Chủ nhật, 24/11/2024 09:41 (GMT+7)
Thứ hai, 21/12/2020 06:15 (GMT+7)

Hà Nội liệu có xóa bỏ được bếp than tổ ong?

Theo dõi KTMT trên

Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, đến hết tháng 9/2020, thành phố vẫn còn hơn 11.000 bếp than tổ ong.

Việc sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt hằng ngày đã tạo ra chất thải, khí thải độc gây tác hại trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng và cộng đồng dân cư, ảnh hưởng xấu đến môi trường cũng như an toàn về phòng cháy, chữa cháy.

Đặc biệt, tại Thủ đô Hà Nội, vài năm gần đây, ô nhiễm không khí trở thành nỗi lo lắng của người dân và chính quyền. Việc người dân sử dụng bếp than tổ ong càng làm cho tình hình ô nhiễm thêm nghiêm trọng hơn. Do vậy, hơn lúc nào hết, bếp than tổ ong cần sớm được xóa bỏ trong đời sống của người dân Thủ đô.

Theo số liệu khảo sát của Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), cuối năm 2017, trên địa bàn Thủ đô có khoảng 55.000 chiếc bếp than tổ ong, trong đó 63% số bếp ở khu vực nội thành. Bình quân mỗi ngày, Hà Nội tiêu thụ khoảng 528,2 tấn than với phát thải tương đương 1.870 tấn khí CO2 vào bầu không khí. Điều này có nghĩa là mỗi ngày không khí Thủ đô phải gánh chịu lượng khí thải khổng lồ, dẫn đến một loạt hệ lụy về sức khỏe và môi trường.

Nhận thức rõ sự nguy hại khi sử dụng bếp than tổ ong, đặc biệt nhằm cải thiện chất lượng không khí, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, từ năm 2016, Hà Nội đã đặt mục tiêu đến hết năm 2020 phải xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong, thay thế bằng các bếp cải tiến, sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường. Chủ trương này đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của đa số người dân và xem đây là việc làm tất yếu, cần thiết.

Tính đến tháng 9/2020, toàn TP.Hà Nội đã loại bỏ được 43.411 bếp than tổ ong, tương đương 79% so với kết quả điều tra năm 2017.

Mặc dù số lượng bếp than đã giảm đáng kể, nhưng Hà Nội vẫn chưa đạt được mục tiêu mà thành phố đã đề ra đến hết ngày 31/12/2020 (xóa bỏ hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong để giảm chất ô nhiễm độc hại là CO và bụi mịn PM2.5 vào không khí).

Hà Nội liệu có xóa bỏ được bếp than tổ ong? - Ảnh 1
Đến hết tháng 9/2020, Hà Nội vẫn còn hơn 11.000 bếp than tổ ong.

Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là cán đích mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, đến hết tháng 9/2020, thành phố vẫn còn hơn 11.000 bếp than tổ ong.

Sau ngày 1/1/2021, Công an TP.Hà Nội chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với đối tượng sử dụng bếp than tổ ong theo thẩm quyền và quy định pháp luật.

Theo các chuyên gia, sử dụng bếp than tổ ong tiết kiệm được vài nghìn mỗi ngày, nhưng chi phí bỏ ra để bảo vệ sức khỏe của chính mình và mọi người xung quanh có thể lớn hơn rất nhiều. Chính vì vậy, việc cấm bếp than tổ ong trở thành chủ trương cấp thiết cần triển khai và thực hiện sớm để môi trường không khí cho người dân được trở nên trong sạch.

Trong khi người dân chưa kịp chuyển sang sử dụng bếp thay thế khác, lộ trình chuyển đổi trong hơn 1 năm là vừa phải. Do vậy, cùng với các giải pháp trên, thành phố cần đưa ra những cơ chế để không tăng chi phí chất đốt khi không dùng than tổ ong mà dùng các loại chất đốt khác không ảnh hưởng tới môi trường.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới WHO về ô nhiễm không khí trong nhà năm 2018, trên thế giới có khoảng 3 tỉ người vẫn sử dụng bếp than, củi... trong các hoạt động sưởi ấm, nấu nướng. Hoạt động đốt bếp than tổ ong sẽ thải ra môi trường các chất khí độc hại như: CO, CO2, SO2, Bụi PM... Các khí này cũng trực tiếp tác động xấu đến sức khỏe của con người. Cụ thể: Hít thở phải khí độc CO sẽ gây ra hiện tượng đau đầu, chóng mặt, hoa mắt buồn nôn,...

Nhiễm độc khí CO cũng dẫn tới tình trạng huyết áp cao, thiếu máu cục bộ các bệnh về tim mạch và lâu dài, gây tổn thương tới hệ thần kinh, suy giảm khả năng miễn dịch.

Hít phải khí SO2 sẽ gây dị ứng mũi, họng, đường thở... dẫn đến khó thở, ho, tức ngực. Những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất khi tiếp xúc với SO2 là người bị hen suyễn, những người mắc các bệnh về hô hấp,...

Bụi (PM) thải ra từ quá trình đốt bếp than cũng đi vào đường thở, gây tắc nghẽn, viêm phế quản, hen suyễn và ảnh hưởng tới chức năng phổi, suy giảm khả năng hoạt động tim mạch.

Hà My

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội liệu có xóa bỏ được bếp than tổ ong?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới