Chủ nhật, 24/11/2024 07:58 (GMT+7)
Thứ hai, 15/02/2021 15:23 (GMT+7)

Thành phố Thủ Đức - bệ phóng cho kinh tế TP.HCM

Theo dõi KTMT trên

Từ một vùng căn cứ kháng chiến mênh mông đầm lầy, bạt ngàn lau lách, cửa ngõ phía Đông TP.HCM ngày nay đã trở thành Khu đô thị sáng tạo với tên gọi mới là thành phố Thủ Đức.

Khoác áo mới

Theo tài liệu của Đảng bộ TP.HCM, vùng đất cửa ngõ phía Đông Sài Gòn năm xưa vốn thuộc tổng An Thủy, huyện Ngãi An, tỉnh Biên Hòa. Đến thời Pháp thuộc, huyện Ngãi An chuyển sang thuộc tỉnh Gia Định và đến năm 1955 được đổi tên thành huyện Thủ Đức.

Đây vốn là một địa bàn rộng lớn, chạy dọc triền đông sông Sài Gòn và có vị thế trọng yếu nên được chọn là căn cứ cách mạng - là vùng đệm để Giải phóng quân tiến về Sài Gòn. Đặc biệt, trong chiến tranh, các điểm cầu Rạch Chiếc, cầu Sài Gòn, Cát Lái, Thủ Thiêm, Thủ Đức… của khu vực này vốn là địa bàn giao tranh ác liệt giữa quân đội Việt Nam Cộng hòa đang cố tử thủ, ngăn bước quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập.

Thành phố Thủ Đức - bệ phóng cho kinh tế TP.HCM - Ảnh 1
TP.HCM đầu tư nhiều nguồn lực để phát triển hệ thống giao thông tại thành phố Thủ Đức. (Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức)

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, khu vực này vẫn là huyện kém phát triển của TP.HCM với kinh tế nghèo nàn, lạc hậu. Chỉ tới khi bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và chính quyền TP.HCM đã có tầm nhìn chiến lược, xây dựng và mở rộng đô thị sang vùng đất rộng lớn, nhiều tiềm năng này. Cú đột phá đầu tiên cho vùng đất phía Đông là vào năm 1997, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của TP.HCM trong việc tách huyện Thủ Đức thành 3 quận gồm: Thủ Đức, quận 2 và quận 9.

Theo các chuyên gia quy hoạch, đây là một chủ trương hết sức đúng đắn và thực sự là nền tảng cho sự phát triển chung của thành phố về hướng Đông, phù hợp với mô hình gắn kết để cùng nhau phát triển trong liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Những năm sau đó, khu Đông TP.HCM đã mọc lên hàng loạt công trình chiến lược nối đôi bờ sông Sài Gòn như: cầu Thủ Thiêm 2 quy mô 6 làn xe được thiết kế kiểu dây văng. Công trình này dự kiến hoàn thành cuối năm nay; tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài gần 20 km, đi qua địa bàn quận 1, quận Bình Thạnh, quận 2, quận 9, quận Thủ Đức và một phần tỉnh Bình Dương. Hiện dự án đạt 80% tổng khối lượng công việc và dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2021.

Hiện nay, khu Đông TP.HCM còn mới đưa vào hoạt động Bến xe miền Đông mới tại Suối Tiên. Đây là là một quần thể phức hợp, bao gồm khu vực bến xe chính kết hợp nhiều dịch vụ tiện ích hiện đại như: tuyến metro số 1, bãi đậu xe cao tầng, khu vực sửa chữa, trạm tiếp nhiên liệu, khu trung chuyển, khu thương mại dịch vụ... với tổng diện tích trên 16 ha (rộng gần gấp 3 bến xe hiện hữu) và là bến xe lớn nhất Việt Nam hiện nay. Trước đó, Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) cũng đã và đang được TP.HCM đầu tư để làm đòn bảy cho phát triển kinh tế của thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Đây cũng là một trong ba Khu công nghệ cao có tầm cỡ quốc gia do Chính phủ thành lập. Hiện nay, Khu công nghệ cao quản lý 80 dự án với hơn 40.000 lao động đang làm việc.

GS, TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, SHTP dự kiến tổng vốn thu hút đầu tư đạt 3 tỉ USD, với hơn 50 dự án công nghệ cao. Trong đó, thu hút thành công từ một đến hai tập đoàn công nghệ cao của thế giới đầu tư vào SHTP. Ðến năm 2025, hoàn thành và đưa vào hoạt động của các công trình thuộc các khu không gian khoa học, khu chức năng thương mại - dịch vụ, khu nhà ở chuyên gia, kết nối hạ tầng đồng bộ với các khu vực lân cận, nhất là tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sẽ góp phần phát triển SHTP trở thành một môi trường sống, học tập và làm việc lý tưởng nhất của khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông TP.HCM.

Thành phố trong thành phố đầu tiên của cả nước

Để hiện thực hóa chủ trường thành lập thành phố Thủ Đức, năm 2020, TP.HCM đã xây dựng đề án Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông gồm 3 quận (Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức). Sau khi thành lập, khu phía Đông sẽ có tên gọi mới là thành phố Thủ Đức và có 211,56 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1,1 triệu người. Thành phố Thủ Đức giáp Quận 1, Quận 4, Quận 7, Quận 12, quận Bình Thạnh; tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, động lực kinh tế của Thành phố cho 10 năm tới chính là khu đô thị sáng tạo phía Đông - đây là trung tâm lớn nhất về công nghệ cao, về đào tạo nhân lực trình độ đại học với 15 trường đại học, hàng trăm ngàn sinh viên. Tương lai không xa, thành phố Thủ Đức sẽ trở thành đô thị sáng tạo, hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đóng góp 30-35% GRDP của TP.HCM, 7% GDP của cả nước. Vì vậy, sắp tới lãnh đạo thành phố Thủ Đức phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền phải truyền cảm hứng để người dân và cán bộ thấy đây là niềm tự hào, đóng góp lớn cho đất nước và TP.HCM bằng công sức của đội ngũ và sự góp sức của hơn 1 triệu dân thành phố Thủ Đức.

Thành phố Thủ Đức - bệ phóng cho kinh tế TP.HCM - Ảnh 2
Lao động làm việc trong Khu công nghệ cao TP.HCM được đầu tư trang thiết bị và được nâng cao tay nghề.

Sau khi thành phố Thủ Đức được công bố thành lập vào ngày 31/12, các công việc chuẩn bị cho thành phố Thủ Đức vận hành sẽ phải hoàn thành trước ngày 1/3/2021. Nhiệm vụ đặt ra là phải tạo sự đồng thuận thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; sắp xếp bộ máy, bàn giao cơ sở theo nguyên tắc giữ nguyên trạng, không xây dựng mới mà sắp xếp tổ chức lại. Trong đó việc quan trọng đầu tiên là không để người dân bị phiền hà vì đổi giấy tờ, vấn đề môi trường, an ninh, triển khai các dự án đầu tư... Đặc biệt, khi thực hiện việc thay đổi giấy tờ hành chính của người dân, doanh nghiệp các cơ quan quản lý sẽ không thu lệ phí.

Về lâu dài, TP.HCM sẽ tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư vào thành phố Thủ Đức. Trong đó, TP.HCM sẽ tạo các điểm nhấn, điểm khác biệt so với các thành phố khác trong nước cũng như các trung tâm tài chính, công nghệ trong khu vực châu Á. Theo TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, nếu như khu trung tâm hiện hữu quận 1 và quận 3 có giá trị lâu đời hàng mấy trăm năm thì bây giờ khu đô thị mới phía Đông đại diện cho bản sắc của TP.HCM trong thế kỷ 21. Bởi đó không chỉ là trung tâm phức hợp nhiều vấn đề về kinh tế văn hóa xã hội đối với trung tâm thành phố hiện nay mà còn góp phần giải quyết nhiều vấn đề khác về văn hóa xã hội, đặc biệt là về vấn đề giao thông.

Trong khi đó, theo các chuyên gia quy hoạch kiến trúc, khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông sẽ hình thành một hệ sinh thái nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và đào tạo nhân lực chuẩn quốc tế. Đây được xem là động lực giúp TP.HCM phát triển mọi mặt, vươn lên ngang tầm với các đô thị hàng đầu của khu vực và châu lục.

Ông Nakagawa Motohisa, Trưởng ban Pháp luật - Lao động thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM (JCCH), cho rằng doanh nghiệp Nhật rất kỳ vọng vào sự hình thành của Khu đô thị sáng tạo phía Đông trong tương lai. Bởi khi đó, ngành công nghiệp phụ trợ TP.HCM sẽ được phát triển ở tầm cao mới, nâng tỉ lệ cung ứng nội địa Việt Nam lên cao, hỗ trợ rất tốt cho phát triển công nghiệp lắp ráp cho doanh nghiệp Nhật Bản khi quyết định đầu tư vào SHTP.

Có thể thấy, với chiến lược và chủ trương đúng đắn của Đảng bộ TP.HCM mà khu Đông năm xưa giờ đã thành khu đô thị mới hiện đại và trong tương lai gần sẽ là “Thành phố sáng tạo” của TP.HCM - một thành phố trong lòng thành phố đầu tiên của cả nước trực thuộc Trung ương.

Hoàng Tuyết

Bạn đang đọc bài viết Thành phố Thủ Đức - bệ phóng cho kinh tế TP.HCM. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới