Chủ nhật, 24/11/2024 03:03 (GMT+7)
Thứ tư, 15/11/2023 16:00 (GMT+7)

Tăng giá điện giúp EVN có thêm bao nhiêu tiền?

Theo dõi KTMT trên

MBS ước tính, đợt tăng giá điện sẽ giúp EVN có thêm 26.000 tỷ đồng, phần nào làm giảm đi những áp lực tài chính cho EVN, tuy nhiên, đây vẫn là mức chưa đủ giúp cho doanh nghiệp có lãi.

Trong Báo cáo phân tích ngành điện mới đây, Công ty chứng khoán MBS cho biết, ngày 9/11/2023, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ bình quân lên 2.006 đồng/kWh, tăng tương ứng 4,5% so với mức giá bán lẻ hiện tại. Đây là đợt tăng lần thứ 2 trong năm nay, đưa giá điện tăng tổng cộng 7,6%.

MBS cho rằng đợt tăng giá sẽ làm giảm đi những áp lực tài chính cho EVN, tuy nhiên, đây vẫn là mức chưa đủ giúp cho EVN có lãi trong năm 2023. Cụ thể, ước tính chi phí sản xuất điện bình quân của EVN sẽ vào khoảng 2.098 đồng/kWh cho năm nay, cao hơn 92 đồng/kWh (4,5%) so với mức giá bán lẻ sau đợt tăng này.

“Giá điện bán lẻ tăng ảnh hưởng tích cực lên chuỗi giá trị ngành điện, đặc biệt khi EVN đóng vai trò là nhà mua-bán điện chính”, MBS phân tích.

Tăng giá điện giúp EVN có thêm bao nhiêu tiền? - Ảnh 1

Dự báo những doanh nghiệp hưởng lợi/ảnh hưởng do giá điện tăng.

MBS cho hay, xu hướng khoản phải thu tăng mạnh từ các doanh nghiệp điện bắt đầu từ 2022, khi nền giá đầu vào thế giới tăng mạnh và EVN gặp khó khăn về tài chính. Đặc biệt nhiều doanh nghiệp nhiệt điện nột bật trên sàn như POW, PGV, NT2, QTP, HND ghi nhận khoản phải thu với EVN tăng mạnh nhất do giá bán điện cao, đây cũng là những doanh nghiệp ghi nhận tỉ lệ phải thu/tổng tài sản cao trong ngành.

Theo tính toán của công ty chứng khoán, việc tăng giá điện lần này sẽ giúp EVN có thêm khoảng 26.000 tỷ doanh thu cho năm 2024, qua đó hỗ trợ cải thiện khả năng thanh toán cho EVN cũng như dòng tiền kinh doanh và hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp nhiệt điện trên.

Ngoài những doanh nghiệp điện trên, MBS cho rằng những doanh nghiệp xây lắp điện sẽ cũng được hưởng lợi. Giai đoạn 2022 - 2023 là giai đoạn rất khó khăn cho các doanh nghiệp xây lắp hạ tầng điện, không ký được hợp đồng xây lắp mới từ EVN, và dòng tiền cho các dự án cũng bị giãn đoạn. Nhiều doanh nghiệp ghi nhận kết quả doanh thu xây lắp thấp, giá trị backlog ký mới không cao khi EVN liên tục cắt giảm chi phí đầu tư, sửa chữa bảo dưỡng cho hệ thống điện.

Theo đó, với nhu cầu công việc nhiều cho phát triển lưới điện, trung bình khoảng 1,5-1,6 tỷ USD hàng năm, EVN cần ổn định dòng tiền của mình sớm để thực hiện hóa điều này. MBS cho rằng hoạt động xây lắp sẽ tích cực hơn và các doanh nghiệp nổi bật trên sàn như VNE, PC1, TV2 sẽ được hưởng lợi.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Tăng giá điện giúp EVN có thêm bao nhiêu tiền?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới