Chủ nhật, 24/11/2024 09:30 (GMT+7)
Thứ sáu, 13/08/2021 16:54 (GMT+7)

Tháo gỡ vướng mắc trong chính sách lãi vay và hoàn thuế dự án BOT

Theo dõi KTMT trên

Theo kiến nghị của VARSI, các khoản chi phí lãi vay trong các năm đầu khi dự án mới đưa vào vận hành rất cao do số dư tính lãi lớn, ngược lại doanh thu các năm đầu lại thấp và tăng dần vào các năm sau.

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan khẩn trương xem xét kiến nghị của Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) về vướng mắc chính sách lãi vay và hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) của dự án BOT.

Trước đó, theo kiến nghị của VARSI, khoản chi phí lãi vay trong các năm đầu khi dự án mới đưa vào vận hành rất cao do số dư tính lãi lớn, ngược lại doanh thu các năm đầu lại thấp và tăng dần vào các năm sau. Việc ghi nhận chi phí lãi vay như vậy không phù hợp với bản chất của dự án BOT và chuẩn mực tài chính quốc tế.

Tháo gỡ vướng mắc trong chính sách lãi vay và hoàn thuế dự án BOT - Ảnh 1
Chỉ đạo Bộ Tài chính gỡ vướng mắc chính sách lãi vay và hoàn thuế GTGT của dự án BOT. (Ảnh: Vietnam+)

Đồng thời, VARSI cũng cho biết, dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhưng vẫn gặp vướng mắc phát sinh từ việc không được hoàn thuế GTGT.

Vì vậy, chủ đầu tư dự án có nguy cơ phải thực hiện bù trừ trong thời gian dài nếu không được hoàn thuế. Điều đó dẫn đến thiếu hụt dòng tiền và phát sinh thêm lãi vay cho doanh nghiệp, không đảm bảo chi phí vận hành để duy trì hoạt động lưu thông.

Đến nay, cả nước có 107 trạm thu phí thuộc thẩm quyền Trung ương và địa phương. Tuy nhiên, theo số liệu được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14, đến nay, mới có 6/66 trạm thu phí được áp dụng hệ thống quản lý, giám sát, khai thác dữ liệu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại các dự án BOT.

Về doanh thu phí, ngoài một số dự án có mức tăng trưởng doanh thu tốt, đa số các dự án có doanh thu không đạt so với số thu dự kiến tại hợp đồng dự án, các nhà đầu tư BOT gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng và tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu.

Với những vướng mắc trên, VARSI kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính sớm ban hành thông tư hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp để nhà đầu tư BOT được ghi nhận, phân bổ chi phí lãi vay các dự án BOT, tránh kéo dài gây thiệt hại cho doanh nghiệp; đồng thời giải quyết việc hoàn thuế GTGT đối với những hóa đơn phát sinh cho doanh nghiệp BOT sau thời điểm đưa dự án vào khai thác.

Xét kiến nghị trên, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã giao Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan khẩn trương xem xét kiến nghị của VARSI, đề xuất xử lý, tháo gỡ, hoàn thiện quy định pháp luật, có văn bản trả lời cho hiệp hội, doanh nghiệp được biết và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trong tháng 8/2021.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đào Việt Dũng, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng ADB cho rằng, việc lựa chọn nhà đầu tư cần có quy trình nghiêm ngặt để đánh giá năng lực, khả năng triển khai dự án. Bên cạnh đó, phải bình đẳng giữa cơ quan nhà nước và nhà đầu tư, để tăng độ hấp dẫn và thu hút các nguồn từ nước ngoài.

“Muốn thu hút đầu tư, phải tạo được môi trường thuận lợi, đặc biệt trong khối tư nhân. Nếu chỉ trông chờ vào nguồn vốn vay từ ngân hàng thì chưa đủ, vì nguồn vốn ngân hàng chủ yếu là nguồn ngắn hạn, trong khi nguồn vốn của các dự án BOT lại là các nguồn dài hạn và nhu cầu rất lớn”.

Thùy Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tháo gỡ vướng mắc trong chính sách lãi vay và hoàn thuế dự án BOT. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới