Chủ nhật, 24/11/2024 09:38 (GMT+7)
Thứ ba, 15/10/2019 06:53 (GMT+7)

Tăng tuổi nghỉ hưu như thế nào là phù hợp?

Theo dõi KTMT trên

Nhiều ý kiến cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết và cần tính đến phù hợp với từng ngành nghề. Tăng tuổi nghỉ hưu không làm vỡ quỹ bảo hiểm xã hội.

Sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đối tượng chịu tác động trực tiếp của Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Chính phủ sẽ trình phương án tăng tuổi hưu tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 10 này.

Trong điều kiện lao động bình thường, lao động nam nghỉ hưu khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và lao động nữ nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Tăng tuổi nghỉ hưu như thế nào là phù hợp? - Ảnh 1
Nhiều ý kiến cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết và cần tính đến phù hợp với từng ngành nghề. Ảnh minh họa

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Về phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng vừa đưa ra đề xuất, công thức tăng tuổi nghỉ hưu cần được chia theo nhóm. Trong đó, công chức tăng tất cả, viên chức tăng một bộ phận lớn, công nhân lao động chỉ tăng một bộ phận nhỏ và mức tăng đối với lao động nữ chỉ nên là 58 tuổi.

Vậy việc tăng tuổi nghỉ hưu như thế nào là phù hợp và Việt Nam có thể làm được việc làm này không đang là vấn đề cần tiếp tục bàn thảo?

Tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét với từng ngành nghề

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội đồng ý với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu với nam là 62 và nữ là 60. Bởi đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đã được Ban soạn thảo dựa vào năng suất lao động trung bình, tuổi thọ trung bình, tham khảo kinh nghiệm quốc tế khi so sánh với Việt Nam và có lộ trình thực hiện.

Tăng tuổi nghỉ hưu như thế nào là phù hợp? - Ảnh 2
Bà Nguyễn Thị Lan Hương.

Tuy nhiên, theo bà Lan Hương, tuổi nghỉ hưu của ngành nghề lại phụ thuộc vào lao động. Ví dụ như một lao động không phải là làm một ngành nghề đến khi về hưu mà có thể thay đổi ngành nghề khác nhau. Do đó, khi đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, cần có sự phân biệt về tuổi nghỉ hưu của người lao động nói chung với tuổi nghỉ hưu của ngành nghề.

Quy định nam đến 62 tuổi là nghỉ hưu nhưng có những ngành nghề độc hại thì có thể đến 55 tuổi là lao động được nghỉ hưu. Hay có những ngành nghề cấm lao động đến 50 không phải xuống hầm sâu nên phải dịch chuyển họ sang bộ phận khác làm việc.

Ngoài ra, còn có tiêu chuẩn lao động bị mất sức 61% thì được nghỉ hưu sớm. Vì vậy, song hành với lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cần có kế hoạch cho sự chuyển dịch phù hợp với sức khỏe của lao động, phù hợp với từng ngành nghề và cải thiện điều kiện làm việc cho lao động.

Theo bà Lan Hương, năm 1960, tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam chỉ có 59 tuổi đã quy định tuổi nghỉ hưu đối với nam là 60 tuổi và nữ là 55 tuổi. Cho đến nay, tuổi thọ trung bình của người dân là 73,5 tuổi thì việc đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu là hoàn toàn có thể thực hiện được.

Đồng ý với quan điểm trên, Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc Văn phòng Luật sư NH Quang và Cộng sự nêu quan điểm: Tăng tuổi nghỉ hưu sẽ góp phần tăng thu nhập, phát huy được sự cống hiến của lao động và giúp cho đơn vị sử dụng lao động ổn định được người làm việc.

Việc tăng tuổi nghỉ hưu với nam là 62 tuổi và nữ là 60 tuổi phù hợp với xu thế của nhiều nước trên thế giới, đảm bảo quyền của lao động nữ trong một số khu vực để họ có thể tiếp tục được cống hiến trí tuệ và tăng thêm nhu nhập.

Tăng tuổi nghỉ hưu như thế nào là phù hợp? - Ảnh 3
Luật sư Nguyễn Hưng Quang.

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến đồng ý với việc tăng tuổi nghỉ hưu thì nhìn nhận từ phía doanh nghiệp nước ngoài có vốn đầu tư tại Việt Nam, bà Đào Thị Thu Huyền, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản nêu ý kiến: Theo đánh giá điều tra của khối doanh nghiệp sản xuất thì người lao động đều không muốn tăng tuổi nghỉ hưu mà muốn giữ nguyên như hiện tại (đối với nam là 60 và nữ là 55 tuổi).

Vì ở tuổi này, sức khỏe, khả năng lao động của họ đã giảm sút. Hơn nữa, đặc thù ngành nghề của Việt Nam đa số là lao động gia công sản xuất, không giống như ở nước ngoài chủ yếu là lao động trí óc văn phòng nên chúng ta cũng không thể so sánh tuổi nghỉ hưu của Việt Nam đang thấp hơn so với nước ngoài.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản cũng kiến nghị giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu như quy định hiện hành hoặc chỉ tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động văn phòng, khối hành chính sự nghiệp. Còn đối với lao động sản xuất sẽ được lựa chọn tuổi nghỉ hưu phù hợp với sức khỏe và tính chất công việc.

Tăng tuổi nghỉ hưu không làm vỡ quỹ BHXH mà sẽ có nhiều cái lợi

Trước những đề xuất về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, có ý kiến băn khoăn sẽ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH).

Phản bác lo ngại trên, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho rằng, tiền đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) là khoản tiền của người lao động đang làm việc tiết kiệm để dành cho tuổi già. Theo nguyên tắc, người lao động đóng BHXH càng cao thì hưởng lương hưu càng cao. Việc tích lũy quỹ BHXH nhiều và thời gian đóng dài hơn thì lương hưu sẽ tăng lên.

Tăng tuổi nghỉ hưu như thế nào là phù hợp? - Ảnh 4
Ông Bùi Sỹ Lợi.

Về nguyên tắc tham gia bảo hiểm y tế là có sự chia sẻ, mà người tham gia không mong muốn được hưởng để tạo cơ hội cho người ốm đau, hoàn cảnh khó khăn, người nghèo... Còn việc đóng BHXH là tuân thủ nguyên tắc đóng – hưởng.

Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014 quy định, BHXH do Nhà nước bảo hộ nên quỹ BHXH được quản lý chặt chẽ ở Trung ương, quỹ được mang đi đầu tư tăng trưởng nhưng phải tuân thủ nguyên tắc an toàn, công khai, minh bạch.

Vì thế, người lao động hoàn toàn có thể yên tâm; chính sách của Nhà nước là khi tăng trưởng kinh tế mọi người dân đều được hưởng lợi từ thành quả phát triển hoặc khi giá sinh hoạt gia tăng làm giảm giá trị sức mua của đồng tiền thì người về hưu cũng được điều chỉnh lương hưu tương ứng để bảo đảm giá trị sức mua của tiền lương hưu.

Chính vì vậy, khi điều chỉnh tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lương vũ trang thì người về hưu cũng được điều chỉnh tăng tương ứng. BHXH là trụ cột của chính sách an sinh xã hội do Nhà nước quản lý và bảo hộ vì vậy làm sao có chuyện vỡ quỹ BHXH.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương cũng cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ không vỡ quỹ BHXH mà đây điều là phải thực hiện với lao động. Gần đây, Ngân hàng Thế giới đã chứng minh, nếu tăng tuổi nghỉ hưu đối với nam lên 62 tuổi và nữ là 60 tuổi thì sẽ làm tăng GDP lên gần 1%.

Việc tăng tuổi nghỉ hưu đã có lộ trình, chứ không phải là thực hiện ngay. Theo đó, đề xuất lao động nam nghỉ hưu khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và lao động nữ nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi vào năm 2035. Đến lúc đó, tình hình kinh tế-xã hội sẽ có sự thay đổi rất nhiều.

Kéo dài tuổi nghỉ hưu không hề làm mất cơ hội việc làm của người trẻ mà thậm chí người làm việc lâu năm sẽ làm gia tăng năng suất, tạo được việc làm cho thế hệ trẻ. Ví dụ như đội ngũ nhà khoa học, bác sĩ, kỹ sư đến độ tuổi nghỉ hưu nhưng lại là những người hội đủ tri thức, có kinh nghiệm làm việc nên vẫn tạo ra được hiệu suất lao động và có thể truyền đạt kinh nghiệm làm việc cho thế hệ trẻ.

Bạn đang đọc bài viết Tăng tuổi nghỉ hưu như thế nào là phù hợp?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới