có cả số lượng lớn học sinh quá tuổi). Học xong lớp 7 năm 1964 tôi được gọi học cấp III, từ lớp 8 đến lớp 10 và gần như không có kỳ thi vượt cấp thì phải. Chỉ đến hè năm 1965, một số học sinh lớp 8 có chút ít năng khiếu toán được nhà trường chọn, gọi dự một kỳ thi. Mãi sau này, khi được báo đỗ (38 người), có giấy gọi chúng tôi mới biết là kỳ thi chọn vào học lớp Toán đặc biệt tại Khoa Toán Đại học Tổng hợp Hà Nội (sau này là các lớp hệ chuyên toán). Học hai năm, lớp 9 và lớp 10 dự kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, những người đỗ tốt ngiệp được sắp xếp lựa chọn vào học các trường đại học hiện có trong nước và một số nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, CHDC Đức (không phải thi đại học).

Bác Hồ mất năm 1969, hai năm sau khi tôi tốt nghiệp phổ thông nên suốt thời gian học phổ thông chắc chắn Bác đã có những chỉ đạo ngành giáo dục và phải chăng cả triết lý giáo dục nữa. Tôi tích cực tìm kiếm tư liệu thì thấy, ngoài triết lý giáo dục phổ quát, được trình bày chỉ trong vài câu, Bác Hồ đã cụ thể hóa triết lý này cho từng cấp học, từng đối tượng học sinh phổ thông và sinh viên đại học, học viên cao học và nghiên cứu sinh bậc Tiến sĩ. Trong chúng ta, có lẽ có nhiều người được nghe (trực tiếp hoặc gián tiếp) “kể chuyện” Bác Hồ mà thật sự là những điều mà GS. Hoàng Chí Bảo đã đúc rút qua nghiên cứu các tư liệu và cả những nghiên cứu của mình về Bác Hồ. Tôi đã tìm thấy nhiều đoạn trong các bài viết, bài nói của GS. Hoàng Chí Bảo liên quan tới hệ thống giáo dục, ngành giáo dục mà ngẫm lại thấy sáng ra nhiều và hiểu hơn về triết lý giáo dục của Bác. Dưới đây xin nhắc lại một số kiến thức thu nhận về triết lý giáo dục của Bác qua các bài viết, bài nói của GS. Hoàng Chí Bảo.

Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Hồ Chí Minh nêu vấn đề giáo dục, chống giặc dốt là nhiệm vụ cấp bách của chính quyền mới. Ngày 8/9/1945, Người ký ba sắc lệnh quan trọng về giáo dục đó là sắc lệnh về việc thành lập Nha Bình dân học vụ; sắc lệnh quy định mọi làng phải có lớp học bình dân và sắc lệnh cưỡng bức học chữ quốc ngữ không mất tiền. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân giàu, nước mạnh, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”. Người khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.

Mới đây qua thông tin đại chúng, tra cứu trên mạng, tôi bắt gặp hai bài thơ của Cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu viết cho các cháu, đó là bài Lên sáuLên tám. Đọc thơ Cụ và đối chiếu với 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên và nhi đồng tôi thấy có sự tương đồng ở mức rất cao. Nếu trong các trường phổ thông cấp tiểu học và trung học cơ sở dạy học sinh 5 điều Bác dạy và phân tích những điều Cụ Tản Đà viết trong hai bài thơ thì học sinh sẽ hiểu sâu sắc thêm những điều cần thực hiện ở lứa tuổi của mình. Xin trích một vài câu thơ của Cụ Tản Đà trong bài thơ Lên sáu [2]:

Ai đẻ ta-Cha cùng mẹ
Bồng lại bế - Thương và yêu
Ơn nhường bao - Con phải ngẫm
...
Anh em ruột-Một mẹ cha
Mẹ đẻ ra - Trước sau đó
Cùng máu mủ - Như tay chân
Nên yêu thân - Chớ ganh tị

Người trong họ-Tổ sinh ra
Ông đến cha - Bác cùng chú
Họ nội đó - Là tông chi
Cậu và dì - Về họ mẹ

Con bé dại - Mãi vui chơi
Muốn ra người - Phải chăm học
….
Dạy con biết-Phép vệ sinh
Ăn quả xanh - Khó tiêu hoá
Uống nước lã - Có nhiều sâu
Áo mặc lâu - Sinh ghẻ lở
Mặt không rửa - Sinh u mê

Muốn vẻ vang - Phải làm lụng
Đừng lêu lổng - Mà hư thân
Nước đang cần - Người tài giỏi
Cố học hỏi - Để tiến nhanh
Vừa ích mình - Vừa lợi nước
Chớ lùi bước - Là kẻ hèn”.

Ghi chú: trích bài Lên sáu, xuất bản năm 1919 không theo thứ tự bài thơ gốc.

Bài thơ Lên tám [3] nối mạch bài Lên sáu và có những đoạn rất đáng lưu ý như:

Học thầy, biết ơn thầy,
Có thầy ta mới hay.
Nghĩa lý không bờ bến,
Ai trỏ con đường ngay?

Bụng dạ quý ngay thẳng,
Giao tiếp trọng tin thực.
Lúc vắng như lúc đông,
Giữ gìn theo phép tắc

Hai nhăm triệu dân ta,
Người nước như người nhà.
Dẫu khác cha mẹ đẻ
Nhưng cùng ông Tổ xa

Như vậy, 5 điều Bác Hồ dạy đã tổng quát hóa những điểm chính mà thiếu niên nhi đồng cần học để hiểu, biết để làm theo còn những lời dạy của Cụ Tản Đà cụ thể hóa hơn, giải nghĩa rõ hơn những điều này. Chẳng hạn, Điều 1 của Bác Hồ là: “Yêu Tổ quốc, yêu Đồng bào” thì lời của Cụ Tản Đà cụ thể hơn, trước là yêu Cha, Mẹ, Ông, Bà, Thầy, Cô giáo, người thân, sau mở rộng hơn cho những người xung quanh và người cùng dòng giống. Bác Hồ và Cụ Tản Đà sinh cùng thời (1890 và 1889) cùng ngày sinh 19/5, cùng có suy nghĩ cũng là điều không lạ nhưng tương đồng về tư tưởng đến vậy cũng hiếm.

Bác Hồ, Cụ Tàn Đà cùng bao nhiêu thế hệ đã hướng việc giáo dục con dân Việt Nam những điều thật đáng trân trọng. Tuy nhiên, mục tiêu giáo dục cần đạt được lại khác nhau tùy theo giai đoạn, thời cuộc. Thời phong kiến, giáo dục đào tạo hướng tới tìm, sử dụng người giỏi phục vụ cai trị, làm quan và những người này sẽ được hưởng nhiều bổng lộc đáng mơ ước. Thời thuộc Pháp, giáo dục, đào tạo nhằm tìm kiếm những người phục vụ khai thác thuộc địa và những người được sử dụng cũng được hưởng nhiều ưu đãi. Còn khi nước nhà được độc lập thì Bác Hồ và Chính phủ đã hướng giáo dục, đào tạo để mở mang dân trí, tìm ra những người giỏi phục vụ công cuộc kháng chiến giành độc lập và sau này là xây dựng nước nhà giàu mạnh, “sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Ngày nay, để có được lực lượng lao động chất lượng cao, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đều tách quá trình giáo dục đào tạo thành 2 giai đoạn chính là giáo dục phổ thông và đào tạo “nghề” với các Trường nghề, Trung cấp, Cao đẳng, Đại học, Sau đại học,…

(Còn nữa)

Tài liệu tham khảo:

[1]. Trần Văn Nhung, 2016, Sộp trở thành Nhà giáo, Nhà xuất bản Giáo dục.

[2]. Tản Đà, 1919, Lên sáu, tham khảo từ trang mạng:

https://www.thivien.net/T%E1%BA%A3n-%C4%90%C3%A0/L%C3%AAn-s%C3%A1u/poem-bUkNXsute56N04sPbeIaKA

[3]. Tản Đà, 1920, Lên tám, tham khảo từ trang mạng:

https://www.thivien.net/T%E1%BA%A3n-%C4%90%C3%A0/L%C3%AAn-t%C3%A1m/poem-AUdBlLnjbU5Um0bwjQD87A

Lời cảm ơn: Người viết bài này xin chân thành cảm ơn GS. TSKH Trần Văn Nhung, đã đọc, chỉnh sửa và góp những ý kiến rất bổ ích, giúp hoàn thiện bài viết.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ

Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Suy ngẫm về triết lý giáo dục cần có của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới (Bài 1). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới