Thảo luận nhiều vấn đề quan trọng tại Tọa đàm góp ý về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi và BVMT
Trong thời gian diễn ra Tọa đàm "Góp ý về các quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và vấn đề bảo vệ môi trường ở Việt Nam", các chuyên gia, khách mời đã trình bày tham luận và đưa ra nhiều góp ý quan trọng.
Sáng 9/3, tại trụ sở Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (tầng 3 Cung Trí thức, số 1 Tôn Thất Thuyết, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã diễn ra buổi Tọa đàm: "Góp ý về các quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và vấn đề bảo vệ môi trường ở Việt Nam".
Buổi Tọa đàm được Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) giao Viện Chính sách Kinh tế Môi trường tổ chức nhằm mục đích huy động trí tuệ, tâm huyết của giới chuyên gia, nhà khoa học để góp ý, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích nhân dân và tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước.
Về phía Ban Tổ chức có sự tham gia của PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch sáng lập Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường; PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường; GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Trưởng ban khoa học, Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.
Về phía khách mời tham dự Tọa đàm có bà Đoàn Thị Thanh Mai - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; GS.TS Nguyễn Đình Hương - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII; cùng nhiều chuyên gia, đại biểu đến từ các cơ quan nghiên cứu và cơ quan hữu quan.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch sáng lập Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi Trường cho biết, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, các tổ chức chính trị, xã hội, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trong cả nước. Với vai trò và chức năng nhiệm vụ của mình, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam giao Viện Chính sách Kinh tế Môi trường tổ chức Tọa đàm: "Góp ý về các quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và vấn đề bảo vệ môi trường ở Việt Nam".
"Chúng ta đều biết, Luật Đất đai mà chúng ta đang áp dụng là Luật Đất đai năm 2013 và hiện nay không còn phù hợp với tình hình thực tế, bộc lộ nhiều bất cập. Là một tổ chức thuộc Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, VIASEE luôn mong muốn được lắng nghe những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, khách mời tham dự Tọa đàm. Trên cơ sở đó, góp một chút ý kiến cũng như tiếng nói khoa học để tham gia góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tất cả các ý kiến, tham luận của các chuyên gia, khách mời tại Tọa đàm sẽ được Ban Tổ chức tổng hợp lại và truyền đạt đầy đủ trên các phương tiện truyền thông, cũng như những cơ quan hữu quan, theo Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ", PGS.TS Trương Mạnh Tiến nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch sáng lập Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, đất đai là tài nguyên vô cùng quý giá, phải mất hàng triệu năm phong hóa mới có thể hình thành được lớp đất màu mỡ, phì nhiêu. Thế nhưng hiện nay, rất nhiều diện tích đất phì nhiêu, bờ xôi ruộng mật bị chuyển đổi mục đích sử dụng một cách bất hợp lý và lãng phí.
"Trong khi nhiều quốc gia phải mua đất để canh tác nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, thì chúng ta lại sử dụng một cách lãng phí tài nguyên đất. Vậy phải làm thế nào để khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chúng ta vẫn giữ được lớp đất phì nhiêu quý giá ấy?. Đây là một trong số những vấn đề mà VIASEE muốn góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)", PGS.TS Trương Mạnh Tiến đặt vấn đề.
Đồng quan điểm, PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng, Luật Đất đai 2013 đã không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được dư luận hết sức quan tâm, việc lấy ý kiến góp ý đang được diễn ra ở tất cả các cấp.
"Có rất nhiều vấn đề cần phải bàn luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhưng tọa đàm mà chúng tôi thực hiện sẽ tập trung thảo luận về góc nhìn kinh tế môi trường của đất đai. Theo tôi, cần phải đi vào những vấn đề cụ thể thì ban soạn thảo (dự thảo Luật đất đai) mới nắm bắt một cách rõ ràng, từ đó các quy định trong Luật Đất đai sẽ phát huy được hiệu quả trong việc phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam", PGS.TS Lưu Đức Hải phân tích.
Nêu lên mối tương quan giữa đất đai và môi trường, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường nhấn mạnh, thực chất giữa đất đai và môi trường có mối liên hệ mật thiết.
"Tôi lấy ví dụ đơn giản về mối liên hệ giữa đất đai và môi trường như sau: Chỗ nào có chất lượng môi trường tốt thì giá đất sẽ cao và gia tăng giá trị theo thời gian và ngược lại. Vậy dự thảo Luật Đất đai đã đề cập đến vấn đề này hay chưa? Và trong thời gian tới có đưa vấn đề này vào hay không?...", PGS.TS Nguyễn Thế Chinh trình bày quan điểm.
Trong thời gian diễn ra Tọa đàm, các chuyên gia, khách mời đã trình bày tham luận và đưa ra nhiều ý kiến góp ý quan trọng, cụ thể về nhiều vấn đề nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Những ý kiến, tham luận này sẽ được Ban Tổ chức tổng hợp lại và gửi đến cơ quan hữu quan ngay sau khi kết thúc Tọa đàm.
Thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 170/NQ-CP về ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Mục đích nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15, đồng thời huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích nhân dân và tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước.
Đối tượng lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm: Các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của Mặt trận, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, nhà khoa học.
Hình thức lấy ý kiến gồm góp ý trực tiếp bằng văn bản (bản giấy, thư điện tử) hoặc tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm đối với các cơ quan nhà nước; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức kinh tế khác; các chuyên gia, nhà khoa học.
Ý kiến góp ý tại hội nghị, hội thảo, tọa đàm được cơ quan chủ trì tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm tập hợp, tổng hợp gửi về các cơ quan có trách nhiệm lấy ý kiến nhân dân nêu tại Điều 6 Nghị quyết số 671/UBTVQH15 để xây dựng báo cáo lấy ý kiến gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng thời gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Nhóm PV