Thăng trầm cổ phiếu S99
Cổ phiếu S99 đang giao dịch dưới mệnh giá và liên tục lao dốc những phiên gần đây, bất chấp kết quả kinh doanh quý I tăng trưởng mạnh.
Ngày giao dịch 11/6, thị trường dao động quanh tham chiếu gần như suốt phiên. Tuy nhiên, sự suy yếu về cuối khiến thị trường đóng cửa giảm nhẹ. VN-Index giảm 0,83 điểm, về 962,07 điểm. HNX - Index đóng cửa ở mức 103,95 điểm, giảm 0,04 điểm, tương đương 0,04%.
Thị trường diễn biến giằng co với sự phân hoá mạnh của các cổ phiếu vốn hoá lớn. Chốt phiên, SAB giảm 2,1%, VNM giảm 1,1%, VIC giảm 0,5%, MSN giảm 0,8%, VHM giảm 0,1%... Ngược hướng thị trường, một số bluechips như BVH, FPT, GAS, HPG, REE, VCB, HVN, VRE, PNJ, MWG, BID… tăng khá tốt.
Mã S99 của Công ty cổ phần SCI (trước đây là Công ty cổ phần Sông Đà 909) có ngày giảm thứ 4 liên tiếp, mất 3,2%, còn 8.900 đồng/cổ phiếu, tương ứng mỗi cổ phiếu mất 300 đồng. Tính chung từ ngày 4 – 11/6, giá cổ phiếu S99 mất 11%, tức 1.100 đồng mỗi cổ phiếu, đồng nghĩa với việc khoảng 44 tỉ đồng vốn hóa thị trường này bị thổi bay.
SCI E&C - công ty con của SCI thi công công trình thuộc Dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1. (Ảnh: SCI)Giá cổ phiếu S99, Sông Đà 909, Công ty cổ phần SCI |
Cổ phiếu S99 bắt đầu lao dốc từ 5/6 sau chuỗi 4 phiên tăng trưởng mạnh, trong đó có hai phiên tăng trần liên tiếp với mức tăng lần lượt 9,6% và 9,8% vào các ngày 3/6 và 4/6.
Mã S99 của SCI niêm yết ngày 6/12/2006, sau phiên chào sàn với giá 29.400 đồng/cổ phiếu đã chứng kiến sự tăng tốc mạnh mẽ, có lúc vượt lên mức 418.000 đồng/cổ phiếu (ngày 16/10/2007) tạo hiệu ứng lạc quan trên thị trường.
Tuy nhiên, từ 2011, cổ phiếu S99 bắt đầu giảm và liên tục bắt đáy. Nhiều thời điểm, giá một cổ phiếu S99 chỉ ngang bằng 1 cốc trà đá. Vào tháng 4 năm ngoái, mã S99 bị đưa vào diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế công ty mẹ năm 2017 âm.
Báo cáo tài chính cho thấy, giai đoạn 2006 – 2009, lãi ròng S99 tăng trưởng khá tốt, từ 3,2 tỉ đồng năm 2006 lên 19,7 tỉ đồng năm 2007, lên 16,8 tỉ đồng năm 2008 và đạt 22,6 tỉ đồng năm 2009.
Tuy nhiên, từ 2011, lợi nhuận S99 lao dốc, xuống 321 triệu đồng, 2,1 tỉ đồng, 2,3 tỉ đồng, lần lượt vào các năm 2011, 2012 và 2013. Cùng với giảm sút về lợi nhuận, giá cổ phiếu S99 cũng liên tục đổ đèo, sa sút cho đến nay.
Tình hình kinh doanh của S99 giai đoạn này cũng gây nhiều thất vọng. Năm 2013, S99 thậm chí phải dừng đầu tư hai dự án là Dự án đầu tư cải tạo xây dựng lại nhà A2, B1, B2, B3 khu tập thể Ngọc Khánh và Dự án cải tạo xây dựng lại khu tập thể Vĩnh Hồ - Quận Đống Đa - Hà Nội.
Được biết, lãnh đạo S99 thời kỳ này là ông Phan Văn Hùng. Ông Hùng giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc S99 từ tháng 4/2007. Tháng 1/2013 ông Hùng thôi làm Tổng giám đốc và tháng 3/2014 tiếp tục thôi làm Chủ tịch Hội đồng quản trị S99.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019, S99 tăng trưởng 209% doanh thu và 256,3% lợi nhuận so với cùng kỳ 2018, đạt lần lượt các mức 480,7 tỉ đồng và 25,3 tỉ đồng. Nguyên nhân được S99 lý giải nhờ hoạt động xây lắp tăng trưởng tốt và áp dụng các chính sách nâng cao chất lượng nhân sự, tinh gọn bộ máy, tiết kiệm chi phí.
Từ lỗ 4,8 tỉ đồng thành lãi hơn nửa tỉ đồng Quý II/2011 (năm 2011 là năm khó khăn cực điểm của S99), báo cáo tài chính S99 ghi nhận lỗ 4,8 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau soát xét, doanh nghiệp bất ngờ lãi 622 triệu đồng, chênh lệch hơn 5,4 tỉ đồng. Lý do, theo giải trình của ông Phan Văn Hùng, Tổng giám đốc S99, do doanh thu xây lắp công trình thủy điện Sơn La (hạng mục gia cố mái đào và thu dọn lòng kênh) tại thời điểm lập báo cáo kết quả kinh doanh quý II mới tạm hạch toán doanh thu theo khối lượng hoàn thành trước ngày 30/6 theo đơn giá tạm tính. Đến ngày 22/7/2011, đơn vị mới ký xong được phiếu giá thanh toán khối lượng xây lắp hoàn thành với chủ đầu tư, đơn giá của phiếu giá được tính theo giá dự toán được duyệt và giá trị phiếu giá lớn hơn giá trị tạm tính. Do đó khi lập báo cáo bán niên, đơn vị hạch toán bổ sung phần doanh thu còn thiếu so với phiếu giá được duyệt dẫn đến doanh thu thuần tăng tương ứng. Bên cạnh đó, tổng chi phí kinh doanh giảm 2,2 tỉ đồng. Nguyên nhân là do đơn vị tính toán lại các khoản mục chi phí như chi phí lán trại thi công tại công trình Lai Châu, chi phí mua bảo hiểm xe máy công trình vào chi phí chờ phần bổ dần theo đúng thời gian thực vào chi phí kinh doanh và điều chỉnh giảm chi phí tiền lương phân bổ quá vào chi phí công trình so với lương thực trả. |
Theo VTC