Chủ nhật, 24/11/2024 05:07 (GMT+7)
Thứ ba, 11/04/2023 16:59 (GMT+7)

Thái Nguyên: Cần trả lại sự thông thoáng trong khuôn viên Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Trong khuôn viên Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam hiện nay, nhiều vị trí được cho thuê làm quán cà-phê, quán bia, quán ăn uống, trường mầm non, trưng bày và ki - ốt bán cây cảnh…

Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam (đơn vị trực thuộc Bộ văn hóa, thể thao và Du lịch), với diện tích rộng lớn, toạ lạc ở vị trí đắc địa, trung tâm TP Thái Nguyên (Thái Nguyên).

Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam có chức năng nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, giáo dục và phát huy giá trị sưu tập, hiện vật về di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam trên phạm vi cả nước.

Những tưởng, nơi đây sẽ là điểm đến của những người yêu văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, tại đây đang tồn tại một số bất cập làm phiền lòng những khách đến tham quan và gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân địa phương.

Thái Nguyên: Cần trả lại sự thông thoáng trong khuôn viên Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Ảnh 1
Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại đường Đội Cấn, phường Trưng Vương, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Lâu nay, trong khuôn viên bảo tàng quán cà phê, ki ốt bán cây cảnh, quán bia…hoạt động nhộn nhịp. Những hoạt động này không những gây mất mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng đến hoạt động thăm quan của du khách các địa phương khi về với bảo tàng.

Cụ thể, khu vực khuôn viên cổng phụ của Bảo tàng đã được cho thuê làm dịch vụ bán cây cảnh. Quán cà phê thì sôi động hàng ngày; Quán bia trong khuôn viên khách ra vào đông đúc, đặc biệt là vào buổi chiều, cảnh ăn uống, cười nói lớn tiếng.

Thái Nguyên: Cần trả lại sự thông thoáng trong khuôn viên Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Ảnh 2
Quán bia, quán ăn trong khuôn viên bảo tàng

Du khách sau khi tham quan, trải nghiệm tại bảo tàng, muốn nghỉ ngơi với những hoạt động giải khát, ẩm thực trong không gian phù hợp của bảo tàng là cần thiết. Tuy nhiên, khu vực ẩm thực tại cổng phụ sát với quảng trường Võ Nguyên Giáp đang trở thành quán bia với lượng khách ra vào đông đúc, ồn ào không phù hợp với không gian văn hóa của bảo tàng.

Đặc biệt, khu vực cảnh quan ngay trước một cổng phụ của Bảo tàng phía cầu Gia Bảy lại được quây rào trở thành nơi bán cây cảnh, bonsai… trong khi trên “Sơ đồ tổng thể tuyến tham quan các khu trưng bày” của Bảo tàng lại không hề có những dịch vụ trên.

Thái Nguyên: Cần trả lại sự thông thoáng trong khuôn viên Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Ảnh 3
Khu vực khuôn viên cổng phụ trở thành nơi bán cây cảnh, bonsai.

Theo người kinh doanh buôn bán tại đây, mỗi năm họ phải trả tiền thuê trên dưới 30 triệu cho một suất thuê ki ốt. Việc giao dịch thuê ki ốt này chỉ cần thông qua người của bảo tàng, mức giá cụ thể cho một ô để buôn bán là 3 triệu đồng/tháng.

Cũng tại sơ đồ hướng dẫn, khu vực “Nhà trải nghiệm” theo đúng tên gọi, mỗi lượt khách đến tham quan, nếu có dịch vụ trải nghiệm theo kế hoạch của Bảo tàng thì du khách nào cũng có thể tham gia trải nghiệm để hiểu thêm về văn hóa các dân tộc nhưng hiện nay khu vực này đang được đóng cửa để hoạt động một trường mầm non DPA thì có còn là khu “Nhà trải nghiệm” nữa hay không?

Thái Nguyên: Cần trả lại sự thông thoáng trong khuôn viên Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Ảnh 4

Khu vực “Nhà trải nghiệm” của Bào tàng đang được quây rào trở thành Trường mầm non DPA.

Để có thông tin khách quan về việc sử dụng đất công, nguồn tiền thu được từ hoạt động liên danh, liên kết có đúng mục đích, các hoạt động kinh doanh ảnh hưởng đến môi trường ra sao, PV đã liên hệ với lãnh đạo Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam nhưng bị từ chối. Lí do, bà Tô Thị Thu Trang, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đưa ra “không làm việc khi phóng viên tác nghiệp bằng Giấy giới thiệu”.

Một số hình ảnh PV ghi nhận:

Thái Nguyên: Cần trả lại sự thông thoáng trong khuôn viên Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Ảnh 5
Thái Nguyên: Cần trả lại sự thông thoáng trong khuôn viên Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Ảnh 6
Thái Nguyên: Cần trả lại sự thông thoáng trong khuôn viên Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Ảnh 7

Quán cafe tọa lạc trên một vị trí đẹp trong khuôn viên Bảo tàng

Theo điểm b khoản 2 Điều 55  Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định, việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phải bảo đảm các yêu cầu sau đây: Không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao. Vậy việc dùng khu Nhà trải nghiệm để cho thuê làm thành nhà trẻ có đúng với "chức năng nhiệm vụ" theo luật định.

Bộ Tài chính vừa có công văn số 1076/BTC-QLCS gửi các bộ, ngành, địa phương về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu chú trọng kiểm tra việc sử dụng tài sản công là nhà, đất vào mục đích kinh doanh, cho thuê liên doanh, liên kết.

Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức thuộc phạm vi quản lý vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, chú trọng vào kiểm tra việc sử dụng tài sản công là nhà, đất. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, thanh tra, các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và chấm dứt ngay các trường hợp kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định của pháp luật.

Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!

Lê Văn - Hải Tuyết

Bạn đang đọc bài viết Thái Nguyên: Cần trả lại sự thông thoáng trong khuôn viên Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới