Quyết tâm “khai tử” bếp than tổ ong là một trong những nỗ lực của Thủ đô Hà Nội để giảm các nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường, cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ sức khỏe người dân.
Theo Chỉ thị 15 của UBND TP.Hà Nội thì đến năm 2021 sẽ xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong trên địa bàn. Tuy nhiên, các bếp than tổ ong vẫn đỏ lửa khi chỉ còn một ngày nữa là hết hạn lộ trình xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong.
Khi đốt than tổ ong sẽ phát sinh ra bụi (bụi mịn PM2.5) và khí/hơi thải khác (CO2, CO, SO2, PAHs…). Những độc tố này không làm người sử dụng phát bệnh ngay lập tức mà sau thời gian dài mới phát bệnh.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, thực hiện Chỉ thị 15 về loại bỏ bếp than tổ ong trên địa bàn Thành phố, đến nay Hà Nội đã giảm chỉ còn hơn 15.000 bếp.
Năm 2020 áp lực về ô nhiễm này vẫn tiếp diễn, vượt ngưỡng cho phép bởi vậy cần xây dựng cơ sở dữ liệu làm căn cứ khoa học phục vụ quản lý và quy hoạch phát triển để giảm bụi mịn.
Một trong những nguyên nhân và nguồn gây ô nhiễm môi trường ở Hà Nội là từ việc đốt than tổ ong trong sinh hoạt hằng ngày của một bộ phận nhân dân và hộ kinh doanh dịch vụ.
Từ nay đến ngày 31/12/2020, TP Hà Nội sẽ thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tuyên truyền để thực hiện chuyển đổi việc sử dụng than và bếp than tổ ong sang các loại bếp khác an toàn, thân thiện với môi trường. Đến ngày 1/1/2021, những hành vi gây ô nhiễm môi trường do dùng than tổ ong sẽ chính thức bị xử phạt.
Từ 2016 đến nay, Hà Nội đã triển khai tuyên truyền, nghiên cứu, đánh giá tác động của bếp than tổ ong đối với sức khỏe và môi trường nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của bếp than tổ ong.