Chủ nhật, 24/11/2024 09:28 (GMT+7)
Thứ sáu, 04/12/2020 10:19 (GMT+7)

Thế giới đang chia tay điện than, vì sao Việt Nam vẫn khó dứt bỏ?

Theo dõi KTMT trên

Sau hơn một thập kỷ phát triển bùng nổ chưa từng có, từ năm 2016 đến nay, công suất điện than của toàn thế giới đã giảm xuống đáng kể do ngày càng nhiều quốc gia có xu hướng loại bỏ dần nhiệt điện than.

Thế giới dần nói không với điện than

Theo Tổ chức Giám sát năng lượng toàn cầu (GEM), trong ba năm qua tổng công suất các nhà máy nhiệt điện than mới ở khu vực Đông Nam Á liên tục giảm mạnh. Nếu như năm 2016 tổng công suất là 12.920 MW thì năm 2017 giảm hơn một nửa, còn 6.355 MW, và tiếp tục giảm hơn một nửa còn 2.744 MW trong năm 2018.

Tại châu Âu, tính đến năm 2018, 109 dự án nhà máy nhiệt điện than đã bị hủy bỏ. Tại Mỹ, 179 dự án nhiệt điện than mới đã bị ngăn chặn và 165 nhà máy đang vận hành đã ngừng hoạt động. Tương tự tại Trung Quốc, bắt đầu từ năm 2014, Chính phủ Trung Quốc cũng đã ra lệnh cấm cấp phép xây nhiệt điện than ở nhiều nơi. Ngày 26/1 vừa qua, sau hơn 20 giờ đàm phán, Ủy ban Than Đức (GCC), bao gồm nhiều công ty sản xuất điện, các nhà khoa học, nhà môi trường đã tiến tới được thỏa thuận đóng cửa tất cả nhà máy điện than.

Thế giới đang chia tay điện than, vì sao Việt Nam vẫn khó dứt bỏ? - Ảnh 1
Nhiều quốc gia trên thế giới đang loại bỏ dần điện than. (Ảnh: Internet)

Trong năm 2019, Ngân hàng DBS của Singapore, Tập đoàn OCBC trụ sở tại Singapore, Ngân hàng UOB trụ sở ở Singapore và Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ trụ sở tại Nhật Bản là những cái tên mới nhất ở châu Á tham gia danh sách hơn 100 tổ chức tài chính trên thế giới hạn chế và ngừng cho vay với các dự án xây nhà máy nhiệt điện.

Báo cáo từ Tổ chức giám sát năng lượng toàn cầu cho biết, chi phí đầu tư cho điện năng lượng tái tạo đang giảm nhiều khiến nhiệt điện than đang bị loại dần ra khỏi thị trường. Hơn 100 tổ chức tài chính đã đưa các nhà máy nhiệt điện than vào danh sách đen và có hành động chính trị nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon đang gia tăng.

Châu Âu đang dẫn đầu thế giới trong việc nhanh chóng thay thế điện than bằng điện gió và điện mặt trời, và kết quả là phát thải CO2 trong lĩnh vực điện đã giảm nhanh chóng. 30% trong tổng phát thải từ nhiên liệu hoá thạch toàn cầu đến từ điện than, cho nên cần tập trung ngay vào việc chuyển dịch khỏi nhiệt điện than ở tất cả các nước. Châu Âu đã trở thành một nơi thử nghiệm nhằm thay thế điện than bằng điện gió và điện mặt trời, và kết quả đạt được sẽ tạo sự đảm bảo cho các nước rằng họ cũng có thể đẩy nhanh quá trình loại bỏ nhiệt điện than.

Điện than có giá thấp chỉ sau thủy điện

Tại Việt Nam, nhiệt điện than xuất hiện từ 1925 dưới thời kỳ Thực dân Pháp. Hơn 30 năm đổi mới hàng năm nhiệt điện than đóng góp hàng trăm tỉ kWh cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Báo cáo thực trạng phát triển điện lực mới đây của Bộ Công Thương cho thấy: Đến hết năm 2019, tổng công suất lắp đặt nguồn điện tăng trên 2,6 lần so với năm 2010, đạt 54.880 MW. Trong cơ cấu nguồn điện toàn quốc năm 2019, nhiệt điện than chiếm 36%, thủy điện chiếm 37%, tuabin khí và nhiệt điện chạy dầu chiếm 16%, năng lượng tái tạo chiếm 10%, nhập khẩu chiếm 1%. Tổng số nhà máy điện đang hoạt động là 160 (không bao gồm các nhà máy thủy điện nhỏ và năng lượng tái tạo).

Giai đoạn 2011 - 2015, điện than có mức tăng trưởng lớn nhất (bình quân 27%/ năm), tiếp đến là thủy điện. Còn giai đoạn 2016-2019, tăng trưởng xây dựng nguồn điện đã sụt giảm đáng kể với bình quân chỉ đạt 8%/năm, trong đó giảm nhiều nhất là thủy điện (chỉ còn bình quân 5%/ năm) và nhiệt điện than (chỉ còn bình quân 10%/ năm).

Những năm qua, tỉ trọng điện năng sản xuất có xu hướng tăng nhanh: Từ 17% năm 2010 tăng lên tới 35% năm 2015 và chiếm tới 50% trong cơ cấu nguồn điện năm 2019.

Trong định hướng xây dựng quy hoạch điện 8, nhiệt điện khí và năng lượng tái tạo đang được dự kiến gia tăng sản lượng đóng góp vào hệ thống điện, giảm tỉ lệ nhiệt điện than.

Điện than giảm, đòi hỏi phải có nguồn điện thay thế. Những diễn biến gần đây cho thấy, điện khí, điện mặt trời, điện gió,... đang vươn lên. Hàng trăm nghìn MW điện khí đang trực chờ bổ sung quy hoạch, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước muốn rót tiền vào điện khí. Hàng chục ngàn MW điện gió, điện mặt trời cũng được tấp nập đầu tư.

Thế giới đang chia tay điện than, vì sao Việt Nam vẫn khó dứt bỏ? - Ảnh 2
Nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 2. (Ảnh: TTXVN)

Nhưng giá cao là đặc điểm của những loại hình năng lượng được đánh giá là “thân thiện với môi trường” này. Hiện nay, điện than có giá thấp chỉ sau thủy điện, và thấp hơn nhiều điện mặt trời, điện gió, điện khí.

Vì thế, khi nói về việc giảm điện than, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh có lý do để lưu ý rằng “không thể trút gánh nặng lên nền kinh tế nếu nguồn điện giá cao đưa vào ồ ạt, làm ảnh hưởng quá trình phát triển kinh tế - xã hội”.

Rõ ràng, khi chấp nhận rút dần vai trò của nhiệt điện than để tìm đến các nguồn năng lượng “thân thiện với môi trường” hơn, người dùng cũng phải đối mặt với tác động từ việc giá điện cao. Nhưng huy động nguồn điện giá cao ở mức nào là điều cơ quan chức năng phải tính toán, không phải sau một đêm là “quay ngoắt” với điện than.

Việt Nam khó "thoát" điện than

Theo TS Tô Vân Trường - chuyên gia tài nguyên nước và môi trường, Việt Nam vẫn chưa thể ngưng phát triển điện than.

Theo ông Trường, mặc dù điện gió và điện mặt trời có ưu điểm là ít gây tác động môi trường, hầu như không phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu, nhưng lại “đỏng đảnh”, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, chiếm dụng nhiều đất đai (đặc biệt với các trang trại điện mặt trời).

Trong khi đó, hiệu quả truyền tải thấp (điện mặt trời chỉ phát lên lưới khoảng 12 tiếng đồng hồ/ngày, nghĩa là có 12 tiếng lưới điện không được sử dụng nếu không có nguồn khác phát lên cùng tuyến truyền tải), chưa kể tới việc còn gây mất ổn định lưới trong quá trình vận hành khiến điều độ hệ thống phải huy động các nguồn dự phòng đắt tiền để bù đắp/ổn định lưới.

Nói cách khác, năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió không ổn định và trồi sụt do thời tiết, nên phải có điện truyền thống chạy nền hỗ trợ như thủy điện, nhiệt điện than, khí hóa lỏng.

“Với Việt Nam thì thủy điện cũng đang bị “ném đá” không kém gì nhiệt điện than, còn điện khí thì khá đắt nên muốn cân đối vừa đủ điện phục vụ tăng trưởng kinh tế khá cao lại vừa sạch về môi trường, rẻ về chi phí là bài toán nan giải. Không thể bỏ ngay điện than và thay thế hơn 17.000 MW công suất điện từ 14 nhà máy nhiệt điện than kia bằng năng lượng tái tạo được. Nếu kiến nghị, chỉ nên đề xuất chấp thuận các dự án nhiệt điện than đạt tiêu chuẩn kỹ thuật tốt nhất hiện có (BAT) và kinh nghiệm môi trường tốt nhất (BEP), chứ nói dừng hẳn các dự án mới thì bất khả thi”, TS Tô Vân Trường nhấn mạnh.

Minh Tuệ

Bạn đang đọc bài viết Thế giới đang chia tay điện than, vì sao Việt Nam vẫn khó dứt bỏ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới