Tân Hoàn Cầu và khát vọng trở thành “ông trùm” năng lượng sạch
Hướng đến mục tiêu đổi mới cơ cấu và phát triển nền kinh tế - xã hội tăng trưởng bền vững, những năm qua, Công ty Cổ phần Tổng Công ty Tân Hoàn Cầu đã đầu tư hàng loạt dự án điện gió lớn tại Quảng Trị, Bến Tre.
Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo được xem là xu hướng tất yếu trên thế giới, khi góp phần quan trọng hạn chế phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường, cũng như giảm sự phụ thuộc vào các loại nhiên liệu hóa thạch.
Trong những năm qua, thế giới cũng đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành năng lượng, trong đó sự phát triển mạnh mẽ của các nguồn "năng lượng xanh" được xem là điểm sáng nổi bật.
Còn tại Việt Nam, ngành năng lượng trở thành ngành kinh tế năng động, đóng góp một phần rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại nhiều địa phương và đất nước cũng như bảo vệ môi trường. Việc phát triển nguồn năng lượng sạch cũng đã ảnh hưởng tích cực đến việc thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng sang hoạt động theo cơ chế thị trường, huy động được nguồn nhân lực lớn cho đầu tư phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế nòng cốt, đặc biệt là các doanh nghiệp. Một trong số đó là ông Mai Văn Huế, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàn Cầu.
Công ty Cổ phần Tổng công ty Tân Hoàn Cầu tiền thân là Công ty Cổ phần Tân Hoàn Cầu được thành lập vào năm 2005, có trụ sở tại tỉnh Quảng Bình. Trên website của doanh nghiệp này, Tổng công ty Tân Hoàn Cầu giới thiệu có vốn sở hữu của các nhà máy lên đến 12.000 tỷ đồng. Ngoài ra, mục tiêu mà Tân Hoàn Cầu đặt ra là trở thành “một trong những doanh nghiệp tư nhân đi đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam với tổng tài sản hơn 1 tỷ USD vào năm 2025.
Để thực hiện được tham vọng của mình, Tân Hoàn Cầu đã phát triển trên 20 dự án qua hệ thống các công ty thành viên. Trong “Hệ sinh thái doanh nghiệp” của doanh nhân Mai Văn Huế còn có 6 thành viên khác gồm: Công ty Cổ phần Tân Hoàn Cầu Bến Tre, Công ty Cổ phần Năng Lượng Quảng Trị, Công ty Cổ phần Đầu tư Thanh Hoa, Công ty Cổ phần Thủy điện Trường Sơn, Công ty Cổ phần Thủy điện Trường Sơn Bình Phước và Công ty Cổ phần Nước sạch THC.
Tham vọng của Tập đoàn Tân Hoàn Cầu không chỉ được thể hiện qua số lượng áp đảo các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, mà còn được cụ thể hóa qua loạt dự án điện gió và thủy điện tại các tỉnh miền Trung.
Ông Mai Văn Huế, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàn Cầu cho biết, Công ty Cổ phần Tổng công ty Tân Hoàn Cầu được thành lập vào đầu năm 2005, ban đầu ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, truyền tải, phân phối điện năng và xây dựng các công trình điện đến 500kV, trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu các cơ hội, tiềm năng gió tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, ông Mai Văn Huế đã quyếtđịnh chinh phục ngọn “gió Lào” nơi đây thành nguồn năng lượng sạch vô tận này. Công ty đã cùng với đội ngũ các chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế nghiên cứu, tìm ra giải pháp tối ưu nhất nhằm cải tạo nguồn tài nguyên gió của Quảng Trị thành nguồn năng lượng điện sạch, không gây ô nhiễm môi trường.
Với tham vọng sẽ có 1,1GW năng lượng tái tạo (gồm điện gió và điện mặt trời), những năm qua Công ty Cổ phần Tổng công ty Tân Hoàn Cầu đã không ngừng nỗ lực và đã để lại nhiều dấu ấn khi hàng loạt các dứ án lớn được đưa vào hoạt động. Tháng 5/2017, Tổng công ty đã hoàn thiện dự án điện gió Hướng Linh (Quảng Trị) với tổng công suất là 30MW, tổng đầu tư là 1.400 tỷ đồng. Cùng với đó thì đơn vị cũng có 3 dự án thủy điện công suất từ 4,5 – 9 MW tại Quảng Trị và đã được đưa vào vận hành.
Và trong chiến lược phát triển, doanh nghiệp cũng đã đầu tư thêm 4 nhà máy điện gió Hướng Linh 1,2,3,4 với tổng công suất là 30MW mỗi nhà máy, điện gió Hướng Hiệp 1,2,3 cũng có công suất 30 MW mỗi nhà máy còn cụm điện gió Bãi Dinh công suất 180 MW.
Bên cạnh đó, Tân Hoàn Cầu cũng đã tiến hành công bố 2 dự án điện gió lớn bao gồm điện gió Hải Phong công suất 600 MW và điện gió Thạnh Hải 120MW.
Số liệu từ Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống ghi nhận đạt 76.620 MW, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời ghi nhận là 20.670 MW. Như thế, nếu hoàn thành được kế hoạch thì công suất của Tân Hoàn Cầu sẽ chiếm 5,3% tổng công suất năng lượng tái tạo, tương dương với việc Xuân Thiện Group và đứng sau Trungnam Group chiếm hơn 7,2%.
Ngoài phát triển điện gió, doanh nghiệp này còn đẩy mạnh phát triển ở lĩnh vực thủy điện như dự án Thủy điện Đakrông 3 (8,8 MW), thủy điện Khe Nghi (9 MW), thủy điện Khe Giông (4,5 MW), thủy điện Hướng Phùng (18 MW) cùng thuộc tỉnh Quảng Trị và thủy điện Đức Thành (tỉnh Bình Phước, công suất 40 MW).
Bên cạnh đó, Tân Hoàn Cầu đang xây dựng 2 nhà máy thủy điện, 2 nhà máy điện gió, trong đó cụm dự án điện gió Bãi Dinh (180 MW). Tập đoàn Tân Hoàn Cầu cũng hoạt động trong mảng nhà thầu xây dựng với các dự án Nhà máy thủy điện Đăk Psi (Kon Tum); Quốc lộ 1A, khu vực phía Nam, tỉnh Hà Tĩnh; xây dựng một số dự án khu nghỉ dưỡng 5 sao Vinpearl Resort & Villas.
Nội dung: Nguyễn Dân
Thiết Kế: Thế Hiệp