Chủ nhật, 24/11/2024 06:21 (GMT+7)
Thứ năm, 28/04/2022 10:00 (GMT+7)

Bình Dương: Núp bóng ‘rửa cát’ đề khai thác cát lậu?

Theo dõi KTMT trên

Lợi dụng giấy phép kinh doanh vật liệu xây dựng, một hộ kinh doanh tại huyện Phú Giáo, Bình Dương đưa phương tiện cơ giới vào thực hiện đào mương dẫn nước để phục vụ hoạt động hút, rửa và vận chuyển cát đi tiêu thụ.

“Rửa cát” hay khai thác cát trái phép?

Thời gian vừa qua, nhiều hộ dân sống tại ấp Bàu Càm, xã An Long, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương liên tục phản ánh về tình trạng một hộ kinh doanh núp bóng hoạt động “rửa cát” để khai thác cát.

Phản ánh với báo chí, người dân cho biết: Thời gian qua, công trường “rửa cát” của một hộ kinh doanh có nhiều điểm bất thường. Họ lợi dụng danh nghĩa “rửa cát” nhưng thực chất là để hút cát trên phần đất sình lầy có vị trí tiếp giáp với suối Cái.

Hàng ngày, họ chở 1 xe đất vào bên trong công trường để “rửa” thì sau đó có 3 xe tải chở cát ra ngoài đưa đi tiêu thụ. Ngoài ra, người dân còn rất lo lắng hoạt động hút “rửa cát” để lại những hố sâu, về lâu về dài đất của gia đình ông bị sạt lở, gây mất diện tích canh tác.

Theo tìm hiểu, khu vực người dân phản ánh có hoạt động “rửa cát” nằm tại thửa đất số 233, tờ bản đồ số 9, tại tổ 10, ấp Bàu Càm, xã An Long, có diện tích khoảng hơn 2 ha và nằm tiếp giáp với suối Cái.

Ngày 28/12/2021, Phòng Tài chính Kế hoạch huyện Phú Giáo cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho ông Tô Khánh Huy (30 tuổi, quê Gia Lai). Ngành nghề được cấp phép là mua bán cát, đá, xi măng, sàn cát, rửa cát, rửa đất, san lấp mặt bằng… Địa chỉ trụ sở hộ kinh doanh được cơ quan chức năng cấp phép tọa lạc tại thửa đất đã nêu trên. Cùng ngày, ông Nguyễn Hoàng Phú làm hợp đồng với ông Tô Khánh Huy để thuê lại thửa đất này, thời gian thuê đất là 20 năm.

Dựa trên cơ sở này, từ tháng 12/2021 đến giữa tháng 4/2022, ông Nguyễn Hoàng Phú triển khai việc xây dựng công trường “rửa cát”. Để có nước phục vụ cho việc rửa cát, chủ cơ sở đào 1 con mương dài hàng chục mét đấu nối với suối Cái dẫn nước vào công trường rồi đặt nhiều máy bơm có công suất lớn cắm vòi hút vào lòng đất để bơm cát lên cho chảy vào hệ thống lưới lọc.

Bình Dương: Núp bóng ‘rửa cát’ đề khai thác cát lậu? - Ảnh 1
Hiện trường vụ việc (Ảnh: Báo Bình Dương).

Sau nhiều tháng “rửa cát” theo kiểu này, hiện tại công trường đã xuất hiện nhiều hố sâu, cát được chất thành đống và địa hình khu đất cũng bị biến dạng. Cát sau khi được hút, rửa, ông Phú sử dụng nhiều phương tiện xe múc, xe ben để vận chuyển cát đi nơi khác.

Về sự việc này, ông Trần Văn Thiêm, Chủ tịch UBND xã An Long, cho biết, trước đó, nhằm ngăn ngừa, xử lý hành vi vi phạm của ông Phú, trong tháng 3/2022, chính quyền xã An Long đã lập tổ công tác đến làm việc với chủ doanh nghiệp. Tại buổi làm việc, ông Phú đưa ra giấy phép “rửa cát” của đơn vị chức năng huyện Phú Giáo cấp. Sau khi tổ công tác rời khỏi hiện trường, ông Phú tiếp tục “rửa cát”.

Ngày 15/4, chính quyền xã An Long phối hợp với cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Giáo kiểm tra cơ sở “rửa cát” của ông Phú. Qua kiểm tra bước đầu tại hiện trường, tổ cổng tác phát hiện ông Phú có hành vi hủy hoại tài nguyên đất khi xác định khoảng 170 m3 cát tại thửa đất số 233, tờ bản đồ số 9 thuộc tổ 10, ấp Bàu Càm bị “bốc hơi”.

Theo đó, tổ công tác buộc ông Phú tạm ngưng mọi hoạt động, chờ kết quả xử lý. Tuy nhiên, tại buổi làm việc này, tổ công tác không xử lý được hành vi ông Phú khai thác cát trái phép. 

“Hộ cá nhân này đã được huyện Phú Giáo cấp giấy phép kinh doanh vật liệu xây dựng, trong đó có rửa cát, san lấp. Về việc hộ kinh doanh này có móc mương để dẫn nước rửa cát thì chính quyền xã đã xác minh, hiện đang củng cố hồ sơ để xử lý. Trong thời gian chờ xử lý thì hộ kinh doanh này cũng đã khắc phục, san lấp lại những vị trí mương đã bị đào.

Về việc ông Phú là hộ kinh doanh vật liệu xây dựng, nhưng lại có dấu hiệu chở cát thì việc khai thác, hút cát thì phải bắt quả tang mới xử lý được. Với góc độ địa phương thì chúng tôi rất quyết liệt trong việc xử lý, không để xảy ra tình trạng hoạt động trái phép trên địa bàn, gây mất lòng tin của nhân dân vào cơ quan chức năng. Khi có phản ánh thì chúng tôi thực hiện kiểm tra liền và sẽ xử lý dứt điểm nếu phát hiện sai phạm”, Chủ tịch UBND xã An Long - ông Trần Văn Thiêm khẳng định.

Cần xem xét lại việc cấp phép và tăng cường công tác quản lý.

Liên quan tới sự việc nêu trên, luật sư Phan Văn Tú (Văn phòng Luật sư Nhật Bình – Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng: Pháp luật không cho phép bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có các hành vi hủy hoại tài nguyên đất dù mang tính chất nhỏ lẻ hay mang tính chất chuyên nghiệp, ảnh hưởng lớn đến tài nguyên đất.

Theo luật sư Tú, đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi hủy hoại đất thì chủ thể thực hiện hành vi hủy hoại đất theo Điều 15 - Nghị định 91 sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đến 150 triệu đồng. Ngoài ra, người hủy hoại đất làm ảnh hưởng đến môi trường còn phải chịu hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, chủ thể thực hiện hành vi hủy hoại đất còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và có thể bị thu hồi đất theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 64 của Luật Đất đai.

Cũng theo luật sư Tú, để làm rõ những nội dung liên quan đến những phản ánh của người dân địa phương thì ngành chức năng huyện Phú Giáo cần xem xét lại thủ tục, quy trình cấp Giấy phép kinh doanh vật liệu xây dựng (trong đó bao gồm rửa cát) như vậy đã phù hợp với quy định hay chưa? Trụ sở kinh doanh được xây dựng và hoạt động trên loại đất có mục đích sử dụng là gì? Khu vực đó có được phép sử dụng để làm nơi tập kết hay thực hiện hoạt động rửa cát?

Ngoài ra, để xác minh tính đúng đắn những nội dung phản ánh của người dân cơ quan chức năng cần kiểm tra, giám sát hoặc thanh tra khi có phản ánh của người dân về việc mượn danh nghĩa "rửa cát" nhưng thực chất là để hút cát, khai thác khoáng sản trái phép.

Hành vi hủy hoại đất được hiểu như thế nào?

Hành vi hủy hoại đất được quy định tại khoản 25, Điều 3, Luật Đất đai 2013. Theo đó, hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.

Bên cạnh đó, tạikhoản 3, Nghị định 91/2019/NĐ-CP nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định cụ thể, chi tiết hơn về hành vi hủy hoại đất như sau:

Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất hoặc gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định, trong đó:

Làm biến dạng địa hình trong các trường hợp: thay đổi độ dốc bề mặt đất; hạ thấp bề mặt đất do lấy đất mặt dùng vào việc khác hoặc làm cho bề mặt đất thấp hơn so với thửa đất liền kề; San lấp đất có mặt nước chuyên dùng, kênh, mương tưới, tiêu nước hoặc san lấp nâng cao bề mặt của đất sản xuất nông nghiệp so với các thửa đất liền kề; Trừ trường hợp cải tạo đất nông nghiệp thành ruộng bậc thang và hình thức cải tạo đất khác phù hợp với mục đích sử dụng đất được giao, được thuê hoặc phù hợp với dự án đầu tư đã được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất phê duyệt hoặc chấp thuận;

Làm suy giảm chất lượng đất trong các trường hợp: làm mất hoặc giảm độ dầy tầng đất đang canh tác; làm thay đổi lớp mặt của đất sản xuất nông nghiệp bằng các loại vật liệu, chất thải hoặc đất lẫn sỏi, đá hay loại đất có thành phần khác với loại đất đang sử dụng; gây xói mòn, rửa trôi đất nông nghiệp;

Gây ô nhiễm đất là trường hợp đưa vào trong đất các chất độc hại hoặc vi sinh vật, ký sinh trùng có hại cho cây trồng, vật nuôi, con người;

Làm mất khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định là trường hợp sau khi thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này mà dẫn đến không sử dụng đất được theo mục đích được Nhà nước giao, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất;

Làm giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định là trường hợp sau khi thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này mà phải đầu tư cải tạo đất mới có thể sử dụng đất theo mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất…

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Bình Dương: Núp bóng ‘rửa cát’ đề khai thác cát lậu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới