Chủ nhật, 24/11/2024 08:06 (GMT+7)
Thứ hai, 24/01/2022 08:57 (GMT+7)

Thái Lan: Tập trung vấn đề thuế carbon để chống biến đổi khí hậu trong vai trò Chủ tịch APEC 2022

Theo dõi KTMT trên

Một trong hai chủ đề chính của cuộc họp giữa các bộ trưởng tài chính là tài chính bền vững tập trung vào việc sử dụng các công cụ tài khóa tạo ra tính bền vững, trái phiếu xanh và thuế carbon để chống biến đổi khí hậu.

Cố vấn Văn phòng chính sách tài chính (FPO) của Thái Lan, ông Warotai Kosolpisitkul cho biết thuế carbon và các thị trường tín dụng carbon sẽ là chủ đề thảo luận chính của Hội nghị các bộ trưởng tài chính trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Thái Lan trong năm 2022.

Ông Warotai cho biết Hội nghị các bộ trưởng tài chính APEC được lên kế hoạch diễn ra trước Hội nghị Cấp cao APEC.

Hai chủ đề của cuộc họp giữa các bộ trưởng tài chính là tài chính bền vững và kinh tế kỹ thuật số, trong đó chủ đề tài chính bền vững tập trung vào việc sử dụng các công cụ tài khóa để tạo ra tính bền vững, chẳng hạn trái phiếu xanh và thuế carbon để chống biến đổi khí hậu.

Dự kiến, một hội nghị của các thứ trưởng tài chính và phó thống đốc ngân hàng trung ương từ các nền kinh tế APEC sẽ diễn ra trong hai ngày 16-17/3 để đặt ra chương trình nghị sự. Một cuộc họp cấp vụ trưởng tiếp theo cũng được lên kế hoạch trong thời gian từ ngày 24-25/6 để hoàn tất các chi tiết.

Trong khi đó, người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Thanakorn. Wangboonkongchana ngày 22/1 cho biết Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã thông báo rằng Thái Lan hoàn toàn sẵn sàng đăng cai Hội nghị Cấp cao APEC năm nay.

Theo ông Thanakorn, việc Thái Lan đăng cai Hội nghị Cấp cao APEC 2022 sẽ là một cơ hội quan trọng để nước này thúc đẩy thương mại ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các quan chức từ 21 nền kinh tế thành viên APEC sẽ tham dự hơn 250 cuộc họp - chia thành cấp chính sách và cấp bộ trưởng, để trao đổi ý kiến và đặt ra mục tiêu cho kinh tế.

Một cuộc họp liên quan đến hai chủ đề - thúc đẩy khả năng của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) để cạnh tranh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và giảm chất thải thực phẩm trong chuỗi cung ứng thực phẩm - đã được tổ chức gần đây ở Thái Lan.

Bộ Ngoại giao Thái Lan đã làm việc với Văn phòng xúc tiến doanh nghiệp vừa và nhỏ (OSMEP) và Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) để ban hành hướng dẫn giảm chất thải thực phẩm cho các MSME.

Thái Lan: Tập trung vấn đề thuế carbon để chống biến đổi khí hậu trong vai trò Chủ tịch APEC 2022 - Ảnh 1
Thuế carbon và các thị trường tín dụng carbon sẽ là chủ đề thảo luận chính của Hội nghị các bộ trưởng tài chính. (Ảnh minh họa)

Chủ đề của Năm APEC 2022 do Thái Lan đăng cai là "Rộng mở. Kết nối. Cân bằng." Kết nối sẽ được khôi phục trong du lịch, lữ hành, thương mại và đầu tư. Ngoài ra, Thái Lan sẽ thúc đẩy sự cân bằng giữa kinh tế và môi trường theo mô hình kinh tế sinh học, tuần hoàn và xanh (BCG).

Hội nghị Cấp cao APEC 2022 tại Thái Lan hướng tới sự bền vững trong kinh doanh, điều sẽ trở nên quan trọng hơn khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát.

Khu vực doanh nghiệp Thái Lan dự kiến sẽ đưa ra thảo luận về mô hình kinh tế BCG, đồng thời đề xuất tài trợ vốn để giúp các doanh nghiệp tại 21 nền kinh tế thành viên trong các cuộc họp của Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC.

Thái Lan đã tiếp nhận cương vị Chủ tịch Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương từ New Zealand và công bố chủ đề của Năm APEC 2022 là “Rộng mở-Kết nối-Cân bằng” trong một buổi lễ diễn ra dưới hình thức trực tuyến hôm 12/11.

Phát biểu sau lễ công bố biểu trưng của Năm APEC 2022, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Thái Lan Cherdchai Chaivaivid cho biết APEC 2022 sẽ không chỉ là diễn đàn cho đầu tư thương mại hoặc những cơ hội thị trường, mà còn sẽ mở rộng vai trò nước chủ nhà của Thái Lan.

Theo ông Cherdchai, do sự đổ vỡ gây ra bởi đại dịch Covid-19, APEC lần này sẽ không giống như trước, vì phải xem xét thêm nhiều vấn đề khác. Ngày nay, đột phát kỹ thuật số và biến đổi khí hậu cũng đang là tâm điểm chú ý của thế giới. Ngoài ra, ý tưởng về tính bền vững, đổi mới và phát triển số hóa cũng là những chủ đề nóng.

Đối với "Rộng mở," khái niệm đó sẽ là về tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư. "Kết nối" sẽ liên quan đến sự phục hồi, đi lại và du lịch cũng như cách giúp những người ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đi lại dễ dàng hơn, kể cả trong kỷ nguyên Covid-19. Ý tưởng "Cân bằng" là về cách quan tâm đến môi trường và chìa khóa của khái niệm "cân bằng" là "trách nhiệm."

Theo kế hoạch, trong năm 2022, Thái Lan sẽ tổ chức khoảng 100 cuộc họp tập trung vào tăng trưởng bền vững và bao trùm, thúc đẩy cân bằng giữa kinh tế và môi trường, cũng như tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư.

Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 29 dự kiến sẽ được tổ chức ở Thái Lan vào đầu tháng 11/2022. Nước này đang thúc đẩy Mô hình kinh tế BCG làm động lực cho những ưu tiên của APEC vào năm tới.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Thái Lan: Tập trung vấn đề thuế carbon để chống biến đổi khí hậu trong vai trò Chủ tịch APEC 2022. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới