Chủ nhật, 24/11/2024 06:44 (GMT+7)
Thứ tư, 19/10/2022 14:50 (GMT+7)

Tăng cường bảo vệ nguồn nước ngầm tại khu vực ĐBSCL

Theo dõi KTMT trên

Dự án “Tăng cường Bảo vệ nước ngầm tại Việt Nam, Pha II" góp phần nâng cao năng lực điều tra, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu. Đồng thời, đề xuất các biện pháp và nâng cao nhận thức cộng đồng về khai thác, sử dụng bền vững, hiệu quả nước dưới đất.

Mới đây, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ TN&MT) tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án “Tăng cường Bảo vệ nước ngầm tại Việt Nam, Pha II, giai đoạn 2018 – 2022.

Theo Báo cáo của Trung tâm Quy hoạch tài nguyên nước, với địa hình bằng phẳng, ĐBSCL là khu vực nhạy cảm đối với những thay đổi nhỏ về khí hậu và nước biển dâng, đây là nơi thường xuyên hứng chịu lũ lụt trên diện rộng. Bên cạnh đó, nạn phá rừng, suy thoái rừng ngập mặn đang gây ra những tổn thất đối với các đập ngăn lũ tự nhiên. Những can thiệp trong hoạt động cung cấp nước phục vụ tưới tiêu và nuôi trồng thủy sản cũng gây ra hiện tượng xâm nhập mặn và suy thoái nguồn nước.

Tại Hội nghị, TS Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho biết, việc khai thác và sử dụng quá mức nguồn nước dưới đất đang diễn ra rất đa dạng, ở khắp mọi nơi gây cạn kiệt tài nguyên và tác động không nhỏ đến môi trường dẫn đến tình trạng hạ thấp mực nước ngầm gây sụt lún đất, nhiễm mặn….

Tăng cường bảo vệ nguồn nước ngầm tại khu vực ĐBSCL - Ảnh 1
khai thác và sử dụng quá mức nguồn nước dưới đất đang diễn ra gây cạn kiệt tài nguyên và tác động không nhỏ đến môi trường dẫn đến tình trạng hạ thấp mực nước ngầm gây sụt lún đất, nhiễm mặn….

Nhằm bảo đảm khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất hiệu quả, bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu; phòng tránh suy giảm mực nước, xâm nhập mặn và sụt lún mặt đất do khai thác nước dưới đất tại các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL, Dự án “Tăng cường Bảo vệ nước ngầm tại Việt Nam, Pha II, giai đoạn 2018 – 2022 đã triển khai 5 hợp phần gồm: Tăng cường năng lực quản lý TNN ở địa phương; cập nhật, bổ sung thông tin dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu về NDĐ trong vùng dự án; sử dụng cơ sở thông tin dữ liệu vào quản lý và hoạch định chính sách về tài nguyên nước; nâng cao nhận thức cộng đồng và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn, quản lý và đối tượng sử dụng nước về bảo vệ tài nguyên nước dưới đất; tăng cường năng lực điều tra, đánh giá, bảo vệ và quản lý tài nguyên nước dưới đất cho các cơ quan tham gia dự án.

Theo đó, Dự án được triển khai đã góp phần nâng cao năng lực điều tra, đánh giá, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và chuyển đổi số cho các Sở Tài nguyên các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Đồng thời, đã đề xuất được các biện pháp và nâng cao nhận thức cộng đồng về khai thác, sử dụng bền vững, hiệu quả và bảo vệ nước dưới đất ở vùng dự án.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nước ngầm rất quan trọng đối với khả năng phục hồi của con người và sinh kế chống hạn hán và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nước ngầm không phải là không giới hạn và việc khai thác nước ngầm có thể làm gia tăng tốc độ sụt lún đất. Điều này sẽ khiến phần lớn sinh kế và nền kinh tế gặp rủi ro. Hiện nguồn tài nguyên nước đang dần có nguy cơ cạn kiệt. Đến 2025, khoảng 35% dân số thế giới sẽ rơi vào tình cảnh thiếu nước nghiêm trọng.

Trước đó, Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá khai thác nước ngầm quá mức là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng này ở khu vực TP.HCM và vùng ĐBSCL.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã đưa ra kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khoan trên địa bàn đến năm 2025, nhằm hạn chế ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt và sụt lún đất; đồng thời yêu cầu đơn vị cấp nước ngừng khai thác nước ngầm ở nơi đã có mạng cấp nước.

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu – Trường ĐH Cần Thơ, việc khai thác nước ngầm được xem là nguyên nhân chính làm cho hiện tượng sụt lún tại ĐBSCL diễn ra nhanh hơn. Vì vậy, giảm khai thác nước ngầm quá mức là biện pháp quan trọng nhất để giảm thiểu, hạn chế sụt lún trong tương lai và loại bỏ hậu quả tiêu cực do mực nước biển dâng.

Từ năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 167 về việc hạn chế khai thác nước dưới đất ở các tầng chứa nước ngọt. Đây là một công cụ chính sách để quản lý nước dưới đất nhằm kiểm soát việc khai thác và hạn chế các vấn đề liên quan như xâm nhập mặn và sụt lún đất.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, đến tháng 9/2022 sau hơn 4 năm thực hiện nhiều giải pháp, thành phố đã giảm khối lượng sử dụng nước dưới đất từ 716.581 m3/ngày xuống còn 264.581 m3/ngày, đạt tỷ lệ 73,3% so với kế hoạch.

Lượng nước ngầm ở TP.HCM chủ yếu gồm 4 nhóm đối tượng sử dụng. Trong đó, lượng khai thác nước dưới đất ở các hộ gia đình ước giảm 235.703 m3/ngày (đạt tỷ lệ 71,9% so với kế hoạch); các doanh nghiệp bên trong khu công nghiệp, khu chế xuất giảm 28.805 m3/ngày (đạt tỷ lệ 57,4%); các doanh nghiệp bên ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất giảm 145.220 m3/ngày (đạt tỷ lệ 104,8 %) và Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) giảm 42.272 m3/ngày đêm (đạt tỷ lệ 42,3 %).

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tăng cường bảo vệ nguồn nước ngầm tại khu vực ĐBSCL. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới