Chủ nhật, 24/11/2024 05:27 (GMT+7)
Thứ tư, 22/05/2024 16:29 (GMT+7)

Thái Bình: Chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn

Theo dõi KTMT trên

UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 21/5 về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh.

Để kịp thời khắc phục những tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh, nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở ban ngành, UBND huyện, thành phố tổ chức thực hiện Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành; chủ động phát hiện các quy định chồng chéo, chưa đồng bộ, các vấn đề phát sinh trong thực tiễn để kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đất đai và các quy định pháp luật khác có liên quan, công bố công khai về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt của địa phương để tổ chức, hộ gia đình, cá nhân biết, tuân thủ.

Đồng thời, UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu nghiêm Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai, Thông báo số 871-TB/TU ngày 04/02/2020 của 2 Ban Thường vụ Tỉnh ủy về rà soát, kiểm tra việc chuyển mục đích sử dụng đất và các Văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, đất bãi bồi ven biển, hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển, tập kết cát trên địa bàn tỉnh.

UBND huyện, thành phố thực hiện việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, giao đất, cho thuê đất, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt, bảo đảm quy trình và hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Thái Bình: Chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn - Ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương; phân công công chức, viên chức theo dõi địa bàn nắm tình hình, chủ động phát hiện và xử lý nghiêm ngay từ cơ sở các vi phạm theo thẩm quyền, kiến nghị cấp thẩm quyền xử lý kịp thời, triệt để vi phạm theo quy định của pháp luật. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 5/7/2021 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh, của UBND tỉnh tại Văn bản số 1498/UBND-KTNN ngày 3/4/2020 về khắc phục, xử lý tình trạng nông dân bỏ ruộng không canh tác để bảo đảm sản xuất, khai thác, sử dụng có hiệu quả diện tích đất nông nghiệp; không để tiếp diễn tình trạng lợi dụng chuyển đổi để vi phạm pháp luật đất đai.

UBND huyện, thành phố cũng xây dựng kế hoạch thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra, khắc phục những hạn chế thiếu sót đã chỉ ra sau thanh tra, kiểm tra tại các huyện, thành phố và các xã theo chỉ đạo của UBND tỉnh; tiếp tục thanh tra, kiểm tra các địa phương còn lại, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền việc chấp hành pháp luật đất đai của Chủ tịch UBND cấp xã trên địa bàn trong công tác quản lý nhà nước về đất đai.

Chỉ đạo các phòng, đơn vị có liên quan và UBND cấp xã thường xuyên rà soát tình hình quản lý sử dụng đất trên địa bàn và tổ chức kiểm tra, đề xuất xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định pháp luật đối với các vi phạm hành chính như: Lấn, chiếm, chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, không đúng đối tượng; phát hiện, áp dụng các biện pháp để ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình nhà ở, hạ tầng hình thành các khu dân cư mới trái phép trên đất nông nghiệp; kiên quyết buộc người có hành vi vi phạm phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Đối với những vụ vi phạm có tính chất phức tạp, quy mô lớn, kéo dài, tái phạm nhiều lần như: xây dựng các công trình, làm nhà, hàng quán trái phép trong hành lang bảo vệ đê, xây dựng lắp đặt trạm trộn bê tông trái phép trên bãi sông…, tổ chức xử lý giải tỏa các công trình vi phạm; nếu đối tượng vi phạm không tự giác thực hiện thì tổ chức cưỡng chế, việc cưỡng chế phải phối hợp đồng bộ giữa chính quyền địa phương với Công an và các lực lượng liên quan bảo đảm chặt chẽ, nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật.

UBND huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn rà soát, quản lý chặt chẽ và có phương án sử dụng quỹ đất công ích theo đúng quy định của pháp luật, không để bị lấn, chiếm, để hoang hóa gây lãng phí quỹ đất; xử lý các trường hợp thuê đất công ích trái quy định. Hàng năm, tổng hợp, báo cáo việc quản lý, sử dụng và những biến động đối với đất công ích trên địa bàn cấp xã với UBND cấp huyện để theo dõi, chỉ đạo.

UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện việc chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là quyền sử dụng đất và nhà ở theo đúng quy trình, thẩm quyền và quy định của pháp luật, nhất là điều kiện nhận chuyển quyền sử dụng đất đối với đất nông nghiệp.

Chủ tịch UBND huyện, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc để xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn vi phạm công tác quản lý, sử dụng đất đai. Xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, chuyển nhượng đất trồng lúa không đúng đối tượng, giao đất không đúng thẩm quyền tại địa bàn quản lý mà không có giải pháp xử lý, ngăn chặn triệt để, dứt điểm.

Hà My

Bạn đang đọc bài viết Thái Bình: Chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới