Chủ nhật, 24/11/2024 05:35 (GMT+7)
Thứ tư, 19/06/2019 11:06 (GMT+7)

Ôm quỹ đất hàng nghìn hecta, Nam Cường “quan hệ” với Hà Nội thế nào?

Theo dõi KTMT trên

Từ một doanh nghiệp tư nhân ở Nam Định, Tập đoàn Nam Cường Hà Nội đã phát triển “thần tốc” về quy mô vốn, số lượng dự án giao thông và quỹ đất khu đô thị rộng lớn… Đằng sau sự thành công này là những ưu đãi, hỗ trợ “xưa nay hiếm” của chính quyền TP Hà Nội dành cho tư nhân.

Lợi ích lớn từ những “con đường BT”

Với số vốn điều lệ 1.111 tỉ đồng, Tập đoàn Nam Cường đã nhanh chóng thâu tóm được quỹ đất cả nghìn hecta, để phát triển loạt dự án khu đô thị tại Hà Nội, Hải Dương, Nam Định…

Năm 2008, Tập đoàn Nam Cường gây chú ý khi được TP. Hà Nội giao đầu tư 2 dự án rất lớn gồm: dự án tuyến đường trục phát triển phía Bắc Hà Đông (đường Lê Văn Lương kéo dài) và dự án Khu đô thị mới Dương Nội (rộng 197,3ha, nằm dọc tuyến đường này). Trong đó, dự án đường Lê Văn Lương kéo dài (toàn tuyến hơn 5,1km), có tổng mức đầu tư hơn 700 tỉ đồng theo hình thức BT (xây dựng- chuyển giao), Nam Cường đã được đối ứng bằng quỹ đất của Khu đô thị Dương Nội rộng tới 200ha (tổng mức đầu tư 7.000 tỉ đồng).

Vào tháng 1/2008, Nam Cường đã khởi công xây dựng cả 2 dự án này và cũng rất nhanh chóng, đường Lê Văn Lương kéo dài đã được hoàn thành và thông xe vào ngày 8/10/2010, trước sự chứng kiến của ông Nguyễn Văn Khôi, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội cùng nhiều lãnh đạo, đại biểu…

Ôm quỹ đất hàng nghìn hecta, Nam Cường “quan hệ” với Hà Nội thế nào? - Ảnh 1
Khu đô thị mới Dương Nội được đầu tư trên quỹ đất 197,3ha đối ứng từ dự án BT đường Lê Văn Lương

Tiếp đó, Nam Cường đã liên danh với Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico) cùng đầu tư dự án đường Lê Văn Lương kéo dài cũng theo hợp đồng BT (chiều dài 2,7km), tổng mức đầu tư 676 tỉ đồng, đã đưa vào sử dụng năm 2010. Trong mối hợp tác đầu tư này, Nam Cường có thêm quỹ đất 46,1ha (tại quận Nam Từ Liêm và quận Thanh Xuân, Hà Nội) để phát triển thành dự án khu đô thị Phùng Khoang, gồm các hạng mục biệt thự, chung cư, khách sạn…

Tuy nhiên, dự án BT đường Lê Văn Lương kéo dài từng dính lùm xùm về “đội vốn” đầu tư lên tới 1.000 tỉ đồng, vượt gấp 43% tổng mức đầu tư ban đầu. Nhẩm tính, chi phí xây dựng mỗi km đường này lên tới 200 tỉ đồng, tương đương hơn 12 triệu USD/km đường, được cho là rất đắt đỏ ở thời điểm năm 2008. Cuối năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã đưa dự án khu đô thị Dương Nội và Handico vào kế hoạch kiểm toán để làm rõ các vấn đề đầu tư, tài chính… Đến nay, kết quả của 2 cuộc kiểm toán này vẫn chưa được công bố.

Sau khi sở hữu quỹ đất lớn ở các dự án đô thị bám dọc trục chính đường Lê Văn Lương kéo dài, Nam Cường đã cắt dần những phần nhỏ để bán cho nhiều nhà đầu tư thứ cấp làm dự án. Một phần đất được phát triển các toà cao ốc, khu nhà liền kề, biệt thự… còn phần lớn đất được giao hiện vẫn đang quây tôn, bỏ hoang, chưa triển khai.

Từ một dự án BT thành công ở Hà Nội, Nam Cường đã nhanh chóng mở rộng quỹ đất “khủng” khi quyết định tham gia đầu tư dự án đường trục kinh tế Bắc Nam (tỉnh Hà Tây cũ), được đối ứng bằng quỹ đất của hai dự án Khu đô thị Quốc Oai (huyện Quốc Oai) có quy mô 1.124 ha và Khu đô thị Thạch Thất (huyện Thạch Thất) là 922 ha. Nhưng đến năm 2013, dự án trục đường kinh tế Bắc Nam ngừng triển khai, Nam Cường buộc phải trả lại 2 dự án đô thị cho TP Hà Nội. Khu đô thị mới Cổ Nhuế rộng 17,6ha cũng được giao cho doanh nghiệp này.

Ôm quỹ đất hàng nghìn hecta, Nam Cường “quan hệ” với Hà Nội thế nào? - Ảnh 2
Tập đoàn Nam Cường đã "xẻ" đất bán lại cho các nhà đầu tư thứ cấp, huy động vốn "chui" khi dự án chưa đủ điều kiện bán hàng

Mối “thâm tình” với Hà Nội?

Sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp tư nhân như Tập đoàn Nam Cường đã giúp thay đổi bộ mặt đô thị ở khu vực phía Tây của TP Hà Nội, sau khi Hà Tây sáp nhập về thủ đô. Từ đây cũng tạo nên cơ hội lớn cho doanh nghiệp thâu tóm được quỹ đất đai màu mỡ, rộng lớn mà không phải doanh nghiệp tư nhân nào cũng có thể chạm tới.

Điển hình là dự án khu đô thị mới Dương Nội rộng 197,3ha, đã được Tập đoàn Nam Cường triển khai đầu tư làm hạ tầng cơ sở, phân lô bán nền, xây dựng các toà chung cư… đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho hàng nghìn người dân.

Dự án này cũng trở thành tâm điểm “sốt nóng” hồi năm 2008-2010 khi thu hút rất nhiều nhà đầu tư tham gia góp vốn, mua đi bán lại thu tiền chênh lệch vài trăm triệu, tới cả tỉ đồng ngay từ khi dự án chưa đủ điều kiện bán hàng.

Việc mua bán “chui” này được thực hiện thông qua các bản thoả thuận/hợp đồng góp vốn kèm quyền ưu tiên mua nhà liền kề, biệt thự… Đã có người thân của lãnh đạo TP.Hà Nội cũng tham gia góp vốn vào dự án Dương Nội, đơn cử, bà Chu Thị Kim Thoa – vợ của Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã góp vốn mua một lô đất biệt thự (rộng hơn 200m2) tại Khu A từ năm 2008. Sau khi ông Khôi nghỉ hưu (năm 2014), bà Thoa đã xin chuyển nhượng lô đất cho một người thân khác của lãnh đạo này. Được biết, giá trị của lô đất biệt thự tương tự của bà Kim Thoa trên thị trường là từ 10-11 tỉ đồng.

Trên thực tế, các chủ đầu tư dự án bất động sản tại Hà Nội thường khổ sở, vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng, bàn giao quỹ đất sạch khiến dự án bị chậm tiến độ. Tuy nhiên, Nam Cường đã được chính quyền TP Hà Nội hỗ trợ tối đa trong việc giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch nhanh chóng, giúp cho việc bán hàng của doanh nghiệp này chớp đúng thời cơ “đỉnh” sốt thị trường bất động sản.

Sự hỗ trợ của chính quyền đối với Tập đoàn Nam Cường còn có thể quan sát ở việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu đô thị mới Dương Nội (theo Quyết định số 1955/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tây ngày 2/7/2008) đã tăng diện tích đất thêm 6,5ha, lên gần 203,8ha. Hiện, người dân có nhu cầu tìm hiểm, tiếp cận với Bản quy hoạch 1/500 của khu đô thị mới Dương Nội là rất khó khăn.

Ôm quỹ đất hàng nghìn hecta, Nam Cường “quan hệ” với Hà Nội thế nào? - Ảnh 3
Khu biệt thự hoành tráng của bà Lê Thị Thuý Ngà, Chủ tịch Tập đoàn Nam Cường tại KĐT mới Dương Nội

Tại dự án này, phân khu L được xây dựng tới 198 căn, sai lệch lớn so với thông tin quy hoạch được công bố trước đây. Ngạc nhiên hơn, ngay trong khu đô thị Dương Nội đã hình thành khu tư dinh nguy nga, đồ sộ rộng khoảng 4.000m2 của bà Lê Thị Thúy Ngà, Chủ tịch Tập đoàn Nam Cường. Căn biệt thự được xây làm 3 tầng, có tổng diện tích sàn lên tới 8.775 m2 và chưa rõ có nằm trong quy hoạch xây dựng của khu đô thị đã được phê duyệt hay không?

Trong mối "thâm tình" với chính quyền Hà Nội, Tập đoàn Nam Cường có được phép điều chỉnh thay đổi quy hoạch xây dựng của khu đô thị Dương Nội không? Và quy hoạch mới có phù hợp với các quy định pháp luật về đất đai, xây dựng ở đô thị và quy hoạch chung thủ đô không, là điều rất cần được công khai.

Phạm Dũng

Bạn đang đọc bài viết Ôm quỹ đất hàng nghìn hecta, Nam Cường “quan hệ” với Hà Nội thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới