Tạo ra máu nhân tạo có thể sử dụng cho tất cả nhóm máu
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có đến 117,4 tỉ đơn vị máu được hiến tặng trên toàn cầu mỗi năm, nhưng vẫn chưa đủ cho nhu cầu điều trị y tế. Mới đây, các nhà khoa học tại Nhật Bản đã phát triển dòng máu nhân tạo, về lý thuyết, có thể được truyền vào bệnh nhân bất kể nhóm máu nào.
Vẫn còn rất sớm cho nghiên cứu có thể ứng dụng trong thực tế. Cho đến nay, nó mới chỉ được thử nghiệm thành công trên 10 con thỏ. Tuy nhiên, nếu nó chuyển sang thử nghiệm trên người, đây có thể là một bước đột phá thú vị.
Hiện tại, nếu bạn cần phải được truyền máu, máu để truyền phải phù hợp với nhóm máu của bạn hoặc từ loại máu phổ quát là nhóm O âm tính. Một chất thay thế máu phù hợp với tất cả các nhóm máu sẽ vượt qua mọi trở ngại hiện có, từ việc không đủ máu hiến tặng, đến việc tìm kiếm các nhóm máu hiếm. Các nhà nghiên cứu ở Nhật Bản đã phát triển một loại máu thay thế có thể bắt chước và thực hiện đầy đủ các chức năng của máu sinh học là lưu trữ và vận chuyển oxy, có thể tiếp vào cơ thể nếu bị mất máu nghiêm trọng khi phẫu thuật hoặc sau chấn thương.
Thông thường, huyết sắc tố (hemoglobin) là protein trong các tế bào hồng cầu mang oxy đến các mô của cơ thể và đưa carbon dioxide trở lại phổi. Để thay thế cho loại protein quan trọng này, nhóm nghiên cứu đã phát triển “các túi hemoglobin” có đường kính chỉ 250 nanomet có thể đóng vai trò là chất mang oxy. Cùng với các hạt nano cầm máu dựa trên dạng liposome (liposome là những hạt có cấu trúc hình cầu, bao gồm một nhân nước ở giữa, bao bọc bởi vỏ phospholipid gồm một hay nhiều lớp, được chế tạo và sử dụng để mang thuốc trong điều trị y tế), chất này được trộn với huyết tương, dịch lỏng màu vàng của máu.
Các nhà nghiên cứu đã truyền máu thay thế vào 10 con thỏ đã bị xuất huyết nghiêm trọng do chấn thương gan. Đáng chú ý, sáu con trong số thỏ đó sống sót. Theo nghiên cứu cho biết, đó là tỉ lệ thành công tương đương với truyền máu sinh học.
Cũng chưa rõ ràng sản phẩm này có khả năng dẫn đến bất kỳ vấn đề sức khỏe nào rộng hơn hay không vì các nhà nghiên cứu không thăm dò sự an toàn lâu dài của máu. Đồng thời, nghiên cứu cũng cảnh báo rằng những phát hiện của họ không thể khái quát được với con người.
Có nhiều nỗ lực để tạo ra một chất thay thế máu đáng tin cậy được đưa ra trong nhiều thập kỷ qua, với những thành công hạn chế. Cho dù có những hạn chế, nghiên cứu này đã cung cấp một bước đệm quan trọng để tìm ra chất nhân tạo thay thế máu phổ quát đang được tìm kiếm. Ngoài việc giảm được lượng người hiến tặng máu, máu nhân tạo còn có thể khiến việc truyền máu trở nên dễ tiếp cận hơn. Theo WHO, 42 % số máu hiến tặng hiện tại đến từ các quốc gia có thu nhập cao, nơi có ít hơn 16 % dân số thế giới sinh sống.
“Thật khó để dự trữ một lượng máu đủ để truyền máu ở những vùng như đảo xa”, tác giả của nghiên cứu, Manabu Kinoshita, Phó Giáo sư về miễn dịch học tại Đại học Y khoa Quốc phòng Nhật Bản, nói với tờ báo Asahi Shimbun của Nhật Bản. “Máu nhân tạo sẽ có thể cứu sống những người không thể cứu được”.