Chủ nhật, 24/11/2024 06:17 (GMT+7)
Thứ tư, 27/09/2023 08:39 (GMT+7)

Thanh Hoá: Lãng phí tài nguyên đất từ thực trạng san lấp đất nông nghiệp

Theo dõi KTMT trên

Mặc dù chưa được chính quyền cho phép nhưng các hộ gia đình tại xã An Nông và Dân Lực tự ý san lấp và xây dựng trái phép trên nền đất nông nghiệp bất chấp chính quyền xã liên tiếp lập biên bản.

Liên tiếp lập biên bản vi phạm

Theo đó, ngày 18/7/2023 UBND xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn phát hiện ông Bùi Đình Vệ có hành vi san lấp vào phần đất hiện có để ép cọc bê tông trên nền đất ao. Ngay lập tức, chính quyền xã đã tiến hành lập biên bản đình chỉ xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp và yêu câu ông Bùi Đình Vệ phải tháo dỡ phần công trình hiện có trên đất ao, dừng việc ép cọc bê tông trái phép tại địa chỉ thửa đất ở thôn Xuân Tiên mà xã Dân Lực giao cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng.

Thanh Hoá: Lãng phí tài nguyên đất từ thực trạng san lấp đất nông nghiệp - Ảnh 1
Mặc dù chính quyền liên tiếp lập biên bản nhưng gia đình ông Vệ vẫn "cố đấm ăn xôi" tự ý san lấp và xây dựng công trình trái phép trên đất ao.

Ngày 19/7/2023 UBND xã tổ chức làm việc với ông Bùi Đình Vệ như biên bản đình chỉ ngày 18/7/2023. Theo ông Bùi Đình Vệ, tháng 10/2021 ông có mua lại hai mảnh đất của hai hộ dân thuộc thôn Xuân Tiên, xã Dân Lực. Đất cơ bản của hai hộ là Bà Nguyễn Thị Quế bản đồ số 21 thửa đất số 1262 với diện tích 758,5 m2 và ông Bùi Đình Nguyên bản đồ số 21 thửa đất số 1162 với diện tích 758,5 m2. Hiện tại diện tích cơ bản này gia đình mua với mục đích để phát triển nuôi cá nhưng do một thời gian nuôi cá không có hiệu quả vì ao tù nên ngày 21/8/2023 ông Vệ đã làm đơn xin UBND xã Dân Lực chuyến đổi mục đích sử dụng đất sang mô hình trồng cây lâu năm, chăn nuôi kết hợp kinh doanh. Như vậy khi chưa được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, gia đình ông Vệ đã tự tiến hành san lấp và ép cọc bê tông trái phép.

Thanh Hoá: Lãng phí tài nguyên đất từ thực trạng san lấp đất nông nghiệp - Ảnh 2
Biên bản do UBND xã Dân lực lập ngày 18/7/2023.

Từ cơ sở đó UBND xã yêu cầu ông Bùi Đình Vệ dừng xây dựng công trình trái phép và yêu cầu gia đình tháo dỡ phần công trình hiện có trên đất nông nghiệp (đất ao), dừng việc ép cọc bê tông trái phép khi chưa được cấp có thẩm quyển cho nhưng đến nay ông Bùi Đình Vệ không chấp hành và vẫn tiếp tục đổ bê tông trên mặt nền đất đã san lấp vi phạm.

Thanh Hoá: Lãng phí tài nguyên đất từ thực trạng san lấp đất nông nghiệp - Ảnh 3
Hành vi của gia đình ông Vệ nếu không được xử lý nghiêm sẽ tạo tiền lệ xấu trong công tác quản lý và sử dụng đất ở xã Dân Lực.

Ngày 25/8/2023, UBND xã Dân Lực tiếp tục tổ chức làm việc và lập biên bản vi phạm hành chính về đất đai đối với ông Bùi Đình Vệ theo thẩm quyền, ông Bùi Đình Vệ đã san lấp khoảng 1749,9( diện tích 1458,5m2). Đồng thời yêu cầu gia đình ông Vệ dừng ngay việc vi phạm và khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trao đổi với PV, ông Mai Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Dân Lực cho biết: “Về sai phạm của gia đình ông Vệ, có một phần đất thổ cư và một phần đất mua lại. Thời điểm san lấp trước khi tôi về xã Dân Lực. Đây cũng là cái khó cho tôi. Tuy nhiên, sau khi nắm tình hình từ cán bộ địa chính, chúng tôi đã tiến hành lập biên bản và có đề xuất  xử lý vi phạm hành chính”.

Được biết, hiện tại gia đình ông Vệ chỉ có giấy tờ mua bán viết tay việc chuyển nhượng đất với hai hộ dân thôn Xuân Tiến từ ngày 17/11/2022, không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.

Biến đất nông nghiệp thành đất thương mại dịch vụ trái phép

Tại xã An Nông (huyện Triệu Sơn) mặc dù chưa được sự cho phép của chính quyền nhưng hộ ông Đào Công Nông, thôn Đô Thịnh đã tự ý san lấp trái phép, tập kết vật liệu xây dựng và máy móc trên diện tích 4.000m2 đất chuyên trồng lúa nước (LUC).

Theo đó, biên bản kiểm tra ngày 4/9/2023 “về việc sử dụng đất của hộ ông Đào Công Nông” giữa UBND xã và đại diện chủ hộ có nội dung tóm tắt như sau: Hộ gia đình ông Nông đang sử dụng thửa đất LUC số 657 và 658, tại bản đồ số 12… Hai thửa đất trên có nguồn gốc nhận chuyển nhượng của các hộ khác, để làm mặt bằng sản xuất mạ khay, phục vụ nhu cầu của gia đình và nhân dân trên địa bàn, diện tích 4.000m2, đất LUC.

Thanh Hoá: Lãng phí tài nguyên đất từ thực trạng san lấp đất nông nghiệp - Ảnh 4
Bãi tập kết vật liệu xây dựng trái phép của gia đình ông Đào Công Nông.

Tại vị trí này, gia đình đã phá bỏ ranh giới giữa hai thửa đất, san lấp mặt bằng để sản xuất mạ khay phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, do chưa đến thời vụ nên gia đình đã tự ý đổ đất, cát, gạch làm điểm tập kết tạm thời do gia đình kinh doanh vật liệu xây dựng”.

Theo chủ hộ: “Gia đình đang có nguyện vọng chuyển đổi để tạo mặt bằng, phục vụ sản xuất mạ khay cung ứng cho gần 20ha đất nông nghiệp của nhân dân trong xã. Do chưa đến thời vụ làm mạ nên có tập kết tạm vật liệu xây dựng để làm điểm trung chuyển, do gia đình có công ty kinh doanh vật liệu xây dựng. Gia đình cũng có nhu cầu chuyển đổi khu đất trên sang đất dịch vụ thương mại, nhưng thủ tục chưa được chấp nhận. Hiện, gia đình đang sử dụng đất chưa đúng mục đích, chưa đảm bảo yêu cầu của pháp luật. Do đó, gia đình cam kết tạm dừng việc tập kết và di dời hết vật liệu xây dựng, trả lại hiện trạng ban đầu. Cam kết chỉ sử dụng đất để làm mạ khay, chủ động làm thủ tục chuyển đổi đất theo đúng quy định của pháp luật”.

Ý kiến của Tổ công tác: Hộ ông Nông sử dụng đất như ý kiến của gia đình là chính đáng theo nhu cầu, nhưng tại thời điểm kiểm tra, chưa hoàn thiện thủ tục và chưa được cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Hành vi này đã vi phạm Luật Đất đai về hành vi sử dụng đất sai mục đích theo Điểm D Khoản 1 Điều 57, Luật Đất đai năm 2013. Tổ công tác đề nghị gia đình ông Nông tạm dừng tập kết vật liệu xây dựng trên đất. Di dời hết khối lượng đất, đá, cát, gạch tại khu đất, thời gian 15 ngày kể từ ngày lập biên bản.

Cần có biện pháp xử lý nghiêm minh

Trao đổi với Phóng viên, Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc điều hành công ty Luật Inteco cho biết, hành vi san mặt bằng hoặc san lấp mặt bằng có thể hiểu là công việc thi công san phẳng nền đất một công trình xây dựng hay một mặt bằng quy hoạch, từ một mặt đất có địa hình tự nhiên cao thấp khác nhau. San phẳng là việc đào những chỗ đất cao nhất trong nội tại vùng đất đó vận chuyển đến các vùng thấp nhất và đắp vào những chỗ thấp đó, nhằm làm phẳng lại bề mặt địa hình vùng đất đó theo chủ định trước của con người. Thực tế, sau khi thực hiện san lấp đất, những mảnh đất được san lấp sẽ có thể sẽ được tự ý chuyển thành đất phi nông nghiệp như: nhà xưởng, mặt bằng kinh doanh, nhà ở,…

Thanh Hoá: Lãng phí tài nguyên đất từ thực trạng san lấp đất nông nghiệp - Ảnh 5
Luật sư Hà Duy Phong, Giám đốc điều hành công ty luật Inteco.

Khoản 3, Điều 3, Nghị định 91/2019/NĐ-CP Xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định “

“ Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất hoặc gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định, trong đó:

  1. a) Làm biến dạng địa hình trong các trường hợp: thay đổi độ dốc bề mặt đất; hạ thấp bề mặt đất do lấy đất mặt dùng vào việc khác hoặc làm cho bề mặt đất thấp hơn so với thửa đất liền kề; san lấp đất có mặt nước chuyên dùng, kênh, mương tưới, tiêu nước hoặc san lấp nâng cao bề mặt của đất sản xuất nông nghiệp so với các thửa đất liền kề; trừ trường hợp cải tạo đất nông nghiệp thành ruộng bậc thang và hình thức cải tạo đất khác phù hợp với mục đích sử dụng đất được giao, được thuê hoặc phù hợp với dự án đầu tư đã được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất phê duyệt hoặc chấp thuận”.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 15, Nghị định 91/2019 thì “Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 01 héc ta trở lên”.

Trong trường hợp người sử dụng đất đã bị xử phạt hành chính về hành vi huỷ hoại đất đai mà vẫn tiếp tục có hành vi vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị xử lý theo quy định tại Điều 228 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017). Theo quy định nay, “Người nào lấn chiếm đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc sử dụng đất trái với các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Tái phạm nguy hiểm…

Hoàng Đức - Lê Hoa

Bạn đang đọc bài viết Thanh Hoá: Lãng phí tài nguyên đất từ thực trạng san lấp đất nông nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới