Chủ nhật, 24/11/2024 06:54 (GMT+7)
Thứ hai, 12/04/2021 14:39 (GMT+7)

Thanh Hóa: Truy tìm thủ phạm khiến cá chết hàng loạt trên sông Mã

Theo dõi KTMT trên

Cá nuôi lồng và cá tự nhiên trên sông Mã chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Trước sự việc trên, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các địa phương vào cuộc truy tìm thủ phạm khiến cá chết.

Thông tin từ UBND huyện Bá Thước cho biết, từ ngày 15/3 đến 8/4, đã có gần 12,4 tấn cá lồng bị chết, và khoảng 380 kg các loài thủy sản tự nhiên chết vớt được. Cá lồng chết xuất hiện 4 đợt, cụ thể: Đợt 1 từ ngày 15 đến 20/3; đợt 2 vào ngày 26/3; đợt 3 vào ngày 30/3; đợt 4 từ ngày 4 đến 9/4. Cá chết tập trung ở các xã Ái Thượng, Hạ Trung, Lương Ngoại, Lương Trung, Thiết Kế, Ban Công, Thiết Ống và thị trấn Cành Nàng.

Tại thị trấn Cành Nàng, chính quyền địa phương thống kê sơ bộ có 6 lồng của 5 hộ nuôi cá lồng trên sông Mã ở thôn Cành Nàng có cá bị chết với số lượng hơn 600kg. Ngoài ra có 5 lồng của hộ có ở thôn Hồng Sơn với khoảng 350kg cá chết đột ngột.

Thanh Hóa: Truy tìm thủ phạm khiến cá chết hàng loạt trên sông Mã - Ảnh 1
Cá nuôi chết khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh lao đao.

Theo thông báo của Chi cục Chăn nuôi và thú y thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, kết quả xét nghiệm mẫu cá chết cho thấy: khi mổ cá không thấy bị xuất huyết bên ngoài; mang và nội tạng cá bình thường; không có hiện tượng xuất huyết, tụ huyết bất thường; không ghi nhận dấu hiệu bệnh nào trên số cá chết.

Kết quả kiểm tra 2 mẫu cá chết trên sông Mã của Viện Nuôi trồng thủy sản I thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho thấy: không phát hiện vi khuẩn gây bệnh trên mẫu cá. Cá chết trên sông Mã không phải do mắc bệnh truyền nhiễm.

Đồng thời, kết quả kiểm tra 3 mẫu nước lấy từ sông Mã đoạn có cá nuôi lồng bị chết của Viện Nuôi trồng thủy sản I cho thấy: mật độ vi khuẩn trong 3 mẫu nước này nằm trong giới hạn cho phép, mật độ vi khuẩn trong nước không gây chết cá.

Như vậy, bước đầu cơ quan chức năng xác định nguyên nhân cá nuôi lồng, cá tự nhiên trên sông Mã bị chết hàng loạt gần 1 tháng qua không phải do dịch bệnh.

Được biết, trên thượng nguồn dọc 2 bên bờ sông Mã có nhiều cơ sở chế biến lâm sản, thường xuyên dùng hóa chất ngâm ủ, chế biến luồng, bột giấy. Theo người dân nuôi cá, bình thường nước sông Mã mùa này trong xanh, nhưng từ giữa tháng 3 đến nay, nước đổi màu đen, mùi hôi tanh.

Trước thực trạng trên, UBND huyện Bá Thước đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, rà soát các cơ sở chế biến lâm sản dọc sông Mã. Theo thông tin từ huyện Bá Thước, trên địa bàn huyện hiện có 5 cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản nằm ven sông Mã (gồm 1 nhà máy chế biến tinh bột sắn và 4 cơ sở chế biến luồng).

Ông Võ Minh Khoa, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, cho biết thêm: "Trước tình trạng thủy sản trên sông Mã qua địa bàn chết đột ngột, trong đó có nhiều lồng nuôi cá cũng bị ảnh hưởng khiến cuộc sống của người dân lao đao. Chính quyền địa phương đã tích cực vào cuộc hỗ trợ người dân, thống kê thiệt hại để có cơ sở giải quyết sau này. Đồng thời, huyện thành lập ngay đội liên ngành xuống tận các cơ sở có nguy cơ kiểm tra không kể ngày đêm".

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Thanh Hóa: Truy tìm thủ phạm khiến cá chết hàng loạt trên sông Mã. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới