Thứ bảy, 22/02/2025 15:40 (GMT+7)
Thứ ba, 28/01/2025 09:12 (GMT+7)

Thắm sắc xuân, đượm vị Tết trong những sản phẩm OCOP tại Hải Dương

Theo dõi KTMT trên

Các sản phẩm OCOP của Hải Dương không chỉ mang đậm hương vị truyền thống mà còn là món quà tặng, trưng bày ý nghĩa trong mỗi dịp Tết đến xuân về.

Chương trình OCOP đã mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm nông sản, thủ công mỹ nghệ và thực phẩm của Hải Dương. Sản phẩm OCOP Hải Dương có sự kết hợp giữa chất lượng vượt trội với giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương. Không chỉ là đặc sản của tỉnh, các sản phẩm OCOP còn mang những giá trị văn hóa sâu sắc, thể hiện tâm huyết của người sản xuất và sự gắn bó mật thiết với lịch sử, truyền thống của mỗi địa phương trong tỉnh.

Gạo nếp cái hoa vàng - “Hạt ngọc” của đất trời xứ Đông

Gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn là một trong những đặc sản OCOP nổi tiếng tại Hải Dương. Đây là giống lúa nếp truyền thống của thị xã Kinh Môn với đặc trưng hạt gạo tròn đầy, hương thơm dịu, nhấm thử thấy vị ngọt nhẹ man mát như sữa non lan tỏa nơi đầu lưỡi. Gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn có thể chế biến thành nhiều món ngon cho ngày Tết như: Xôi, bánh chưng, nấu rượu, làm bánh lòng - một loại bánh truyền thống của người dân địa phương.

Bánh chưng nấu từ loại gạo này có hương vị thơm ngon hơn, để được lâu và không dễ bị thiu, mốc như một số giống gạo nếp khác. Hạt gạo nấu cơm nếp cũng dẻo thơm, mềm nhưng ráo nước và không bị nát, để lâu sau khi chế biến không bị đổi vị. Không chỉ để nấu bánh chưng và nấu rượu, gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn còn là món quà quê đặc sản được nhiều người ưa dùng để biếu tặng nhân dịp lễ, Tết.

Thắm sắc xuân, đượm vị Tết trong những sản phẩm OCOP tại Hải Dương - Ảnh 1
Gạo nếp cái hoa vàng và một số sản phẩm làm từ loại gạo này của Công ty TNHH MTV Phương Khiêm (Kinh Môn). Ảnh: Công ty TNHH MTV Phương Khiêm

Gạo nếp cái hoa vàng của Kinh Môn đã có nhãn hiệu tập thể với tên gọi "Nếp cái hoa vàng Kinh Môn". Sản phẩm cũng được Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng cấp mã số hàng hóa. Gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn đã được bình chọn là Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam. Nhờ đó, loại gạo này tiêu thụ ổn định, giá luôn cao hơn các loại gạo nếp khác. Nhiều năm qua, gạo nếp cái hoa vàng đã trở thành món quà quê mang đặc trưng vùng miền và ngày càng khẳng định thương hiệu. Đây cũng là động lực để người dân Kinh Môn gắn bó, gìn giữ và phát huy giá trị giống lúa quý của địa phương mình.

Không chỉ có ở thị xã Kinh Môn, gạo nếp cái hoa vàng còn được trồng ở phường Văn An, TP.Chí Linh (Hải Dương). Sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng của phường Văn An đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao vào năm 2023.

Bánh đậu xanh - Món bánh đặc sản trứ danh của Hải Dương

Bánh đậu xanh đã trở thành món bánh không thể thiếu trong đầu câu chuyện của nhiều người dân Hải Dương mỗi khi có khách gần xa. Đặc biệt là vào dịp Tết, bánh đậu xanh với màu vàng, hộp đỏ tượng trưng cho sự ngọt ngào, may mắn thường là thức quà không thể thiếu để biếu tặng hoặc trưng bày trên bàn thờ.

Mỗi chiếc bánh đậu xanh là cả một quá trình tỉ mỉ từ khâu chọn nguyên liệu, chế biến, đến gói ghém, để làm sao khi đến tay người thưởng thức, bánh vẫn giữ nguyên được hương vị ngọt ngào, bùi bùi của đậu xanh. Với những nguyên liệu đơn giản, mộc mạc nhưng mỗi chiếc bánh đậu xanh Hải Dương lại thấm đượm hương vị đồng nội, thể hiện sự tinh tế và khéo léo của những người thợ cần cù. Bánh đậu xanh mềm, tan ngay trong miệng, có vị ngọt thanh và thơm ngậy. Thưởng thức bánh đậu xanh cùng tách trà xanh sẽ tạo nên hương vị đặc trưng mà hiếm loại bánh nào có được.

Thắm sắc xuân, đượm vị Tết trong những sản phẩm OCOP tại Hải Dương - Ảnh 2
Sản phẩm Bánh đậu xanh Rồng Vàng Hoàng Gia của Công ty CP Hoàng Giang ở phường Cẩm Thượng (TP.Hải Dương). Ảnh: Báo Hải Dương

Mỗi dịp Tết đến xuân về, trên thị trường lại có vô vàn loại bánh kẹo với mẫu mã và hương vị đa dạng. Thế nhưng, bánh đậu xanh Hải Dương vẫn được người tiêu dùng tin chọn bởi đây không chỉ là một loại bánh hay món quà tặng, mà còn là một nét văn hóa đặc trưng của địa phương. Bánh đậu xanh đã trở thành sản phẩm mang tính biểu tượng và là niềm tự hào của những người con vùng đất xứ Đông.

Ngày nay, bánh đậu xanh Hải Dương đã được cải tiến về thiết kế với các mẫu mã sang trọng, bắt mắt để phục vụ nhu cầu biếu tặng, trưng bày ngày Tết. Nhưng dù thế nào, hương vị của bánh vẫn không thay đổi. Với hương vị ngọt dịu, thơm bùi cùng ý nghĩa sâu sắc, bánh đậu xanh không chỉ là món ăn yêu thích mà còn là biểu tượng của lời chúc thịnh vượng và hạnh phúc cho năm mới.

Trong số 16 sản phẩm bánh đậu xanh của thành phố Hải Dương đã được gắn sao OCOP, đáng chú ý nhất là Bánh đậu xanh Rồng Vàng Hoàng Gia của Công ty CP Hoàng Giang ở phường Cẩm Thượng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn 5 sao - sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Đây cũng là sản phẩm đầu tiên ở tỉnh này đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao.

Theo chia sẻ của ông Đào Quang Chuyện, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Hoàng Giang, doanh nghiệp này đã mất 10 năm để thay đổi và cũng phải nếm trải nhiều thất bại. Ông Đào Quang Chuyện nhấn mạnh: "Chúng tôi không lùi bước, vẫn kiên trì cải tiến để có được thành quả như hôm nay. Sản phẩm bánh đậu xanh rồng vàng Hoàng Gia giờ đây đạt được đầy đủ các tiêu chí về chất lượng, hình thức, hương vị phù hợp với người tiêu dùng hiện đại, song vẫn giữ được hồn cốt, tinh hoa của nghề sản xuất bánh đậu xanh truyền thống của xứ Đông".

Gốm Chu Đậu - Niềm tự hào thương hiệu Quốc gia

Tết Nguyên Đán không chỉ là thời điểm sum vầy mà còn là dịp để trao gửi yêu thương qua những món quà mang đậm giá trị văn hóa. Trong số đó, quà Tết gốm Chu Đậu nổi bật như một biểu tượng của truyền thống và niềm tự hào thương hiệu quốc gia. Gốm Chu Đậu là một trong những sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Hải Dương. Sản phẩm có nguồn gốc từ làng Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách.

Thắm sắc xuân, đượm vị Tết trong những sản phẩm OCOP tại Hải Dương - Ảnh 3
Gốm Chu Đậu là món quà tặng sang trọng, ý nghĩa trong mỗi dịp Tết đến xuân về. Ảnh: Báo Hải Dương

Gốm Chu Đậu tượng trưng cho sự trân quý truyền thống, sự gắn kết gia đình và niềm tin vào tương lai tươi sáng. Đây là lời chúc năm mới an khang, thịnh vượng, vừa mang giá trị văn hóa vừa mang tính ứng dụng cao trong đời sống hiện đại. Trao quà gốm Chu Đậu trong dịp Tết không chỉ là trao đi một món quà vật chất mà còn là gửi gắm thông điệp về sự trường tồn, bền vững và phát triển.

Điểm nổi bật của gốm Chu Đậu nằm ở kỹ thuật chế tác hoàn toàn thủ công, mọi công đoạn đều được thực hiện bằng tay với sự tỉ mỉ và tận tâm. Mỗi chiếc bình gốm đều mang trong mình vẻ đẹp độc đáo riêng biệt, nét tinh tế, sang trọng khó hòa lẫn nhờ sự hòa quyện của màu men cổ điển, chất liệu cao cấp cùng nét vẽ bay bổng và mềm mại. Với những giá trị văn hóa, lịch sử và nghệ thuật độc đáo, gốm Chu Đậu đã được công nhận là Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Mới đây, tại hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Hải Dương năm 2024, Công ty CP Gốm Chu Đậu đã có 5 sản phẩm bình gốm được đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia 5 sao đó là: Giọt Ngọc, Hoa Lam, Phú Quý, Thiên Nga và Tỳ Bà.

Bên cạnh những sản phẩm tiêu biểu kể trên, tại Hải Dương còn có nhiều sản phẩm OCOP nổi bật khác cho ngày Tết như: Vải thiều sấy khô Thanh Hà; mật ong rừng An Sinh (Kinh Môn); bánh đa Lộ Cương (TP.Hải Dương); rươi, cáy cấp đông ở xã An Thanh (Tứ Kỳ); bánh cơm dừa sầu riêng ở xã Gia Xuyên (TP.Hải Dương)...

Năm 2024, UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Hải Dương đã tổ chức đánh giá, phân hạng 79 sản phẩm; nâng tổng số sản phẩm OCOP được đánh giá của toàn tỉnh lên 424, gồm 1 sản phẩm 5 sao, 119 sản phẩm 4 sao và 304 sản phẩm 3 sao. Những sản phẩm này không chỉ giúp nâng cao giá trị thương hiệu của tỉnh mà còn khẳng định tính bền vững trong quy trình sản xuất. Các sản phẩm OCOP Hải Dương đều được sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt, từ khâu chọn lựa nguyên liệu, chế biến đến đóng gói.

Bên cạnh đó, các sản phẩm nông sản của Hải Dương được sản xuất theo phương pháp hữu cơ, thân thiện môi trường. Điều này không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn mang lại những giá trị xã hội và môi trường đáng kể, thúc đẩy sự phát triển bền vững của cộng đồng và địa phương.

Thắm sắc xuân, đượm vị Tết trong những sản phẩm OCOP tại Hải Dương - Ảnh 4
Các sản phẩm OCOP được người dân Hải Dương tin chọn để sử dụng trong mùa Tết.

Theo ông Bùi Văn Thăng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, chương trình mỗi xã một sản phẩm (chương trình OCOP) là một trong những nội dung trọng tâm để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông sản; bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn.

Sông Hồng

Bạn đang đọc bài viết Thắm sắc xuân, đượm vị Tết trong những sản phẩm OCOP tại Hải Dương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Phòng: Khát vọng vươn tới sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia
Những năm qua, Hải Phòng luôn tích cực đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP. Tuy nhiên đến nay, thành phố này vẫn chưa có sản phẩm đạt OCOP 5 sao. Vươn tới sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia là mục tiêu mà Hải Phòng đang nỗ lực phấn đấu đạt được.

Tin mới

Lãng đãng mùa Thu Nam Cầu Kiền
Lời thơ Phạm Hồng Điệp đã được phổ nhạc, tạo nên khúc tình ca lãng đãng Thu, thấm đãm tâm, tình của người doanh nhân trước những rung động nguyên sơ.