Thứ năm, 28/11/2024 02:07 (GMT+7)
Thứ hai, 09/03/2020 13:17 (GMT+7)

Thế giới 'căng mình' chống dịch Covid-19

Theo dõi KTMT trên

Dịch viêm phổi cấp do virus Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc đã lan nhanh tới 103 quốc gia, với hơn 100.000 người mắc bệnh và 3.828 người tử vong. Trong 30 năm qua, thế giới đối mặt với 4 đại dịch nguy hiểm là Ebola, MER, SARS... và giờ là nỗi kinh hoàng mang tên Covid-19.

Hàng triệu người đã phải cách ly, số người chết vượt xa tổng cộng ca tử vong của 3 đại dịch trước đó (Ebola, MER, SARS) và chưa dừng lại. Những thành phố công nghiệp sầm uất bậc nhất thế giới bỗng chốc trở nên vắng lặng, thưa bóng người, giao thông ngưng trệ, sản xuất kinh doanh bị gián đoạn... Chỉ có những bệnh viện luôn đặc kín bệnh nhân, thiếu thốn đủ thứ vì tình trạng quá tải cùng nỗi tuyệt vọng của người dân trong các vùng tâm dịch ở Trung Quốc, Hàn Quốc...

“Thành phố ma” không một bóng người

Bệnh dịch viêm phổi bắt đầu xuất hiện từ cuối tháng 12/2019 tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc nơi hiện có 11 triệu người sinh sống. Ðến ngày 23/1/2020 do mức độ nghiêm trọng của dịch virus Corona chủng mới, chính quyền Trung Quốc đã quyết định ban bố lệnh phong tỏa Vũ Hán nhằm ngăn chặn sự lây lan quá nhanh của loại virus nguy hiểm chết người này, dù vài ngày trước còn tuyên bố là “nằm trong tầm kiểm soát”.

Thế giới 'căng mình' chống dịch Covid-19 - Ảnh 1
Đường phố Vũ Hán lạnh lẽo kể từ khi bị phong toả.

Mọi chuyện diễn ra hoàn toàn bất ngờ. Ðúng 10 giờ sáng ngày 23/01/2020, lệnh phong toả toàn thành phố có hiệu lực, “nội bất xuất, ngoại bất nhập” khiến 11 triệu dân tại Vũ Hán bắt đầu rơi vào trạng thái hoang mang, lo sợ. Hơn 5 triệu người Vũ Hán đã kịp rời khỏi thành phố ngay trước lệnh phong toả, không ít trong số họ mang theo virus đi khắp nơi, không thể định lượng. Ðây là thời khắc chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc và trên thế giới.

Thành phố Vũ Hán - thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, nơi vốn sầm uất, nhộn nhịp nay bỗng trở nên vắng lặng giữa lúc con số về ca nhiễm bệnh và ca tử vong do Covid-19 tăng lên từng ngày. Giới chức trách cấm tất cả các tuyến đường giao thông, ngưng hệ thống tàu điện ngầm, xe buýt, cũng như đóng cửa sân bay và ga tàu hỏa. Các trung tâm thương mại, siêu thị và nhà hàng... đều đóng cửa. Hàng triệu người bị cách ly hoàn toàn, lương thực cạn kiệt, gia đình ly tán, nhiều người nhiễm bệnh không thể đến bệnh viện, trở thành nguồn lây nhiễm cho những người khoẻ khác.

Số người mắc tăng lên theo cấp số nhân, các ca bệnh nặng đã tử vong, trong đó có bác sĩ đầu tiên đưa cảnh báo về virus lạ và giám đốc một bệnh viện ở Vũ Hán... Trung Quốc lập tức xây 2 bệnh viện dã chiến với 2.500 giường bệnh trong gần 2 tuần, song cũng không thể chống đỡ khi số ca mắc đã vượt 80.000 người, gần 3.000 người tử vong và đến nay số ca mắc tại Trung Quốc là 80.735 người, với 3.119 người tử vong (thống kê đến ngày 9/3).

Thế giới 'căng mình' chống dịch Covid-19 - Ảnh 2
Nhà ga Hankou tại Vũ Hán hôm 22/1, một ngày trước lệnh cấm phương tiện công cộng tại thành phố vì bệnh viêm phổi do virus Corona chủng mới. (Ảnh: AP)

Bella Zhang, một nhân viên bán hàng, gần như kiệt sức khi chứng kiến từng người thân trong gia đình gồm ông bà, mẹ và hai em có triệu chứng của virus Covid-19. Gia đình cô đã cầu xin sự giúp đỡ nhưng các bệnh viện trong thành phố Vũ Hán đã quá tải nên từ chối tiếp nhận thêm bệnh nhân.

“Họ bảo với chúng tôi hãy chờ đợi. Nhưng phải chờ tới lúc nào nữa. Gia đình tôi đã mất một người thân rồi”, mẹ của Zhang chia sẻ.

Cạn lương thực, thuốc và... tuyệt vọng!

Cuộc sống của hàng triệu người dân bị cách ly tại tâm dịch Vũ Hán đang vô cùng khó khăn khi tình hình dịch bệnh ngày càng khó kiểm soát.

Họ đứng xếp hàng mua gạo, trái cây và rau củ ở các cửa hàng thực phẩm vẫn hoạt động trong khi hầu hết các cửa hàng khác đều đã đóng cửa. Các kệ hàng thiết yếu bị vét sạch trống trơn, người dân phải tranh thủ thời gian hiếm hoi được ra ngoài cứ 2-3 ngày/lần để tích trữ lương thực cho gia đình.

Những người kém may mắn khác đang phải xếp hàng dài trong những bệnh viện quá tải để chờ xét nghiệm, điều trị, hoặc cầu xin phép màu cho người thân vừa ngã gục ở hành lang vì virus Covid-19... Hầu hết họ thậm chí chỉ mới nghe về virus lạ này vài tuần trước đó, còn giờ chỉ nhắc tên thôi đã thấy rùng mình khiếp sợ.

Thế giới 'căng mình' chống dịch Covid-19 - Ảnh 3
Người dân Vũ Hán đã “vét sạch” thực phẩm, rau xanh tại các siêu thị lớn để cố gắng tồn tại suốt hơn 1 tháng thành phố này bị phong toả.

Cư dân Chen Huifang trả lời trong một cuộc phỏng vấn, cho biết mẹ của cô đã được xét nghiệm máu và chụp cắt lớp ở hai bệnh viện tại Vũ Hán trong các ngày 19, 20/1/2020. Kết quả cho thấy bà bị lây nhiễm ở cả hai lá phổi. Bác sĩ nói rằng bà cần nhập viện nhưng lại không có giường, đồng thời từ chối xác nhận bà có bị nhiễm Covid-19 hay không.

Thông tin của Chen đặt ra hoài nghi thực sự có bao nhiêu người mắc bệnh đã bị “quên” không được xét nghiệm đầy đủ, trở thành nguồn lây lan cho cộng đồng?

Trong cảnh hỗn loạn tại thành phố, nhiều người dân Vũ Hán cho biết, điều cần thiết nhất bây giờ chính là điều trị y tế.

Nhật ký “Vũ Hán những ngày phong thành” của nhà văn Phương Phương đăng trên chuyên trang blog Caixin đã cho thấy tình người lẫn hiện thực tàn khốc ở tâm dịch từ khi Vũ Hán bị phong tỏa, gây ám ảnh hàng triệu người đọc trên thế giới.

“Ngày 2/2: Hôm nay mùng chín, chúng tôi đã chịu đựng bao nhiêu ngày rồi? Tôi cũng lười tính. Hôm nay thứ mấy? Khó mà nói ngay được. Ai còn nhớ hôm nay là thứ mấy.

Thời tiết Vũ Hán bắt đầu âm u, buổi chiều, trời mưa. Những bệnh nhân đang lê lết ngoài kia sẽ càng đáng thương. Ðường phố Vũ Hán, người ít đèn sáng, mọi thứ vẫn có trật tự. Về cơ bản, nhu yếu phẩm hàng ngày không thiếu. Chỉ cần gia đình không ai mắc bệnh, cả nhà sẽ yên ổn chứ không phải địa ngục như người ngoài tưởng tượng. Nhưng nếu gia đình có người bị bệnh, mọi thứ sẽ hỗn loạn.

Ðiều làm tôi đau lòng nhất hôm nay là khi xem video cô con gái gào khóc sau xe chở thi thể của mẹ. Mẹ cô ấy chết, cô ấy chẳng thể đưa tang.

Buổi chiều, trò chuyện với một phóng viên, cậu ấy nói bất lực. Mọi người chỉ nhìn thấy những con số nhưng đằng sau các con số đó là gì? Những người trẻ đang trải qua giai đoạn không dễ dàng. Họ phải đối diện sự thật tàn khốc: sự giằng xé, chết chóc và cả những chỉ thị của cấp trên.

Ngày 13/2: Tin tức hôm nay làm tôi đau lòng: Họa sĩ Lưu Thọ Tường qua đời lúc sáng sớm. Vốn biết anh ấy nhiễm virus Corona nhưng tôi chưa từng nghĩ anh ấy không thể qua được kiếp này. Tim tôi tan nát khi một người bạn là bác sĩ gửi cho bức ảnh. Trong ảnh, những chiếc điện thoại vứt đầy nhà tang lễ. Chủ nhân của chúng đều đã thành tro”…

Ðội ngũ y, bác sĩ ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh

Sau khi thành phố Vũ Hán bùng phát dịch viêm phổi cấp, hơn 500.000 nhân viên y tế của tỉnh Hồ Bắc đã phải bỏ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trở lại vị trí để chiến đấu trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan quá nhanh. Áp lực, nguy hiểm, thậm chí có nguy cơ thiệt mạng nhưng họ vẫn động viên nhau “cố lên, hãy cố lên”.

Thế giới 'căng mình' chống dịch Covid-19 - Ảnh 4
Các bác sĩ ở Vũ Hán động viên một bệnh nhân trong phòng cách ly. (Ảnh: THX)

Tính đến ngày 28/1, Trung Quốc đã cử gần 6.000 nhân viên y tế từ khắp đất nước đến tỉnh Hồ Bắc trong cuộc chiến chống lại sự bùng phát của virus Corona mới. Những vất vả, cố gắng của nhân viên y tế - đội ngũ “chiến binh” ở tuyến đầu chống dịch đã được Chính phủ và nhân dân ghi nhận.

Tại hầu hết bệnh viện, các y, bác sĩ phải chiến đấu với Covid-19 trong tình trạng thiếu thốn khẩu trang và thiết bị y tế trầm trọng. Họ phải dùng băng dính để chắp vá tạm những chiếc khẩu trang rách, tái sử dụng những cặp kính bảo hộ đáng lẽ chỉ được dùng 1 lần, dùng túi nilon để bọc giày do loại bọc y tế chuyên dụng đã không còn.

Thế giới 'căng mình' chống dịch Covid-19 - Ảnh 5
Một bác sĩ ở Trung Quốc đã nói lời “Tạm biệt” với vợ mình trước khi đến Vũ Hán để tiếp sức cho cuộc chiến chống Corona. (Ảnh: Twitter)

Các bệnh viện đang chật vật đáp ứng số lượng bệnh nhân khổng lồ. Nhiều bệnh viện lâm vào tình trạng thiếu nguồn cung thiết bị y tế, thuốc men trầm trọng, các nhân viên y tế luôn trong trạng thái căng thẳng và hoảng sợ. Các bác sĩ trực 24/24, sống trong bệnh viện, ngày đêm chiến đấu với những ca nhiễm bệnh.

Thế giới 'căng mình' chống dịch Covid-19 - Ảnh 6
Bác sĩ chết vì chống dịch Covid-19 ở Trung Quốc.

Ðáng sợ hơn, nhiều bác sĩ và nhân viên y tế có triệu chứng nhiễm bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục phải làm việc vì số bệnh nhân ngày càng tăng. Họ phải làm việc liên tục nhiều giờ, phải nhịn ăn trong suốt quá trình vào chăm sóc cho bệnh nhân bị cách ly. Thậm chí họ phải đóng bỉm trong suốt thời gian trực ca vì không có thời gian để đi vệ sinh, mà cũng vì sợ làm hư hỏng bộ đồ bảo hộ duy nhất còn lại... Các nhân viên y tế - những người đi đầu trong cuộc chiến chống dịch Corona - đang dần trở thành nạn nhân của dịch bệnh.

Dù làm việc liên tục dưới áp lực nhưng đội ngũ y bác sĩ ở Vũ Hán mang tinh thần “chiến binh”, quyết tâm ngăn chặn đại dịch.

Thế giới 'căng mình' chống dịch Covid-19 - Ảnh 7

Ngày 20/2, Bành Ngân Hoa - bác sĩ trẻ ở thành phố Vũ Hán đã qua đời sau gần 3 tuần hoãn đám cưới của mình để chống dịch. Những tấm thiệp hồng còn chưa kịp gửi cho đồng nghiệp vẫn còn nằm trong tủ bàn làm việc của bác sĩ Hoa. Sau khi nhận nhiệm vụ, bác sĩ Hoa liên tục làm việc từ sáng đến tối. Anh mất vì dịch Covid-19 khi mới chỉ 29 tuổi.

Tra Quỳnh Phương (45 tuổi) là một trong những nhân viên y tế đầu tiên của Thượng Hải được cử tới thành phố Vũ Hán. Bác sĩ Tra làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Kim Ngân Ðàm. Ngày 20/2, Trung Quốc Nhật Báo đã đăng lại nhật ký của nữ bác sĩ trong hơn 3 tuần công tác.

“Ngày 28/1 (ngày thứ tư của tôi ở Vũ Hán):Công việc của chúng tôi đang tiến triển, thiết bị y tế đang được đưa nhanh tới các bệnh viện ở Vũ Hán, cho chúng tôi thêm nhiều lựa chọn để chữa trị cho bệnh nhân. Nhưng chúng tôi vẫn đối diện với áp lực quá lớn, 85% bệnh nhân mà đội của chúng tôi chịu trách nhiệm chăm sóc đang trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 5/2:Tôi đã gặp một trong các đồng nghiệp ở Thượng Hải. Người này đang làm nhiệm vụ tại một bệnh viện khác ở Vũ Hán. Anh ấy cho biết đã làm việc từ sáng tới gần nửa đêm hôm qua... Anh ấy không kiềm được nước mắt khi chứng kiến nỗi đau mà người dân ở Vũ Hán đang trải qua. Tối nay, cả hai chúng tôi đều làm ca đêm, anh ấy thì làm 12 tiếng đồng hồ còn tôi thì 14 tiếng, không có nước uống hay thức ăn. Chúng tôi mong may mắn sẽ lại đến”…

“Thần tốc” xây dựng hai bệnh viện dã chiến

Trong tình hình nguy cấp, Trung Quốc đã khẩn cấp xây dựng hai bệnh viện dã chiến để giúp giảm sức ép quá tải cho các bệnh viện ở Vũ Hán khi số lượng bệnh nhân tăng chóng mặt.

Bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn được xây dựng trên diện tích 25.000 m2 với 1.000 giường bệnh. Còn bệnh viện dã chiến Lôi Thần Sơn được thi công trong 12 ngày, có diện tích 30.000 m2 với 1.500 giường bệnh. Ðầu tháng 2, hai bệnh viện lần lượt đi vào hoạt động song cũng không thể đáp ứng được lượng bệnh nhân quá đông vẫn tiếp tục tăng nhanh.

Thế giới 'căng mình' chống dịch Covid-19 - Ảnh 8
Công nhân xây dựng phải làm việc cả ngày lẫn đêm để sớm hoàn thành bệnh viện dã chiến.

Tính từ tháng 12/2019 đến nay, dịch Covid-19 đã lây lan tới 103 quốc gia với hơn 100.000 ca mắc và hơn 3.828 người tử vong (cập nhật đến sáng ngày 9/3/2020). Trong đó, Trung Quốc có hơn 80.735 người mắc và 3.119 người tử vong.

Với người dân Trung Quốc, cuộc sống vẫn tiếp diễn và họ đang thích nghi với hoàn cảnh dịch bệnh nguy hiểm. Họ luôn mong chờ ngày dịch bệnh bị đẩy lùi và nhiều thành phố thoát khỏi cảnh bị phong tỏa. Không ít người đã bị mất đi người thân và có những thứ sẽ thay đổi mãi mãi, nhưng họ vẫn hy vọng rằng cuộc sống có thể sớm trở lại như bình thường.

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết Thế giới 'căng mình' chống dịch Covid-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới