Chủ nhật, 24/11/2024 06:51 (GMT+7)
Thứ năm, 08/10/2020 10:28 (GMT+7)

Thành lập thành phố Thủ Đức: Nhiều băn khoăn về thẩm quyền, quy hoạch

Theo dõi KTMT trên

Với việc thành lập TP Thủ Đức, nhiều ý kiến cũng đề nghị dự thảo cần làm rõ, với mô hình mới, chính quyền mới thì thẩm quyền tới đâu, được làm gì để có biện pháp hiệu quả.

Theo dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc TPHCM giai đoạn 2019 – 2021, TP sẽ tiến hành sắp xếp đối với 19 đơn vị hành chính cấp phường thuộc các quận 2, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận và sát nhập ba quận: 2, 9 và Thủ Đức để thành lập thành phố Thủ Đức. Đề án quan trọng này của TPHCM đã nhận được sự quan tâm, thảo luận, đề xuất và góp ý từ nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học… nhằm hoàn thiện hơn về nội dung, đảm bảo đầy đủ cơ sở khoa học, tính pháp lý, phù hợp với thực tiễn cuộc sống, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân.

Thành lập thành phố Thủ Đức: Nhiều băn khoăn về thẩm quyền, quy hoạch - Ảnh 1
Dự kiến sau khi sáp nhập, TPHCM sẽ giảm từ 24 quận huyện xuống còn 22 đơn vị hành chính cấp tương đương. (Ảnh minh họa)

Theo dự thảo Đề án, ở cấp xã, phường, tại quận 2 sẽ sáp nhập phường An Khánh và Thủ Thiêm; phường Bình Khánh và Bình An. Quận 3 sáp nhập phường 6, 7, 8 thành một phường. Quận 4 sáp nhập phường 5 và 2, phường 12 và 13. Quận 5 sáp nhập phường 12 và 15. Quận 10 sáp nhập phường 3 và 2. Quận Phú Nhuận sáp nhập phường 12 và 11, phường 14 và 13.

Sau khi thành lập, mục tiêu TP Thủ Đức sẽ là loại TP nào?

Với phương án tổng thể trên, dự kiến sau khi sáp nhập, TPHCM sẽ giảm từ 24 quận huyện xuống còn 22 đơn vị hành chính cấp tương đương. Ngoài ra giảm từ 322 xã, phường, thị trấn xuống còn 312 xã, phường, thị trấn.

Qua nghiên cứu dự thảo, một số chuyên gia đánh giá, Đề án được xây dựng rất công phu, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần làm rõ, nhiều câu hỏi cần được giải thích. Về hiện trạng, Đề án chỉ nêu các số liệu thống kê số lượng các đơn vị hành chính mà thiếu đánh giá những bất cập hiện nay của các đơn vị hành chính ở thành phố. Đơn cử, mọi người đều nhận thấy tình hình quản lý đô thị ở các quận huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh ở TPHCM phức tạp hơn nhiều so với khu vực đô thị ổn định, nhưng bộ máy hành chính lại bị giới hạn bởi các quy định về tổ chức, biên chế nên hiệu lực của chính quyền nhiều địa phương không bảo đảm.

Thành lập thành phố Thủ Đức: Nhiều băn khoăn về thẩm quyền, quy hoạch - Ảnh 2
Luật sư Trương Thị Hòa đề nghị cần làm rõ mục tiêu cụ thể của việc thành lập TP Thủ Đức

Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng, việc đánh giá tác động liên quan đến trật tự an ninh an toàn là rất cần thiết, vì Nghị quyết 37 của Ban Chấp hành Trung ương đã khẳng định đây là một trong những vấn đề cần quan tâm. Luật sư Hòa kiến nghị ngay cả trong việc nhập các phường cũng phải chú ý vấn đề này vì đây là quan tâm đặc biệt trong chủ trương của Đảng về sắp xếp lại các đơn vị hành chính.

Luật sư Trương Thị Hòa cũng đề nghị cần làm rõ mục tiêu cụ thể của việc thành lập TP Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập ba quận 2, 9 và Thủ Đức, sự tác động từ thành phố này đối với TPHCM như thế nào trong tương lai. Về hiện trạng của TP Thủ Đức, theo bà Hòa, cơ sở hạ tầng rất quan trọng nhưng không chỉ bao nhiêu trường đại học, mấy khu công nghệ cao mà vấn đề là tình hình xây dựng ở quận 2, quận 9 rất nhiều, dẫn đến độ lún của đất. Do đó phải đánh giá cặn kẽ về cơ sở hạ tầng và sau khi thành lập, mục tiêu TP Thủ Đức sẽ là loại TP nào?

Trong việc sáp nhập các phường, Đề án cũng cần làm rõ hướng phát triển của các địa bàn được sắp xếp lại, nhằm hướng tới mục tiêu ổn định lâu dài. Việc đặt tên nào nên có cơ sở rõ ràng, lý giải cụ thể và hạn chế thấp nhất việc gây xáo trộn cuộc sống người dân. Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì chọn một cái tên hoàn toàn mới thì nên giữ lại một tên cũ để một phần dân cư không bị ảnh hưởng về các giấy tờ, hồ sơ mang tính pháp lý; nếu đổi tên khác thì phải giải thích cặn kẽ và phải đảm bảo tính bền vững, lâu dài. Cũng không nên dùng tên danh nhân đặt tên đơn vị hành chính mà nên dùng chữ số hoặc địa danh để dễ hình dung vị trí, dễ hiểu, phù hợp với kiến thức chung của người dân và cộng đồng xã hội.

Theo ông Khương Văn Mười, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM, đối với việc thành lập TP Thủ Đức, Đề án cần bổ sung thêm các phụ lục để giải trình về tiêu chí và những nguyên tắc cơ bản của việc sáp nhập để có hệ thống logic hơn; các hồ sơ, bản vẽ, quận nào nhập lại thì có bản đồ để hình dung. Trong hồ sơ phải có sơ đồ sáp nhập ranh cũ, ranh mới, kèm cột dân số, diện tích… để có sự so sánh.

Mô hình mới, chính quyền mới thì thẩm quyền tới đâu?

Trên thực tế, tại quận Thủ Đức có phường trên 100 ngàn dân, trong đó số lượng dân nhập cư khá đông do là địa bàn đô thị hóa. Cho nên, ông Khương Văn Mười đề nghị: Đề án cần có một bảng phân tích, nêu rõ giải pháp triển khai công tác quản lý Nhà nước sau khi đề án có hiệu lực. Ông Mười cũng cho rằng, trong Đề án này có thể xin phép Chính phủ có cơ chế riêng cho TPHCM nhằm có sự điều chỉnh hợp lý hơn về chỉ tiêu biên chế trên cơ sở thực hiện đúng tinh thần các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.

Thành lập thành phố Thủ Đức: Nhiều băn khoăn về thẩm quyền, quy hoạch - Ảnh 3
Ông Khương Văn Mười, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM cho rằng, có thể xin phép Chính phủ có cơ chế riêng cho TPHCM khi thực hiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 20192-2021.

Với việc thành lập TP Thủ Đức, nhiều ý kiến cũng đề nghị dự thảo cần làm rõ, với mô hình mới, chính quyền mới thì thẩm quyền tới đâu, được làm gì để có biện pháp hiệu quả huy động nguồn lực, phát huy tiềm năng lợi thế của các địa phương, tạo nên một hợp lực theo cấp số nhân, giúp cho vùng phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Muốn làm được điều đó, trong đề án phải tính tới định hướng sắp tới, phân cấp phân quyền ra sao. Đồng thời xác định rõ thẩm quyền của HĐND làm cơ sở khẳng định tính khoa học, cơ chế, thiết chế đảm bảo hoạt động của chính quyền.

Ông Phạm Hoài Minh Tân, Trưởng Ban Pháp chế Ban Tuyên giáo Quận ủy Thủ Đức cho biết, cử tri mong muốn làm sao phải có quy hoạch phát triển thật sự khoa học, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong điều kiện 4.0, hướng đến đô thị thông minh và làm sao tính khả thi, tốc độ, tiến độ thực hiện đảm bảo giảm thiểu ít nhất tác động đối với đời sống người dân.

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, thay đổi mô hình quản lý mục tiêu cuối cùng lả phù hợp với điều kiện phát triển mới, đem lại lợi ích tốt nhất cho nhân dân. Thời gian qua, Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc TPHCM giai đoạn 2019 – 2021 được chuẩn bị khá công phu, bài bản, có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền. Song nhiều cử tri cho rằng, thời lượng đưa thông tin về nội dung đề án, cũng như cơ sở pháp lý để hình thành đề án vẫn còn quá ít, quá ngắn, cho nên một bộ phận người dân chưa thực sự hình dung tác dụng của việc sát nhập xã-phường, vì sao phải có TP Thủ Đức - thành phố phía Đông. Do đó cần tiếp tục tuyên truyền cho người dân hiểu rõ hơn, hình thành ý thức cộng đồng, chung tay cùng Nhà nước thực hiện tốt mô hình quản lý mới.

Ngọc Xuân

Bạn đang đọc bài viết Thành lập thành phố Thủ Đức: Nhiều băn khoăn về thẩm quyền, quy hoạch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới