Xóa bỏ bếp than tổ ong: Cần phải hành động quyết liệt hơn nữa
Quyết tâm “khai tử” bếp than tổ ong là một trong những nỗ lực của Thủ đô Hà Nội để giảm các nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường, cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ sức khỏe người dân.
Sử dụng bếp than tổ ong vốn là thói quen được hình thành cách đây vài chục năm. Nhiều hộ dân vẫn duy trì thói quen này, mỗi ngày, có thể dùng tới chục viên than. Tuy nhiên, bếp than tổ ong cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người.
Theo phân tích của cơ quan chuyên môn, khi đốt than tổ ong, các khí độc hại như CO, SO2, NOx và bụi (trong đó có bụi mịn PM2.5) sẽ thải ra môi trường. Con người hít phải những loại khí độc này về lâu dài sẽ gây các bệnh về hô hấp, tim mạch, ảnh hưởng chức năng phổi, gây tổn thương hệ thần kinh và suy giảm khả năng miễn dịch.
Nghiên cứu năm 2018 của Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho thấy, lượng bụi mịn PM 2.5 mà người trực tiếp sử dụng bếp than tổ ong hít vào cao hơn 7-8 lần so người đứng cách xa vài mét. Đặc biệt, quá trình đốt than ở trong không gian kín khiến người đun rơi vào nguy cơ rủi ro cho sức khỏe cao hơn khi đốt than ở bên ngoài.
Nhận thức rõ tác hại từ việc sử dụng bếp than tổ ong, từ khi Chỉ thị 15/CT-UBND được ban hành, các cấp chính quyền thành phố đã triển khai tuyên truyền, thông báo trên loa phát thanh nhằm nâng cao nhận thức, vận động hộ gia đình, hộ kinh doanh không sử dụng bếp than tổ ong, chuyển đổi sang loại bếp phù hợp.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tính đến quý III/2020, Hà Nội còn khoảng 11.081 bếp than tổ ong, sau khi đã loại bỏ được 43.411 bếp (giảm 79,66% so với năm 2017). Các địa bàn có tỉ lệ giảm cao nhất là quận Hoàn Kiếm, các huyện Thạch Thất và Sóc Sơn. Trong khi đó, 5 quận, huyện vẫn còn số lượng bếp than ở mức cao nhất, lần lượt là Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa và Đan Phượng.
Việc xuất hiện rải rác bếp than tổ ong tại thời điểm này thường là của các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, buôn bán trên vỉa hè, hộ thuê nhà để kinh doanh, người có thu nhập thấp. Một trong những nguyên nhân là do giá thành than tổ ong thấp, chỉ khoảng 2.000 - 3.000 đồng/viên, khoảng 100.000 - 200.000 đồng/bếp.
Chia sẻ với TTXVN, chị Nguyễn Thị Thu, hộ kinh doanh trên vỉa hè ở quận Long Biên cho biết: “Tôi biết thành phố có chủ trương xóa bỏ bếp than tổ ong vì gây ô nhiễm môi trường nhưng gia đình tôi chưa có điều kiện để mua bếp ga, bếp điện. Với lại chỗ tôi ngồi bán khó kéo dây điện tới, lắp đặt không đơn giản nên giờ tôi vẫn sử dụng bếp than tổ ong để đun, nấu."
Vì thói quen khó bỏ cùng hoàn cảnh gia đình và lợi nhuận kinh tế nên các hộ dân vẫn tiếp tục sử dụng bếp than tổ ong để đun, nấu hàng ngày. Họ muốn sử dụng loại bếp mới, những người kinh doanh than cũng muốn chuyển đổi nghề nghiệp nhưng rất khó, cần sự hỗ trợ của chính quyền. Bên cạnh đó, nhiều người giữ thái độ bảo thủ, tiếp tục sử dụng bếp chui, che đậy bếp để qua mắt cơ quan chức năng mặc dù đã được tuyên truyền, nhắc nhở.
Cho ý kiến về vấn đề này, bà Bùi Thị An – nguyên đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, có thể thấy, chủ trương xóa bỏ bếp than tổ ong của thành phố là hoàn toàn đúng bởi đây là một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường, góp phần làm không khí Thủ đô thời gian qua lên đến mức ô nhiễm báo động, thuộc nhóm hàng đầu thế giới. Với mức độ ô nhiễm của môi trường không khí ở đô thị ngày càng nghiêm trọng, những giải pháp mạnh tay để ngăn chặn hoặc giảm thiểu nguồn phát thải gây ô nhiễm là rất cần thiết và phải làm quyết liệt để đạt được mục tiêu đề ra.
Bà Bùi Thị An cho rằng, để những quyết định đó đạt hiệu quả thực chất và bền vững, các cấp chính quyền cần có những phương án thay thế, hướng dẫn cụ thể để người dân hiểu và đồng lòng thay đổi xóa bỏ bếp than tổ ong. Cụ thể, phải có các giải pháp mềm dẻo, thích hợp để người dân dần thay đổi. Chính quyền cần tuyên truyền, và có những biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ người dân trong việc thay thế bếp than tổ ong.
Hiện nay, nhiều nơi đã có những cách hỗ trợ người dân trong việc mua bếp điện, bếp hồng ngoại thay thế, theo tôi cách làm này vô cùng thiết thực. Quan trọng nhất là người dân cần nâng cao nhận thức xóa bỏ bếp than tổ ong để chung tay bảo vệ môi trường Thủ đô và cũng là bảo vệ chính mình”, bà Bùi Thị An bày tỏ.
Có thể thấy, hiện nay những tác hại mà bếp than tổ ong đem lại là không hề nhỏ nhưng thực tế vẫn đang bị nhiều người dân bỏ qua, chính quyền địa phương cũng gặp những khó khăn trong việc tiếp cận trực tiếp để tuyên truyền vận động người dân. Do đó, để có thể thực hiện mục tiêu loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong, các chuyên gia môi trường cho rằng, Hà Nội cần tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp khác nhau, bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về những tác hại của việc sử dụng bếp than tổ ong, cũng cần đưa ra những chỉ dẫn về một loại bếp đun sạch, bếp cải tiến thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân.
Không chống rét bằng bếp than trong phòng kín
BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc – BV Bạch Mai cho biết, BV từng tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than củi trong phòng kín dẫn đến hôn mê sâu, tử vong.
Theo đó, bản thân CO không màu, không mùi vị nên rất khó phát hiện. Khi hít phải khí CO độc này sẽ nhanh chóng ngấm vào máu và "cướp" mất oxy trong máu, làm nạn nhân đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn, đau ngực và lẫn lộn.
Trường hợp hít phải lượng lớn khí CO có thể bất tỉnh và tử vong rất nhanh, đặc biệt ở phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh tim, phổi mạn tính. Có đến 40% số người bị ngạt khí CO để lại các di chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, cơ mặt liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người.
BS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo người dân tuyệt đối không đốt than, củi để sưởi ấm hoặc nấu nướng trong không gian kín, kể cả dùng khí gas bởi khi đốt, oxy sẽ tiêu hao dần, trong khi CO độc hại hoặc CO2 sẽ ngày càng tăng.
Phản ứng đốt cháy trong điều kiện thiếu oxy sẽ hình thành CO ngày càng nhiều. Hai tác động đồng thời này là nguy cơ khiến những người trong phòng kín nhanh chóng rơi vào cái chết "êm dịu" mà bản thân nạn nhân không hay biết.
Hoài Thu