Thứ tư, 18/12/2024 11:43 (GMT+7)
Thứ sáu, 06/12/2024 15:00 (GMT+7)

Thanh Hóa: Chính quyền vào cuộc sau khi có phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường

Theo dõi KTMT trên

Sau khi nhận được phản ánh từ người dân và cơ quan báo chí về việc hàng nghìn con gà mái đẻ trứng được nuôi tập trung tại khu dân cư gây ô nhiễm môi trường và làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân, UBND xã Đại Lộc đã lập tức vào cuộc.

Mô hình chăn nuôi hộ gia đình hiện đang góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại các vùng nông thôn, giúp họ tăng thêm nguồn thu, cải thiện mức sống. Chăn nuôi theo mô hình hộ gia đình còn góp phần tích cực vào việc giảm nghèo và phát triển toàn diện kinh tế địa phương. Tuy nhiên, để việc chăn nuôi được ổn định và phát triển bền vững thì ngoài việc đảm bảo các yếu tố, điều kiện khác, việc đảm bảo vệ sinh môi trường nhằm bảo vệ sức khoẻ cho chính các hộ chăn nuôi và người dân xung quanh là rất quan trọng.

Thanh Hóa: Chính quyền vào cuộc sau khi có phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường - Ảnh 1
Hàng nghìn con gà mái đẻ được nuôi trong chuồng trại giữa khu dân cư khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng không nhỏ.

Nhận được phản ánh của người dân tại khu tái định cư thôn Phú Lý, xã Đại Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) về việc khu chuồng trại chăn nuôi gà của gia đình bà Trịnh Thị Chung phát tán mùi hôi và tiếng ồn, làm ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống hàng ngày của họ, phóng viên đã tìm hiểu, ghi nhận thực tế.

Qua ghi nhận cho thấy, khu chuồng trại chăn nuôi của gia đình bà Trịnh Thị Chung rộng 300m2, hiện đang nuôi hàng nghìn con gà mái đẻ trứng. Tiếng quạt hút mùi thông gió chạy rầm rầm kéo theo mùi hôi khó chịu toả ra môi trường phía bên ngoài chuồng trại. Cùng với đó, tiếng kêu của hàng nghìn con gà mái đẻ phát ra inh tai. Điều đáng nói là khu chuồng trại 300m2 này lại được gia đình bà Chung xây dựng trên những lô đất tái định cư, thuộc khu tái định cư thôn Phú Lý, xã Đại Lộc và nằm giữa khu dân cư (?).

Không khỏi bức xúc trước mùi hôi và tiếng ồn từ khu chuồng trại chăn nuôi, một nhân viên gara ô tô gần cạnh đó cho biết: “Khu chăn nuôi của gia đình bà Chung đã đi vào hoạt động được 2-3 tháng nay và bốc lên mùi hôi thối, đặc biệt là phía sau quạt hút gió. Đến tối mùi hôi càng nồng nặc hơn, còn giữa trưa thì tiếng gà kêu như giàn nhạc”. Cũng trong tâm tâm trạng bức xúc, một người dân khác xin được giấu tên, bày tỏ: “Cũng lạ, có hôm không thấy có mùi, nhưng có hôm mùi bốc lên không thở được, tôi cứ phải đóng kín cửa, đặc biệt là những hôm có mưa sau đó trời nắng lên”.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Ngọc Đức - Chủ tịch UBND xã Đại Lộc cho hay: "Cơ sở này chưa đăng ký môi trường và hôm qua xã mới nắm được thông tin là gia đình họ nuôi gà đẻ, lâu nay cứ tưởng họ nuôi gà con (gà giống)". Ông Đức cũng khẳng định việc chăn nuôi như vậy trong khu dân cư là không được phép.

Ngay sau khi nhận được phản ánh từ phía người dân và phóng viên, UBND xã Đại Lộc đã lập tức thành lập đoàn xuống kiểm tra khu chăn nuôi của gia đình bà Trịnh Thị Chung vào chiều ngày 02/12/2024.

Thanh Hóa: Chính quyền vào cuộc sau khi có phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường - Ảnh 2
Biên bản kiểm tra môi trường của UBND xã Đại Lộc đối với việc chăn nuôi gà của gia đình bà Chung.

Qua biên bản kiểm tra môi trường cho thấy, tại khu tái định cư thôn Phú Lý, bà Trịnh Thị Chung đã xây chuồng trại chăn nuôi gà đẻ. Diện tích chuồng 300m2, số lượng nuôi 1.800 con gà đẻ trứng. Khu vực xây dựng chuồng nuôi của gia đình bà Chung hiện quy hoạch đất ở, khu dân cư tập trung không được phép chăn nuôi. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu gia đình bà Chung có biện pháp chuyển đổi mô hình, không được phép chăn nuôi trong khu vực dân cư, di rời chuồng nuôi ra khỏi khu dân cư…

Thanh Hóa: Chính quyền vào cuộc sau khi có phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường - Ảnh 3
Khu chăn nuôi của gia đình bà Chung nhìn từ phía ngoài (đằng sau).

Qua đây cho thấy chính quyền xã Đại Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) đã rất kịp thời vào cuộc trước những bức xúc của người dân cũng như phản ánh của cơ quan báo chí. Tuy nhiên, việc giải quyết dứt điểm vấn đề nêu trên để đem lại cuộc sống bình yên cho người dân xung quanh khu vực chăn nuôi cũng như nhằm bảo vệ tốt môi trường là rất cần thiết và cần được thực hiện triệt để.

Theo Luật chăn nuôi 2018 và Nghị định 13/2020/NĐ-CP, điều kiện chăn nuôi hộ gia đình bao gồm: Chuồng nuôi phải tách biệt với nơi ở của người; không gây ô nhiễm, mất vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người và vật nuôi; phù hợp với quy hoạch, quy chuẩn kỹ thuật và quy định của cơ quan có thẩm quyền; định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi; thực hiện các biện pháp phòng ngừa và xử lý dịch bệnh theo quy định của pháp luật về thú y; thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi, xác vật nuôi và chất thải chăn nuôi khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; không xả thải ra môi trường hoặc xử dụng làm phân bón trái phép…

Về trách nhiệm của người chăn nuôi hộ gia định: Phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và các quy định khác có liên quan; phải bảo đảm vệ sinh, không gây ô nhiễm tiếng ồn, phát tán mùi khó chịu; chất thải từ hoạt động chăn nuôi phải được thu gom, xử lý theo quy định; phải chi trả kinh phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải theo quy định…

Đình Đông

Bạn đang đọc bài viết Thanh Hóa: Chính quyền vào cuộc sau khi có phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới