Thứ năm, 28/11/2024 01:20 (GMT+7)
Thứ tư, 20/04/2022 17:00 (GMT+7)

Tăng cường đấu tranh phòng chống tội phạm về môi trường

Theo dõi KTMT trên

Thời gian tới, Bộ Công an và Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường công tác phối trong việc tổ chức chức thi hành Luật Bảo vệ môi trường đấu tranh phòng chống tội phạm về môi trường.

Phối hợp chặt chẽ trong thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường

Theo báo cáo của hai Bộ, trong những năm qua, công tác phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và Bộ Công an đã đạt được những kết quả quan trọng. Qua đó, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao của 2 ngành, đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ môi trường bảo đảm an ninh, trật tự, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Các cơ quan chức năng của hai Bộ đã phối hợp chặt chẽ trong thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý đất an ninh.

Trong thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, lực lượng Công an đã tham mưu xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường trong Công an nhân dân; tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường; tham mưu tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của các đơn vị trong toàn lực lượng; tổ chức nghiên cứu khoa học phục vụ công tác bảo vệ môi trường trong Công an nhân dân; hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tại cấp cơ sở.

Tăng cường đấu tranh phòng chống tội phạm về môi trường - Ảnh 1
Lực lượng Cảnh sát môi trường thực hiện có hiệu quả các chuyên đề trọng tâm, các đợt cao điểm về đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường. (Ảnh minh họa)

Trong công tác đấu phòng chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát môi trường thực hiện có hiệu quả các chuyên đề trọng tâm, các đợt cao điểm về đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm và phòng ngừa, xử lý các hành vi làm lây lan khi xảy ra dịch bệnh…

Sớm xây dựng quy chế hợp tác toàn diện

Mới đây (ngày 19/4/2022), Bộ Công an và Bộ TN&MT đã có buổi làm việc, trao đổi kết quả phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Tại buổi làm việc, Bộ TN&MT đề xuất, kiến nghị phối hợp với Bộ Công an về 5 nhóm nội dung: phối hợp chặt chẽ trong hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, trong đó có các Luật đất đai, Luật quản lý tài nguyên nước, Luật địa chất và khoáng sản… Phối trong việc tổ chức chức thi hành Luật Bảo vệ môi trường, đấu tranh phòng chống tội phạm về môi trường.

Ngoài ra, hai bên tăng cường phối hợp trong công tác quản lý, sử dụng các nguồn tài nguyên; phối hợp trong việc triển khai các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), trong ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đề nghị, hai Bộ cần sớm xây dựng quy chế hợp tác toàn diện, không chỉ trong công tác bảo vệ môi trường sau những tác động của dịch bệnh mà còn trong công tác giám định tư pháp và định giá tài sản trong các vụ việc, vụ án, đảm bảo tính kịp thời và đúng pháp luật.

Tăng cường đấu tranh phòng chống tội phạm về môi trường - Ảnh 2
Bộ Công an và Bộ TN&MT tổ chức làm việc, trao đổi kết quả phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ được giao ngày 19/4/2022.

Nhất trí với các ý kiến của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm yêu cầu, các đơn vị chức năng của Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ TN&MT chuẩn bị các điều kiện để kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai hoàn thành trong tháng 6/2022; hỗ trợ Bộ TN&MT tối đa trong xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai.

Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị, các đơn vị chức năng của hai Bộ chủ động phối hợp trong công tác nắm, dự báo tình hình môi trường; tăng cường phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nghiêm tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, trong đó tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để nâng cao hiệu quả xử lý hình sự các vi phạm nhằm tăng tính răn đe, phòng ngừa.

Đồng thời, tăng cường phối hợp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm trong các lĩnh vực liên quan khác, nhất là trong lĩnh vực đất đai, bất động sản; nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về đất đai, bất động sản; xử lý nghiêm các vi phạm liên quan, không để hình thành “bong bóng bất động sản”.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng đề nghị Bộ TN&MT chỉ đạo các đơn vị chức năng sớm có kết luận trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản đối với các vụ án, vụ việc của Cơ quan CSĐT Bộ Công an. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu xây dựng và ban hành quy trình giám định chuẩn ở từng lĩnh vực như đất đai, khoáng sản…

Thẩm quyền của lực lượng Công an trong xử lý vi phạm môi trường

Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ đã có những quy định cụ thể về phân định thẩm quyền của lực lượng công an nhân dân, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng công an nhân dân. Những quy định này là phù hợp với các quy định trước đó tại Luật Công an nhân dân; Pháp lệnh Cảnh sát môi trường năm 2014; Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

Việc phân định rõ thẩm quyền của các lực lượng, đặc biệt là lực lượng công an nhân dân tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP đã phát huy vai trò tích cực trong việc giảm chồng chéo và tăng cường phối hợp giữa các lực lượng trong công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường; giảm các cuộc thanh tra, kiểm tra tại mỗi doanh nghiệp theo đúng Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Luật bảo vệ môi trường năm 2020 cũng quy định rõ trách nhiệm của lực lượng Cảnh sát, phòng chống tội phạm về môi trường tại khoản 3 Điều 160. Cụ thể: “Lực lượng cảnh sát, phòng chống tội phạm về môi trường tiến hành kiểm tra đối với tổ chức, cá nhân khi có dấu hiệu hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm môi trường; khi có tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có tin báo, phản ánh về vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm môi trường và thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cùng cấp để phối hợp;

Phối hợp kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong các trường hợp khác đối với tổ chức, cá nhân theo kế hoạch được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt. Hằng năm, gửi văn bản thông báo kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cùng cấp để tổng hợp, theo dõi”.

Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các cơ quan có liên quan xây dựng, trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường nhằm hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020.

PV

Bạn đang đọc bài viết Tăng cường đấu tranh phòng chống tội phạm về môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới