Chủ nhật, 24/11/2024 10:12 (GMT+7)
Thứ ba, 25/01/2022 17:00 (GMT+7)

Tảng băng trôi Nam Cực gây ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái biển

Theo dõi KTMT trên

Trong thông báo hôm 20/1, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) cho biết, tảng băng trôi A-68A đã giải phóng một khối lượng nước ngọt khổng lồ gần đảo Nam Georgia, có khả năng ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh vật biển trên đảo.

Tảng băng trôi A-68A giải phóng lượng lớn nước ngọt và nhiều chất dinh dưỡng xuống biển, có thể ảnh hưởng đến hệ sinh thái xung quanh. 

Lượng nước này cụ thể là 152 tỷ tấn. Theo Đại học Leeds (Anh), con số này tương đương 20 lần lượng nước của hồ Loch Ness hay 61 triệu bể bơi kích thước Olympic.

Các nhà nghiên cứu sử dụng dữ liệu và hình ảnh vệ tinh để đo lượng nước tan chảy từ A-68A và công bố kết quả trên tạp chí Remote Sensing of Environment.

A-68A là mảnh lớn nhất của tảng băng trôi A-68 tách ra từ thềm băng Larsen C ở Nam Cực năm 2017. A-68 là một trong những tảng băng trôi lớn nhất từng được ghi nhận. Nó tách ra khỏi thềm băng theo một quá trình tự nhiên bình thường.

Tảng băng trôi Nam Cực gây ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái biển - Ảnh 1
Tảng băng A-68A và các khối băng vỡ, bên cạnh là một mảnh lớn khác của A-68, được gọi là A-68G, trong ảnh vệ tinh năm 2021. (Ảnh: Cơ quan Vũ trụ Châu Âu)

Ba năm sau, nó trôi tới vùng nước ấm hơn và đe dọa đảo Nam Georgia, nơi cư trú quan trọng của chim cánh cụt, hải cẩu và các loài động vật hoang dã khác. May mắn là tảng băng khổng lồ này sau đó đã vỡ ra.

Cùng với nước ngọt, A-68A cũng giải phóng nhiều chất dinh dưỡng vào đại dương. "Đây là lượng nước khổng lồ từ băng tan. Điều tiếp theo chúng tôi muốn tìm hiểu là nó mang lại tác động tích cực hay tiêu cực đến hệ sinh thái xung quanh Nam Georgia", Anne Braakmann-Folgmann, chuyên gia tại Đại học Leeds, cho biết.

Cuối năm 2020, nhà sinh thái Geraint Tarling tại Cơ quan Khảo sát Nam Cực Anh (BAS) cho biết, bụi chứa trong tảng băng trôi có thể cung cấp dưỡng chất cho sinh vật phù du dưới biển, nhờ đó thúc đẩy chuỗi thức ăn địa phương.

Theo BAS, Nam Georgia là môi trường sống quan trọng của hải cẩu, các loài chim nguy cấp, cá và cá voi di cư. Dù nguy cơ A68-A mắc cạn không còn, những câu hỏi mới lại xuất hiện liên quan đến ảnh hưởng của nước và chất dinh dưỡng từ tảng băng tới hệ sinh thái ở khu vực này. Giới khoa học sẽ cần thêm thời gian để tìm ra câu trả lời.

Tảng băng trôi Nam Cực gây ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái biển - Ảnh 2
Nam Georgia là môi trường sống quan trọng của hải cẩu. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Từ xưa đến nay con người thường lầm tưởng rằng băng ở hai cực sẽ không bao giờ tan, có chăng nếu bị tan thì chỉ tan ở thềm lục địa mà thôi. Tuy nhiên thì với tình trạng băng tan ở Nam Cực và Bắc Cực đang là vấn đề đáng lo ngại như hiện tại thì ý nghĩ đó đã sai hoàn toàn. Vấn đề này hiện giờ đang là vấn đề đáng quan tâm trên toàn thế giới và nó cũng gây ra không ít những hậu quả khôn lường.

Một số nguyên nhân gây ra hiện tượng trên có lẽ chủ yếu là do con người, con người hoạt động công nghiệp xả khí thải ra môi trường, hoạt động giao thông, chặt phá rừng bừa bãi, làm khí hậu toàn cầu bị biến đổi. Các khí nhà kính bị tích lũy quá nhiều mà chủ yếu là metan và CO2. Những khí này khi thải vào khí quyển sẽ ngăn bức xạ mặt trời phản xa ra ngoài làm cho nhiệt độ Trái Đất tăng lên.

Điều đó càng cho ta thấy rõ được những thay đổi về khí hậu làm ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường sống, bầu khí quyển và khí hậu nói chung. Không những thế nó còn làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái và tác động trực tiếp đến đời sống của con người.

Hậu quả nhãn tiền của hiện tượng băng tan:

Gây ảnh hưởng đến tàu thuyền qua lại trên biển. Các tảng băng trôi luôn là một mối lo ngại lớn đối với tàu thuyền khi hoạt động trên biển. Các con thuyền nếu va phải các tảng băng trôi có kích thước lớn sẽ bị hư hỏng nặng hoặc cũng có thể bị nhấn chìm.

Mực nước biển sẽ bị dâng lên. Khi băng trên hành tinh bị tan chảy do biến đổi khí hậu thì mực nước biển sẽ tăng lên khoảng 65m. Tác động này sẽ gây nhấn chìm nhiều thành phố ven biển trên thế giới. Ngoài ra nước biển dâng lên cao cũng sẽ làm cho nước biển xâm nhập vào nôi địa dẫn đến hiện tượng nhiễm mặn.

Nhiều loài động vật sẽ bị mất đi nơi cư trú. Và loài gấu Bắc Cực là một ví dụ điển hình. Với tình trạng lượng băng tan nhanh như hiện nay thì loài gấu này sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiếm ăn. Sự thay đổi về khí hậu đang dần tách loài gấu ra khỏi tảng băng và buộc chúng phải bơi ra xa hơn để sinh sống và kiếm ăn. Loài chim cánh cụt cũng có tình trạng tương tự như loài Gấu khi diện tích băng ngày càng giảm đồng nghĩa với việc chúng bị mất nơi cư trú và nguồn thức ăn.

Hiện tượng băng tan ảnh hưởng đến toàn thế giới và Việt Nam chúng ta cũng không nằm ngoại lệ. Băng tan cộng với hiện tượng nóng lên của Trái Đất đã làm cho nước biển dâng cao đã đến hiện tượng biển lấn và nhiễm mặn, nhiều nơi thiếu nước ngọt để sản xuất và sinh hoạt. Trong tương lai nếu như tình trạng băng tan ngày càng tiếp diễn thì các đảo, quần đảo và vùng ven biển sẽ bị nhấn chìm, con người sẽ bị mất đất đai, nhà cửa.

Chính vì thế chúng ta hãy cùng chung tay bảo vệ sự trong lành của Trái Đất điều đó cũng chính là bảo vệ sự sống của chính mình và nhân loại. Chúng ta có thể làm từ những việc làm nhỏ nhất như không xả rác bừa bãi, trồng thật nhiều cây xanh hay các nhà máy cũng cần phải xử lý chất thải trước khi đưa ra ngoài môi trường để giảm thiểu các chất độc hại đưa ra ngoài môi trường.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tảng băng trôi Nam Cực gây ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái biển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới