Thấy gì từ việc kiểm tra trang trại của Công ty CP chăn nuôi Tâm Việt?
Trước những bức xúc của người dân tại xã Nghĩa Yên và Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) về việc trang trại lợn ở huyện Như Xuân (Thanh Hóa) gây ô nhiễm môi trường, cơ quan chức năng đã lập tức vào cuộc.
Thời gian qua, người dân xóm Lâm Sinh, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) rất bức xúc bởi họ cho rằng dòng nước Khe Sào có đầu nguồn từ xã Bãi Trành, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa bị ô nhiễm là do trang trại lợn của Công ty CP chăn nuôi Tâm Việt (gọi tắt là trang trại Tâm Việt) đóng tại địa bàn thôn 10, xã Bãi Trành, huyện Như Xuân. Bức xúc lên đến đỉnh điểm khi nhiều người dân xã Nghĩa Yên (Nghĩa Đàn) kéo đến trang trại Tâm Việt để phản đối vào chiều ngày 04/7/2024.
Thực trạng trên khiến huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã phải đề nghị tiến hành việc kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh cũng như hoạt động của trang trại này vào ngày 5/7/2024. Tham gia đoàn kiểm tra có đại diện của Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa, đại diện UBND huyện Như Xuân (Thanh Hóa), đại diện UBND huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An), đại diện chính quyền xã Nghĩa Yên (Nghĩa Đàn).
Qua một số nội dung kiểm tra cho thấy: Công ty CP chăn nuôi Tâm Việt đã cơ bản hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục về môi trường, đầu tư các công trình xử lý chất thải theo quy trình khép kín, chất thải được xử lý theo hồ sơ môi trường từ thời điểm cấp phép. Tuy nhiên, thời gian qua có một số ý kiến phản ánh của người dân khu vực về hoạt động nuôi lợn của trang trại gây ô nhiễm nguồn nước Khe Sào.
Qua phản ánh của nhân dân và kết quả kiểm tra thực tế của Phòng TN&MT huyện Như Xuân, UBND huyện Như Xuân đã có ý kiến nhắc nhở và chỉ đạo công ty khẩn trương khắc phục. Song, đến nay vẫn có ý kiến phản ánh, cụ thể vào chiều ngày 04/7/2024, người dân xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) đã tập trung đông người để phản ánh sự việc trên.
Tại thời điểm kiểm tra, trang trại đang nuôi 12.000 con lợn (12 chuồng nuôi lợn thịt, 06 chuồng nuôi lợn nái và lợn đực), đã đầu tư xây dựng công trình, hệ thống xử lý nước thải tập trung, công suất 450m3/ngày đêm, hệ thống đang vận hành, hoạt động, gồm (04 hố thu phân, 02 hầm biogas, 01 trạm xử lý hoá lý kết hợp vi sinh, 01 hồ sinh học kết hợp hồ sự cố. Tại hồ này không lót bạt hay xây thành đáy) đã lắp dựng buồng xử lý mùi hôi sau các dãy chuồng nuôi. Khảo sát một số vị trí trên tuyến Khe Sào ở xã Nghĩa Yên cho thấy, nước có màu nâu cánh gián, trên bề mặt nước có váng; một số vị trí có vài xác cá bị chết.
Buổi kiểm tra cũng ghi nhận một số ý kiến sau: Ông Nguyễn Anh Tuấn, xóm Lâm Sinh, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn phản ánh hoạt động của trang trại lợn xả nước thải ra môi trường (suối Tổng Kho phía Thanh Hóa; Khe Sào phía Nghệ An) gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân khu vực, người dân rất băn khoăn, lo lắng. Đề nghị trang trại khẩn trương khắc phục sự việc trên, không tái diễn. Đề nghị các cấp, ngành trên cơ sở kết quả kiểm tra, kết quả quan trắc mẫu môi trường, xử lý nghiêm các vi phạm, có thông báo kết quả đến nhân dân được biết.
Ông Phan Văn Hà, xóm Lâm Sinh, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn (công dân có đơn phản ánh): Khe Sào là nơi chứa đựng nguồn nước sạch cho người dân sử dụng, trước đây nước rất trong xanh, nhưng đến nay rất ô nhiễm do hoạt động nuôi lợn của trang trại Tâm Việt gây ra, người dân rất hoang mang, lo lắng. Đề nghị các cấp chính quyền địa phương quan tâm xử lý, trả lại môi trường nước trong sạch cho người dân sử dụng.
Về phía chính quyền, ông Hoàng Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Yên cho biết, trước đây con suối nước trong mát, không có màu đục như hiện nay. Kể từ khi trang trại Tâm Việt đi vào hoạt động, nguồn nước này có biến đổi theo chiều hướng xấu, mùi hôi và màu đen, có nhiều thời điểm cá ở suối bị chết.
Thời gian qua, đã có 02 lần người dân phản ánh đến xã Nghĩa Yên về vấn đề gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi của trang trại Tâm Việt. UBND xã đã phối hợp kiểm tra, xác minh và báo cáo lên UBND huyện về nội dung phản ánh để đề nghị cơ quan chuyên môn của tỉnh Thanh Hóa lấy mẫu, sớm có kết quả trả lời cho người dân, chính quyền địa phương. Yêu cầu trang trại xử lý nước thải đạt quy chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường, trường hợp không thực hiện, xả nước thải ra Khe Sào gây ô nhiễm, sẽ bị xử lý nghiêm vi phạm về môi trường.
Đại diện lãnh đạo UBND xã Bãi Trành, thông tin, chiều ngày 04/7/2024, nhiều người dân xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn tập trung đông người phản ánh đến chính quyền địa phương về ô nhiễm môi trường do hoạt động nuôi lợn của trang trại Tâm Việt gây ra. Sau khi tiếp nhận thông tin, UBND xã đã kiểm tra, xác minh và phối hợp với xã Nghĩa Yên để giải quyết.
Qua kiểm tra cho thấy, nước Khe Sào có màu nâu cánh gián, UBND xã đã ghi nhận toàn bộ sự việc, tuyên truyền đến người dân để đảm bảo an ninh trật tự địa bàn và báo cáo lên UBND huyện để có hướng xử lý, giải quyết. Ông Nguyễn Huy Anh, Phó trưởng phòng TN&MT huyện Nghĩa Đàn cho biết: Qua kiểm tra thực tế nguồn nước Khe Sào cho thấy nước có màu đen, đặc trưng của nước thải chăn nuôi. Trang trại Tâm Việt đi vào hoạt động đã có đầy đủ các hồ sơ, thủ tục về môi trường, đầu tư cơ bản đầy đủ các công trình xử lý chất thải, đặc biệt là nước thải. Đề nghị các cơ quan chuyên môn của tỉnh Thanh Hóa sớm có kết quả phân tích mẫu nước, xác định nguyên nhân nguồn nước bị ô nhiễm để trả lời công dân. Yêu cầu trang trại Tâm Việt vận hành thường xuyên, đầy đủ công trình xử lý nước thải, chỉ xả nước thải ra môi trường khi các thông số trong nước thải đạt quy chuẩn cho phép.
Theo thông tin từ lãnh đạo UBND huyện Như Xuân, ngày 04/7/2024, UBND huyện nhận được phản ánh và thông tin từ UBND xã Bãi Trành và UBND huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) về nguồn nước Khe Sào bị ô nhiễm, người dân cho rằng nguồn nước ô nhiễm này là do hoạt động của trang trại Tâm Việt gây ra. Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND xã Bãi Trành nắm tình hình, ghi nhận toàn bộ nội dung phản ánh. Huyện cũng đã mời cơ quan có chuyên môn của tỉnh để kiểm tra, xác định nguyên nhân và quan trắc, phân tích chất lượng nước Khe Sào để trả lời công dân và xử lý nghiêm vi phạm gây ô nhiễm (nếu có). Đề nghị chính quyền địa phương tuyên truyền đến người dân địa bàn về kết quả giải quyết của đơn vị chức năng để ổn định an ninh trật tự. Đề nghị Sở TN&MT, sau khi có kết quả giải quyết, kết quả quan trắc mẫu nước, thông tin đến các đơn vị liên quan của huyện để thông báo đến người dân yên tâm.
Liên quan đến nội dung kiểm tra, biên bản kiểm tra còn cho thấy: Thời điểm kiểm tra không phát hiện trang trại có lắp đặt đường ống hoặc các đường thải khác để xả nước thải hay bơm xả nước thải ra môi trường. Đoàn kiểm tra cũng đã lấy 02 mẫu nước thải của trang trại, 04 mẫu nước mặt (02 mẫu nước Khe Sào, 01 mẫu nước suối Tổng Kho, 01 mẫu nước khe từ phía trang trại xả ra suối Tổng Kho)…
Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ và sẽ sớm thông báo kết quả phân tích các mẫu nước đến người dân, chính quyền, đồng thời xử lý nghiêm sai phạm (nếu có).
Ngày 7/7/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 45/2022/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong đó, một số khoản, mục thuộc Điều 11 Quy định xử phạt vi phạm quy định về giấy phép môi trường như sau:
Khoản 1. Hành vi vi phạm quy định về thực hiện giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc thực hiện giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an mà đối tượng tương đương thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại các Điều 15, 29, 30, 31, 35 và 38 của Nghị định này bị xử phạt như sau:
- e) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi không có giấy phép môi trường được cấp lại theo quy định;
- g) Phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không vận hành hoặc không vận hành thường xuyên hoặc vận hành không đúng quy trình đối với công trình xử lý chất thải; xây lắp công trình xử lý chất thải không đúng theo giấy phép môi trường;
- h) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường; không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định.
Khoản 2. Hành vi vi phạm quy định về thực hiện giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc thực hiện giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an mà đối tượng tương đương thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trừ trường hợp quy định tại các Điều 15, 29, 30, 31, 35 và 38 của Nghị định này bị xử phạt như sau:
- e) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 170.000.000 đồng đối với hành vi không có giấy phép môi trường được cấp lại theo quy định;
- g) Phạt tiền từ 170.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi không vận hành hoặc vận hành không thường xuyên hoặc vận hành không đúng quy trình đối với công trình xử lý chất thải; xây lắp công trình xử lý chất thải không đúng theo giấy phép môi trường;
- h) Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với hành vi xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường; không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định.
Đình Đông - Nguyễn Công