Chủ nhật, 24/11/2024 10:46 (GMT+7)
Thứ bảy, 14/12/2019 16:00 (GMT+7)

Xóa bỏ bếp than tổ ong - việc cần làm ngay ở Thủ đô

Theo dõi KTMT trên

Khảo sát tại 600 hộ dân thuộc 3 quận, huyện tại Hà Nội cho thấy cơ cấu sử dụng bếp than tổ ong gồm sinh hoạt hộ gia đình (53%), kinh doanh hàng ăn (31%), quán nước (10%), nấu thức ăn gia súc (6%).

Xóa bỏ bếp than tổ ong - việc cần làm ngay ở Thủ đô - Ảnh 1
Bình quân mỗi ngày, Hà Nội tiêu thụ khoảng 528,2 tấn than. Ảnh minh họa. (Ảnh: Pv/Vietnam+)

Việc sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt hàng ngày đã tạo ra chất thải, khí thải độc gây tác hại trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng và cộng đồng dân cư, ảnh hưởng xấu đến môi trường cũng như an toàn về phòng cháy, chữa cháy.

Đặc biệt, tại Thủ đô Hà Nội, vài năm gần đây, ô nhiễm không khí trở thành nỗi lo lắng của người dân và chính quyền. Việc người dân sử dụng bếp than tổ ong càng làm cho tình hình ô nhiễm thêm nghiêm trọng hơn. Do vậy, hơn lúc nào hết, bếp than tổ ong cần sớm được xóa bỏ trong đời sống của người dân Thủ đô.

Hệ lụy nguy hiểm đến sức khỏe con người

Theo số liệu khảo sát của Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), cuối năm 2017, trên địa bàn Thủ đô có khoảng 55.000 chiếc bếp than tổ ong, trong đó 63% số bếp ở khu vực nội thành.

Bình quân mỗi ngày, Hà Nội tiêu thụ khoảng 528,2 tấn than với phát thải tương đương 1.870 tấn khí C02 vào bầu không khí. Điều này có nghĩa là mỗi ngày không khí Thủ đô phải gánh chịu lượng khí thải khổng lồ, dẫn đến một loạt các hệ lụy về sức khỏe và môi trường.

Khảo sát tại 600 hộ dân thuộc 3 quận, huyện (Đống Đa, Ba Đình, Sóc Sơn) cho thấy cơ cấu sử dụng bếp than tổ ong gồm sinh hoạt hộ gia đình (53%), kinh doanh hàng ăn (31%), quán nước (10%), nấu thức ăn gia súc gia cầm (6%).

Đề cập đến tác hại của việc đốt than tổ ong, các chuyên gia y tế đã nhiều lần khuyến cáo, than tổ ong gây ra không ít trường hợp cấp cứu, tử vong thương tâm do để bếp trong nhà kín gây ngạt khí CO, SO2...

Đáng chú ý, tiếp xúc thường xuyên với khí thải từ than tổ ong còn gây ra các bệnh hô hấp mãn tĩnh như lao, hen suyễn, bệnh phối tắc nghẽn mạn tính hoặc những tổn thương về cơ tim và hệ thần kinh.

Nghiên cứu năm 2018 của Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường trực thuộc trường Đại học Bách khoa Hà Nội (INEST) và Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng chỉ rõ lượng bụi mịn PM2.5 mà người trực tiếp sử dụng bếp than tổ ong đun nấu cao hơn 7-8 lần so với người đứng cách xa vài mét, dẫn đến nguy cơ phơi nhiễm cao hơn.

Thí điểm sử dụng bếp cải tiến, thân thiện với môi trường

Nhận thức rõ sự nguy hại khi sử dụng bếp than tổ ong, đặc biệt nhằm cải thiện chất lượng không khí, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, từ năm 2016, Hà Nội đã đặt mục tiêu đến hết năm 2020 phải xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong, thay thế bằng các bếp cải tiến, sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường.

Chủ trương này đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của đa số người dân và xem đây là việc làm tất yếu, cần thiết.

Xóa bỏ bếp than tổ ong - việc cần làm ngay ở Thủ đô - Ảnh 2
Khu vực trung tâm Thủ đô luôn trong tình trạng mù mịt, tầm nhìn xa hạn chế. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Là đơn vị được thành phố giao làm đầu mối thực hiện nhiệm vụ này, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tiến hành đánh giá hiện trạng, triển khai các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, tìm kiếm các giải pháp thay thế than tổ ong đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Năm 2018, Sở đã thực hiện thí điểm sử dụng bếp và nhiên liệu thân thiện với môi trường tại hai quận Hoàn Kiếm và Ba Đình; đồng thời phối hợp cùng nhiều doanh nghiệp sản xuất bếp cải tiến giới thiệu các mẫu bếp thay thế cho người dân. Theo đó, các hộ dân tham gia chương trình được hỗ trợ 1 tháng dùng thử bếp cải tiến miễn phí và hỗ trợ từ 10-40% kinh phí mua bếp.

Quận Hoàn Kiếm có 300 hộ dân được chọn hỗ trợ sử dụng phương pháp bếp mới này. Bếp than cũ bị đập bỏ hoặc làm thành các chậu hoa đặt tại các trường học để học sinh nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường.

Đại diện phòng Tài nguyên và Mội trường quận Hoàn Kiếm cho biết đến tháng 10/2019, quận Hoàn Kiếm đã giảm 65,5% số bếp than tổ ong so với đầu năm 2018.

Còn tại quận Ba Đình, việc vận động người dân không dùng bếp than tổ ong và chương trình đổi bếp đã giúp giảm trên 2.000 bếp trên tổng số 3.950 bếp tại địa bàn quận.

Kết quả ban đầu là vậy, song theo chia sẻ của đại diện một số địa phương của Hà Nội, việc xóa bỏ số lượng bếp than tổ ong còn lại thực sự là thách thức. Bởi hiện nay, số lượng bếp than tổ ong mới giảm được khoảng 59,8% so với năm 2017, vẫn còn khoảng 22.100 bếp cần xóa bỏ trong những năm tiếp theo.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Dạo qua khu trung tâm phố cổ vào các giờ cao điểm như Lò Đúc, Hàng Cót, Hàng Gai, khu vực gầm Cầu, Chợ Hàng Da hay ở một số chung cư cũ, các khu lao động nghèo rất dễ bắt gặp hình ảnh bếp than tổ ong đang cháy đỏ rực được để chơ vơ hoặc quây sơ sài bằng những tấm bìa ngay trên vỉa hè, gốc cây hoặc chân cột điện phục vụ việc kinh doanh hàng ăn, bán trà đá của người dân.

Một số người dân cho biết mặc dù họ đều nhận thức được sự nguy hại mà bếp than tổ ong gây ra nhưng vì thói quen và lợi ích kinh tế nên vẫn tiếp tục sử dụng loại bếp này.

Có một thực tế rằng những người chịu tổn hại nhất khi sử dụng bếp than tổ ong lại là những người nghèo, có thu nhập thấp.

Song, không có nghĩa là mọi hộ gia đình, hộ kinh doanh đang sử dụng bếp than tổ ong đều không có khả năng chi trả cao hơn cho các loại bếp thay thế. Điều này cho thấy nhận thức của người dân về tác hại của ô nhiễm môi trường và trách nhiệm cộng đồng còn chưa rõ ràng.

Dù còn vấp phải sự phản đối của một số hộ dân, song không thể để ô nhiễm môi trường từ bếp than tổ ong làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của đại bộ phận người dân. Vì vậy, ngày 30/10, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc "xóa sổ" toàn bộ bếp than tổ ong trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho rằng để việc xóa bỏ bếp than tổ ong theo đúng yêu cầu của thành phố tại Chỉ thị số 15 (chấm dứt vào ngày 31/12/2020) cần có sự quyết tâm, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị các cấp.

Đặc biệt, cần có sự chung tay, đồng hành của các tổ chức trong nước, quốc tế, các viện nghiên cứu nhằm huy động nguồn lực về tài chính và kỹ thuật; xây dựng thể chế, chính sách cũng như ứng dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến thay thế bếp than tổ ong.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trong tháng 12/2019, Sở tổ chức tập huấn chuyên sâu cho toàn bộ cán bộ Ủy ban Nhân dân các quận, huyện để các địa phương tự xây dựng kế hoạch thay thế và loại bỏ bếp than tổ ong phù hợp trước ngày 31/12.

Buổi tập huấn có sự tham gia của các chuyên gia quốc tế UK, nhiều tổ chức bảo bệ môi trường trong nước như Live&Learn, Green Hub nhằm cung cấp các công cụ, mô hình định lượng LEAP IBC để địa phương có thể nạp số liệu cơ bản, từ đó tính được tác động của việc sử dụng bếp than tổ ong, đưa ra giải pháp, hành động và khuyến cáo một cách khoa học.

Thành phố dự kiến sẽ phê duyệt cơ chế ưu đãi cho việc chuyển đổi bếp than tổ ong trước ngày 30/6/2020. Trong đó, thành phố có cơ chế hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho các cơ sở sản xuất than và bếp than tổ ong; cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, phân phối bếp thân thiện với môi trường; chính sách hỗ trợ người nghèo chuyển đổi sang sử dụng bếp thân thiện với môi trường.

Sau ngày 1/1/2021, Công an thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với đối tượng sử dụng bếp than tổ ong theo thẩm quyền và quy định pháp luật.

Theo các chuyên gia, chủ trương xóa bỏ bếp than tổ ong từ năm 2020 của thành phố Hà Nội là hoàn toàn đúng bởi đây là một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường khiến bầu không khí Thủ đô thời gian qua lên đến mức ô nhiễm thuộc nhóm đầu thế giới.

Trong khi người dân chưa kịp chuyển sang sử dụng bếp thay thế khác, lộ trình chuyển đổi trong khoảng hơn 1 năm là vừa phải. Do vậy, cùng với các giải pháp trên, thành phố cần đưa ra những cơ chế để không tăng chi phí chất đốt khi không dùng than tổ ong mà dùng các loại chất đốt khác không ảnh hưởng tới môi trường.

Dẫu biết bếp than tổ ong gây nhiều tác hại đến môi trường; chế tài xử lý cũng đã được ban hành và đang trong quá trình thực hiện nhưng cũng phải nhìn nhận một thực tế để thành phố không còn khói than tổ ong là một việc làm rất khó.

Điều đó đòi hỏi sự quyết tâm của chính quyền cơ sở trong việc tuyên truyền, xử lý hộ dân cố tình không chấp hành quy định của thành phố. Mặt khác, người dân cần nâng cao nhận thức xóa bỏ bếp than tổ ong để chung tay bảo vệ môi trường Thủ đô và cũng là bảo vệ chính mình.

Bạn đang đọc bài viết Xóa bỏ bếp than tổ ong - việc cần làm ngay ở Thủ đô. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới