Chủ nhật, 24/11/2024 07:30 (GMT+7)
Thứ tư, 02/02/2022 11:00 (GMT+7)

Tết 2022: Tết nào vui bằng Tết đoàn viên

Theo dõi KTMT trên

Bao đời nay, Tết Nguyên đán đã trở thành niềm mong đợi, nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam. Tết là dịp để người với người được gần nhau hơn. Với những người con đất Việt, dù ở đâu, làm gì thì Tết chính là thời khắc hướng về nguồn cội.

Ý nghĩa Tết đoàn viên trong tâm thức người Việt

Tết là dịp để mọi thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, thăm hỏi sức khỏe, kể lại cho nhau những điều đã diễn ra trong một năm. Tết là dịp để nhắc nhở quá khứ, trân trọng những gì đã qua và hướng tới những điều tốt đẹp. Điều đó đã trở thành truyền thống, nét đẹp văn hóa lâu đời của người dân Việt Nam. Cho đến hôm nay, ý nghĩa Tết đoàn viên, Tết sum họp vẫn còn vẹn nguyên trong tâm thức người Việt. Dù cho những chuyến tàu, chuyến xe ngày Tết có đông đúc, chen chúc và vất vả như thế nào, dù cho khoảng cách có xa xôi Nam – Bắc đến hàng ngàn cây số, thậm chí là ở một đất nước cách nửa vòng Trái đất thì những người con đất Việt vẫn luôn có một ước mơ trở về sum họp bên những người thân yêu nhất của mình. 

Tết 2022: Tết nào vui bằng Tết đoàn viên - Ảnh 1

Dù một năm đã qua có bao điều lo lắng, có bao nỗi vất vả với những xô bồ của cuộc sống thì những ngày Tết cũng  mong được về sum họp cùng với gia đình của mình. Trẻ con thì từng ngày được mong đến kỳ nghỉ để được đi chơi Tết, sắm quần áo mới, được bố mẹ đưa về quê thăm ông bà. Người lớn thì tất bật lo sắm sửa bao thứ đồ để biếu bố mẹ, ông bà, họ hàng rồi thì đồ đạc mới để trang hoàng nhà cửa... Nhà nhà, phố phố lúc nào cũng nhộn nhịp và tấp nập, nơi nơi đều tràn ngập không khí Tết. Với người Việt, phút giây cả nhà quây quần bên mâm cơm chiều cuối năm, cùng ngồi trò chuyện bên nồi bánh chưng, cùng háo hức đón giây phút giao thừa…là những khoảnh khắc thiêng liêng và được mong chờ nhất. Ông Nguyễn Văn Thành - Việt kiều từ Nga về chia sẻ: Giờ đây, cuộc sống năng động với nhiều lựa chọn đã khiến một số người thiếu đi mặn mà với Tết cổ truyền. Những phong tục mang đầy ý nghĩa gắn kết gia đình như gói bánh chưng, làm cơm tất niên, chúc Tết đầu năm… cũng bị giản tiện hơn. Thế nhưng, với những người Việt ở xa quê hương, cố gắng làm việc cả năm chỉ ngóng chờ dịp tết để được về thăm nhà, cùng sum vầy với gia đình đón giao thừa. “Tết nào bằng được Tết đoàn viên” cũng vì lẽ đó!

Cũng suy nghĩ như ông Thành, anh Đỗ Thành Nam, du học sinh ở Vương quốc Anh tâm sự: “Tôi xa nhà đã hai mùa xuân. Bên này họ chỉ có Tết dương lịch nên không thể cảm nhận được không khí hân hoan đón xuân như ở Việt Nam. Vì thế, năm đầu tiên gọi điện về nhà vào lúc giao thừa, tôi đã khóc. Lúc đó thấy nhớ gia đình da diết, chỉ muốn bay ngay về Việt Nam. Những giây phút vui vẻ bên bạn bè, người quen vẫn không thể nào thay thế được mái ấm gia đình”.

Trong gia đình dù có lúc chưa vừa lòng nhau thì khi Tết đến, mọi người cũng tự mở lòng mà bỏ qua mọi điều cho nhau, để không khí gia đình được thuận hòa, vui vẻ. Tết sum họp nên yêu thương cũng nhiều hơn, chia sẻ cũng nhiều hơn. Dịp Tết đến, nhà nhà sửa soạn nào lá dong, gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn rồi dưa hành, bánh mứt để mang đến cho gia đình một cái Tết đủ đầy. Bên nồi bánh chưng, cạnh bếp lửa hồng, ông bà, cha mẹ kể cho con cháu nghe về lịch sử gia đình, về những chuyện buồn vui trong cuộc sống. Một vài củ khoai, bắp ngô nướng vùi vào bếp than hồng để câu chuyện thêm phần rôm rả. Thêm một nồi nước lá mùi thơm phức để rửa mặt sáng sớm ngày mồng 1, mong cho một năm mới lúc nào cũng sạch sẽ, khỏe mạnh, may mắn. 

Tết không chỉ là dịp sum vầy bên gia đình mà còn là dịp để chia sẻ yêu thương, giúp đỡ người nghèo đón một năm mới ý nghĩa, tràn đầy hạnh phúc. Dẫu chỉ là món quà nhỏ, chiếc chăn ấm hay gói kẹo, hộp mứt Tết thì việc san sẻ đó cũng đã mang nắng xuân về sớm với hộ nghèo và những mảnh đời bất hạnh. Với người lao động, nhất là công nhân, lao động nghèo thì một cái Tết đủ đầy chỉ đơn giản là có được nồi bánh chưng, mua cho con trẻ tấm áo mới, có tờ vé xe để về quê ăn Tết. 

Trong ngày thường, đôi khi người ta mải mê và bận rộn với những công việc, các mối quan hệ bạn bè, xã hội mà một lúc nào đó bỗng lãng quên đi tình cảm gia đình. Tết hiện nay, có những gia đình hiện đại lại muốn tự do bay nhảy, ở lại thành phố để đến những khu vui chơi, giải trí hay có những chuyến du lịch trong nước, ngoài nước. Sự sum họp gia đình chính vì thế mà không trọn vẹn, niềm vui đoàn tụ dịp Tết không còn đủ đầy nữa... Dù có bận rộn đến đâu, dù có muốn đến những địa điểm vui chơi nhiều đến như thế nào, mỗi chúng ta hãy luôn nhớ hãy trở về bên gia đình mình, bên những người thân yêu, ở chính nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình. Bởi vì Tết là để yêu thương, để đoàn viên và sum họp.

“Mừng ngày Tết trên khắp quê tôi
Người ra Trung, ra Bắc, vô Nam
Dù đi đâu ai cũng nhớ
Về chung vui bên gia đình”.

Năm cũ sắp qua đi, một năm mới đang tới và nhà nhà đang tất bật chuẩn bị mâm cơm chiều tất niên. Lại ước sao, mỗi gia đình đều sum họp, vì Tết sum họp đủ đầy mới là một cái Tết trọn niềm vui.

Khép lại một năm bận rộn với bao lo toan, bộn bề của cuộc sống. Không khí đón xuân mới đang nhộn nhịp và lan tỏa khắp nơi. Cầu mong mọi người, mọi nhà đều đón Tết Nhâm Dần hạnh phúc và bình an.

TếtNhâm Dần lành mạnh, an toàn, tiết kiệm trong trạng thái bình thường mới

Để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón mừng năm mới 2022 và vui Xuân, đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, tạo khí thế, quyết tâm tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Tập trung nỗ lực cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong cả nước và tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình phụ trách nhằm bảo đảm vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục sản xuất, phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra. Có kế hoạch cụ thể, bố trí cán bộ, nhân viên trực Tết, kịp thời xử lý, giải quyết hiệu quả mọi công việc, tình huống phát sinh; Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo trong dịp nghỉ Tết; Hạn chế tối đa tổ chức các hoạt động tập trung đông người để bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch.

Tết 2022: Tết nào vui bằng Tết đoàn viên - Ảnh 2

2. Phát huy truyền thống đại đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái" của dân tộc, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Quan tâm chăm lo cho các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; Hộ nghèo, đồng bào các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, miền núi, vùng dân tộc thiểu số; công nhân, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp. Đặc biệt, chăm lo, thăm hỏi các gia đình có người thân, trẻ em có cha mẹ mất do dịch Covid-19..., bảo đảm mọi nhà, mọi người đều được vui Xuân, đón Tết.

Tổ chức tốt việc thăm hỏi, chúc Tết thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước, cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo tiêu biểu, các đơn vị lực lượng vũ trang, lực lượng đang ở tuyến đầu chống dịch và các lực lượng làm nhiệm vụ trong những ngày Tết, nhất là ở biên giới, hải đảo, vùng khó khăn, khu cách ly, điều trị tập trung, địa bàn phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

3. Thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo đúng tinh thần Chỉ thị số 41 của Ban Bí thư khóa XI và các quy định, hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm các hoạt động lễ hội, vui Xuân, kỷ niệm ngày truyền thống, hội nghị tổng kết năm, Tết trồng cây… thiết thực, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương. Lãnh đạo các địa phương căn cứ vào tình hình cụ thể, cân nhắc thận trọng, quyết định việc tổ chức bắn pháo hoa chào mừng năm mới 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần, bảo đảm tiết kiệm, an toàn, không sử dụng ngân sách nhà nước.

4. Không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; Không tổ chức đoàn của Trung ương thăm, chúc Tết cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố; Nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; Không dự các lễ chùa, lễ hội nếu không được phân công; Không tham gia các hoạt động mê tín dị đoan; Không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi... Thực hiện nghiêm Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về những điều đảng viên không được làm.

5. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bảo đảm tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường công tác dự báo và quản lý thị trường, ổn định giá cả, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ; Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm mọi hành vi gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ, tích trữ, đẩy giá hàng hóa tăng cao bất thường để thu lợi bất chính. Chủ động có kế hoạch bảo đảm đủ phương tiện vận chuyển hàng hóa và phục vụ nhân dân đi lại an toàn trong dịp Tết...

Tết 2022: Tết nào vui bằng Tết đoàn viên - Ảnh 3

6. Chú trọng công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm, sẵn sàng phương án ngăn chặn, xử lý hiệu quả các tình huống phức tạp xảy ra, không để bị động, bất ngờ; Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền biên giới, lãnh thổ của Tổ quốc. Tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19; Bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, đối ngoại, văn hóa - xã hội của đất nước. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; Phòng, chống cháy, nổ. Thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, sử dụng pháo và vật liệu nổ.

7. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội hoàn thành việc tổng kết công tác năm 2021 trước ngày 15/1/2022 để tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị năm 2022 ngay từ đầu năm và chăm lo Tết cho nhân dân; Nghiêm túc quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị này, góp phần thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ đề ra.

8. Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về những thành tựu của đất nước, các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội trong dịp Tết; Nâng cao ý thức tự giác của toàn dân trong phòng, chống dịch Covid-19, các quy định về an toàn giao thông, pháo và vật liệu cháy nổ; Chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc, làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.

Bình An

Bạn đang đọc bài viết Tết 2022: Tết nào vui bằng Tết đoàn viên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới