Chủ nhật, 24/11/2024 05:03 (GMT+7)
Thứ năm, 08/09/2022 16:05 (GMT+7)

Thanh Hóa: Khai thác cát trái phép, Công ty Quỳnh Phương bị xử phạt hơn 400 triệu đồng

Theo dõi KTMT trên

Công ty TNHH Quỳnh Phương Quan Sơn vừa bị xử phạt hơn 400 triệu đồng về khai thác cát trái phép trên sông Lò, đoạn chảy qua bản Bon (Km39), TT Sơn Lư, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền hơn 400 triệu đồng đối với Công ty TNHH Quỳnh Phương Quan Sơn, địa chỉ tại Khu 5, TT. Sơn Lư, huyện Quan Sơn (Thanh Hoá) về hành vi Khai thác cát, sỏi ngoài hành lang bảo vệ luồng, phạm vi luồng mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và tịch thu phương tiện vi phạm.

Trước đó, Công ty TNHH Quỳnh Phương Quan Sơn được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp quyền khai thác thời hạn 03 năm từ ngày 15/01/2018 đến 15/01/2021 tại mỏ cát trên sông Lò, ở bản Bon (Km39), xã Sơn Lư (nay là thị trấn Sơn Lư), huyện Quan Sơn. 

Hiện mỏ cát này đã hết hạn quyền khai thác nhưng trong năm 2021 Công ty Quỳnh Phương vẫn lợi dụng để khai thác cát trái phép trên sông Lò, đoạn chảy qua bản Bon (Km39), TT. Sơn Lư, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá.

Theo Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Thanh Hóa, trong khoảng thời gian từ tháng 4/2021 đến tháng 1/2022, Công ty Quỳnh Phương đã khai thác trái phép khoảng 320 m3 cát, sỏi. Với hành vi vi phạm nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã ra Quyết định xử phạt số 2379/QĐ-XPHC, đồng thời tịch thu phương tiện vi phạm là máy xúc và toàn bộ khoáng sản được quy đổi thành tiền đối với Công ty TNHH Quỳnh Phương Quan Sơn. Tổng số tiền phạt là 404.880.000 đồng.

Thanh Hóa: Khai thác cát trái phép, Công ty Quỳnh Phương bị xử phạt hơn 400 triệu đồng - Ảnh 1
Điểm tập kết cát của Công ty TNHH Quỳnh Phương Quan Sơn tại TT Sơn Lư, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá. (Ảnh internet)

Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Trưởng ban Nghiên cứu Khoa học, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) cho biết, hoạt động khai thác trái phép cát đương nhiên không đáp ứng các yêu cầu về khảo sát, xin cấp phép, không có nghiên cứu kỹ lưỡng về tác động của hoạt động này đối với địa hình, địa chất, hình thái của lòng sông, chế độ dòng chảy, diễn biến lòng, bờ, bãi sông không có các phương án bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ…

Hoạt động này gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như làm gia tăng nguy cơ mất ổn định bờ sông; Sạt lở bờ, bãi ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt sản xuất hoa màu; Đe dọa đến an toàn đê điều, tính mạng, tài sản và an toàn của người dân; Suy giảm mực nước sông trong mùa cạn…

“Cần phải chấm dứt các hoạt động khai thác trái phép bằng cách nâng cao hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương. Thậm chí có những chế tài quy định trách nhiệm, xử lý người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm trong địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ nêu quan điểm.

Phát biểu tại tọa đàm trực tuyến “Tăng cường quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông”, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách pháp chế (Tổng cục địa chất và khoáng sản Việt Nam) Nguyễn Công Thủy cho biết, Nghị định số 23 quy định về quản lý khai thác cát sỏi và bảo vệ lòng sông, Nghị định có hiệu lực từ 10/4/2020.

Nghị định 23 ra đời cùng với Luật Khoáng sản, văn bản dưới luật, chế tài xử phạt... đã hạn chế rất nhiều số lượng vụ khai thác trái phép. Cơ chế quản lý khai thác cát sỏi lòng sông ngày càng chặt chẽ.

Theo đó, Nghị định đã ban hành 5 chính sách lớn quy định trách nhiệm bộ ban ngành, đặc biệt là địa phương trong cấp phép khai thác cát sỏi lòng sông. Tuy nhiên, vì nhu cầu cát sỏi lòng sông rất lớn nên hiện nay vẫn diễn ra tình trạng khai thác trái phép, chính vì thế gây ra hệ luỵ về môi trường, thất thu ngân sách... 

Trước thực trạng khai thác trái phép vẫn diễn ra nhức nhối, gây thất thoát tài nguyên và sạt lở bờ sông hiện nay, theo TS Mai Thế Toản - Phó Viện trưởng Viện chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường, khai thác cát sỏi lòng sông dẫn đến 4 tác động cơ bản đối với môi trường xã hội. Đầu tiên là về tác động vật lý, tức là sẽ làm thay đổi dòng chảy, dẫn đến sạt lở.

Tác động thứ 2 là tác động sinh học, việc khai thác sẽ làm thay đổi môi trường dòng chảy, làm thay đổi dòng thủy sinh từ đáy dưới sông cho đến hệ thực vật ven bờ.

Thứ 3 là tác động hóa học, như ô nhiễm môi trường nước, kể cả nước ngầm, bởi khi khai thác vượt quá mức cho phép có thể phá vỡ ranh giới giữa nước mặn và nước ngầm, làm ảnh hưởng đến mạch nước ngầm.

Tiếp theo là tác động đến hạ tầng cơ sở, đường sá, đê điều, cầu cống, dẫn đến ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của dân cư… Những tác động này khó đảo ngược kể cả khai thác trái phép và khai thác có phép. Do đó, vấn đề đặt ra là phải quản lý như thế nào từ quản lý vĩ mô đến cấp phép.

Theo thống kê, toàn thế giới hàng năm tiêu thụ khoảng 50 tỷ tấn cát, con số này sẽ tiếp tục gia tăng, điều này gây áp lực rất lớn đến tài nguyên của chúng ta.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Cao Sơn Hà, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai cho biết, hành vi khai thác cát, sỏi trái phép nếu cấu thành tội phạm theo Điều 227 (tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên) và Điều 238 (tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông) Bộ luật Hình sự năm 2015 sẽ bị phạt tiền tới 5 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng tới 7 năm.

Cụ thể, Khoản 1, Điều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào vi phạm quy định về khai thác tài nguyên trong đất liền, nội thủy  mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300 triệu đến 1,5 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: thu lợi bất chính khoáng sản trị giá từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Tại Khoản 2, Điều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1,5-5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác 500 triệu đồng trở lên; khoáng sản trị giá 1 tỷ đồng trở lên; có tổ chức; gây sự cố môi trường; làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.

Để tránh tình trạng xử lý các đối tượng khai thác cát trái phép như “bắt cóc bỏ dĩa” hiện nay, theo luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai), cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng và chính quyền địa phương, ngoài tăng cường tuần tra, kiểm soát trên sông, xử phạt nghiêm đối với hành vi khai thác cát trái phép. Bên cạnh đó, cũng cần xử phạt các bến bãi thu mua cát của đối tượng khai thác trái phép nhằm mục đích răn đe, ngăn chặn các hành vi khai thác, mua bán cát, sỏi trái phép diễn ra tràn lan, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên, khoáng sản trên các sông, suối.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Thanh Hóa: Khai thác cát trái phép, Công ty Quỳnh Phương bị xử phạt hơn 400 triệu đồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới