Chủ nhật, 24/11/2024 04:41 (GMT+7)
Thứ ba, 02/07/2019 09:48 (GMT+7)

Thái Nguyên: Dự án BT gần 10.000 tỉ đồng "trơ gan cùng tuế nguyệt"

Theo dõi KTMT trên

Sau 3 năm khởi công, dự án cấp bách phục vụ cho hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu (Thái Nguyên) vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt".

Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu do Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc - Cienco 8 làm chủ đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).

Thái Nguyên: Dự án BT gần 10.000 tỉ đồng "trơ gan cùng tuế nguyệt" - Ảnh 1
Sau 3 năm khởi công, dự án BT gần 10.000 tỉ đồng vẫn nhếch nhác, ngổn ngang, gây lãng phí.

Ban đầu, dự án có tổng mức đầu tư 9.811 tỉ đồng thuộc nhóm A (thẩm quyền chấp thuận chủ trương thuộc Chính phủ). Trong đó, vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án là 2.811 tỉ đồng, vốn nhà đầu tư là 7.000 tỉ đồng. Diện tích đất giải phóng mặt bằng cho dự án BT gần 400 ha và diện tích đất cho dự án đối ứng trên 300 ha.

Do khó khăn về tài chính của Trung ương, khó có thể thực hiện theo dự án nhóm A. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã đồng ý đổi tên "Dự án" thuộc nhóm A thành "Đề án" thuộc nhóm B, lúc này thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư thuộc HĐND tỉnh Thái Nguyên.

Sau khi chuyển đổi dự án sang nhóm B thuộc thẩm quyền phê duyệt, ngày 12/10/2016 UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 2635/QĐ-UBND phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, gồm 09 dự án được chia nhỏ nội dung tổng thể của Đề án.

Dư luận cho rằng, chủ đầu tư đã "vẽ" ra một dự án "đồ sộ" với tổng mức đầu tư lên tới gần 10.000 tỉ đồng. Với khoản kinh phí "khủng" này, nhiều nhà đầu tư khác sẽ không đủ tài chính để tham gia. Lúc này, chủ đầu tư sẽ một mình trúng thầu.

Đặc biệt, với cách làm được cho là "nhanh như chớp" của UBND tỉnh Thái Nguyên, từ khi có văn bản giao nhà đầu tư lập đề xuất dự án ngày 21/7/2016, đến khi khởi công dự án ngày 25/12/2016, chỉ vẻn vẹn có 5 tháng 4 ngày.

Thái Nguyên: Dự án BT gần 10.000 tỉ đồng "trơ gan cùng tuế nguyệt" - Ảnh 2
Ngày 25/12/2016, ông Vũ Hồng Bắc - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên trao giấy chứng nhận, khởi công dự án khi dự án chưa đủ điều kiện khởi công theo quy định.

Không dừng lại ở đó, ngày 25/12/2016, Liên doanh Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc - Cienco8 và UBND tỉnh Thái Nguyên đã khởi công 2/9 dự án khi báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa được phê duyệt, chưa ký hợp đồng BT, báo cáo nghiên cứu khả thi (điều chỉnh) chưa được phê duyệt.

Được biết, ngày 18/3/2019, trong thông báo kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã giao Sở Xây dựng đôn đốc chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh các dự án 1, 4, 5 trình cấp thẩm định phê duyệt chậm nhất vào cuối tháng 3/2019.

Đến ngày 29/5/2019, báo cáo nghiên cứu khả thi (điều chỉnh) các dự án vẫn chưa được phê duyệt. Sau gần 3 năm khởi công, dự án trị giá nhiều tỉ đồng hiện đang nằm phơi sương, phơi nắng gây lãng phí.

Vấn đề đặt ra là, tại sao dự án gần 10.000 tỉ đồng được khởi công từ cuối năm 2016 đến tận tháng 7/2018 mới ký hợp đồng BT? Là dự án cấp bách nhưng thực hiện tới 5 năm, tính từ thời điểm khởi công là 7 năm? Trong khi đó, 6/9 dự án còn lại không biết khi nào tỉnh Thái Nguyên mới ký hợp đồng triển khai thi công?

Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo làm rõ

Liên quan tới Dự án BT gần 10.000 tỉ đồng ở TP Thái Nguyên (Thái Nguyên) lách luật biến "Dự án" thành "Đề án". Ngày 28/6/2019, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 5714/PVCP-V.1 gửi UBND tỉnh Thái Nguyên.

Theo văn bản, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình giao UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo kiểm tra, làm rõ thông tin báo chí nêu liên quan đến quá trình thực hiện "Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu"; Báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2019.

Xuân Đoàn (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Thái Nguyên: Dự án BT gần 10.000 tỉ đồng "trơ gan cùng tuế nguyệt". Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới