Chủ nhật, 24/11/2024 05:44 (GMT+7)
Thứ tư, 02/08/2023 14:59 (GMT+7)

Tháng 8, bão/áp thấp nhiệt đới xuất hiện khả năng ảnh hưởng tới miền Bắc

Theo dõi KTMT trên

Dự báo, khoảng 2-3 cơn trên khu vực Biển Đông sẽ xuất hiện trong tháng 8 và có thể ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong tháng 8, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện từ 2-3 cơn trên khu vực Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.

Trong khi đó, khu vực Bắc Bộ tại tháng 8 tiếp tục xuất hiện nắng nóng đan xen với các đợt mưa. Nắng nóng có khả năng kéo dài trong nửa đầu tháng, trong đó có những ngày nắng nóng gay gắt.

Tại khu vực Trung Bộ nắng nóng có khả năng kéo dài trong nửa đầu tháng, có thể xảy ra những ngày có nắng nóng gay gắt; nửa cuối tháng nắng nóng có xu hướng giảm hơn so với thời kỳ nửa đầu tháng.

Cũng trong tháng này, lượng mưa tại khu vực Bắc Bộ phổ biến ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 10-25%, riêng Lai Châu - Điện Biên ở mức xấp xỉ; khu vực Trung Bộ thấp hơn từ 15-30%; Tây Nguyên và Nam Bộ ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Tháng 8, bão/áp thấp nhiệt đới xuất hiện khả năng ảnh hưởng tới miền Bắc - Ảnh 1
Hiện ở vùng biển phía đông Đài Loan có một cơn bão (bão Khanun) đang hoạt động, với sức gió mạnh cấp 5 (50m/s), giật trên cấp 17 (70m/s). (Ảnh internet)

Theo cơ quan khí tượng, trong tháng 8, nhiệt độ ở Tây Nguyên và Nam Bộ cao hơn 0,5 độ so với trung bình nhiều năm.

Thời kỳ này, gió mùa Tây Nam ở phía Nam có thể gây ra nhiều ngày mưa rào và giông ở Tây Nguyên và Nam Bộ, cục bộ có ngày xuất hiện mưa giông mạnh kèm mưa lớn. Mưa tập trung nhiều vào thời điểm chiều tối. Lượng mưa ở khu vực này xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Đáng lưu ý, hiện tượng mưa giông lốc, sét, có thể kèm theo mưa đá vẫn tiếp tục xuất hiện trên phạm vi toàn quốc, có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất và các hoạt động dân sinh.

Ngoài ra, trong thời kỳ này, dải hội tụ nhiệt đới tiếp tục hoạt động, khả năng hình thành áp thấp nhiệt đới/bão trên Biển Đông. Dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh sẽ gây gió mạnh và sóng lớn trên các vùng biển phía Nam.

Đặc biệt, cơ quan khí tượng cảnh báo, bước vào mùa mưa bão, dải hội tụ nhiệt đới tiếp tục hoạt động và có khả năng hình thành áp thấp nhiệt đới, bão trên Biển Đông. Dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh sẽ gây gió mạnh, sóng lớn trên các vùng biển phía Nam.

Do vậy, trong các hoạt động hàng hải, đánh bắt hải sản, ngư dân cần chú ý đề phòng nguy hiểm đến tính mạng con người và tài sản.

Ngoài ra, trên phạm vi toàn quốc tiếp tục xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất và các hoạt động dân sinh.

Trước đó, tháng 7 đã xuất hiện 2 cơn bão trên khu vực Biển Đông là cơn bão số 1 (TALIM) và cơn bão số 2 (DOKSURI). 

Trong đó, cơn bão số 1 (TALIM) đổ bộ vào khu vực phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) ngày 18/7, sau đó đi dọc theo biên giới Việt-Trung và suy yếu thành một vùng thấp trên khu vực các tỉnh Cao Bằng-Lạng Sơn vào chiều tối ngày 19/7.

Cơn bão số 2 (DOKSURI) hình thành từ một áp thấp nhiệt đới ngoài khơi Philippines, mạnh lên thành siêu bão trước khi đi vào khu vực Đông Bắc Biển Đông. Tuy nhiên, cơn bão này không ảnh hưởng đến đất liền nước ta.

Hiện ở vùng biển phía đông Đài Loan có một cơn bão (bão Khanun) đang hoạt động. Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA), bão Khanun đang mạnh cấp 5 (50m/s), giật trên cấp 17 (70m/s).

Trong những ngày tới bão Khanun giữ nguyên cường độ, di chuyển theo hướng Tây Bắc, hướng vào vùng biển phía bắc Đài Loan và phía đông của tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Sau đó bão sẽ đổi hướng, di chuyển theo hướng Đông Bắc, chạy dọc theo vùng biển tỉnh Chiết Giang.

Nhận định về tình hình thời tiết những tháng tới, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết, dự báo hiện tượng El Nino sẽ tiếp tục phát triển từ tháng 6 cho tới hết năm 2023 và duy trì đến năm 2024 với xác suất khoảng 80-90%. Thời gian đỉnh điểm của El Nino có thể xảy ra trong mùa 3 tháng từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024 với xác suất El Nino có cường độ mạnh.

Ngoài ra, hoạt động của bão/áp thấp nhiệt đới có thể không nhiều nhưng tập trung nhiều vào giữa mùa, tính chất dị thường hơn, cả về cường độ và quỹ đạo. Điều đáng lưu ý là El Nino thường gây thâm hụt lượng mưa ở đa phần diện tích cả nước với mức phổ biến từ 25 đến 50%.

Vì thế nguy cơ cao xảy ra khô hạn cục bộ , hoặc diện rộng ở những nơi có nhu cầu dùng nước nhiều cho sản xuất và sinh hoạt, trong các tháng mùa khô năm 2023, đề phòng tình trạng ít mưa dẫn đến tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước trong những tháng đầu năm 2024 trên phạm vi toàn quốc.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tháng 8, bão/áp thấp nhiệt đới xuất hiện khả năng ảnh hưởng tới miền Bắc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới