Chủ nhật, 24/11/2024 06:52 (GMT+7)
Thứ hai, 07/02/2022 17:00 (GMT+7)

Thế giới trải qua thời khắc độc nhất trong hơn một thế kỷ

Theo dõi KTMT trên

Thế giới đang trải qua thời khắc đặc biệt nhưng đáng buồn, theo các chuyên gia y tế: Chỉ trong gần 6 tuần, biến chủng Omicron đã khiến nhiều người mắc bệnh hơn bất kỳ giai đoạn nào trong lịch sử kể từ đại dịch cúm năm 1918-1919.

Khi làn sóng lây nhiễm biến chủng Omicron đã đạt đỉnh ở nhiều nơi trên thế giới, tháng 2 có khả năng chứng kiến ​​số ca bệnh tăng cao vì biến chủng tiếp tục bùng phát nhanh chóng. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực, từ bệnh viện cho đến nhà máy và thúc đẩy cuộc tranh luận về các hạn chế Covid-19, đặc biệt là khi Omicron dường như có triệu chứng ít nghiêm trọng hơn.

Riêng ở Anh, trung bình cứ 6 người thì có một người mắc bệnh kể từ khi biến chủng Omicron xuất hiện vào cuối tháng 11/2021. Tỷ lệ này ở Đan Mạch là khoảng 1/5 và ở Israel là 1/10.

Thế giới trải qua thời khắc độc nhất trong hơn một thế kỷ - Ảnh 1
Biến chủng Omicron có khả năng khiến nhiều người bị bệnh hơn bất kỳ giai đoạn nào tương tự kể từ đại dịch 1918-1919. (Ảnh: AP)

Christopher Murray - Giám đốc Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe của Đại học Washington (IHME), chuyên gia theo dõi sức khỏe toàn cầu nhấn mạnh: "Đây là khoảnh khắc độc nhất không thể tin nổi khi chúng ta chứng kiến rất nhiều người mắc một bệnh dịch cùng một lúc".

Ước tính, có khoảng 1/5 người Mỹ đã mắc chủng Omicron vào giữa tháng 1. Con số này có thể tăng gấp đôi trước khi đợt bùng phát dịch được kiểm soát hoàn toàn vào giữa tháng 2, theo nhận định của Trevor Bedford – Nhà virus học tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutch.

“Có khoảng 40% dân số bị nhiễm cùng một loại bệnh dịch trong khoảng thời gian 8 tuần là điều đáng quan ngại. Điều này chưa từng có tiền lệ. Chúng ta chỉ ghi nhận có 10% dân số mắc bệnh trong 16 tuần khi vào mùa cúm", ông Christopher Murray nhận xét.

Làn sóng Covid-19 hiện nay đang lan rộng trên toàn cầu

Khác với các đợt dịch trước đây – với số lượng người mắc ít hơn và chỉ bùng phát ở các khu vực khác nhau trên thế giới tại thời điểm khác nhau, làn sóng Covid-19 hiện nay đang lan rộng trên toàn cầu. Điều này chưa tính tới trường hợp của châu Á, khi khu vực này vẫn chưa chứng kiến ​​số ca tăng cao đáng kể vì biến chủng Omicron.

Đáng chú ý là không phải ai mắc Covid-19 cũng có biểu hiện bị ốm. Theo IHME, ước tính 80-90% bệnh nhân mắc chủng Omicron không có triệu chứng, so với tỷ lệ khoảng 40% mắc biến chủng Delta và cúm mùa.

Ngay cả khi chỉ 5% trong số những bệnh nhân mắc Covid-19 có triệu chứng nặng thì đó vẫn là con số rất lớn. Hiện tại, bệnh viện trường đại học của ông hiện có khoảng 10% bác sĩ và nhân viên y tế (900 nhân viên) đang bị ốm hoặc chăm sóc cho người nhà bị ốm hồi giữa tháng 1, ông Murray cho hay.

Thế giới trải qua thời khắc độc nhất trong hơn một thế kỷ - Ảnh 2
Công nhân tại Mexico xếp hàng chờ tiêm mũi tăng cường. (Ảnh: Reuters)

Nhưng chỉ thế, ngoài Covid-19, bệnh cúm cũng xuất hiện trở lại. Dù không phổ biến như trước đại dịch, nhưng cúm mùa cũng đang làm tăng thêm số lượng người ốm. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ước tính từ tháng 10/2021 cho đến nay, có 2 triệu người Mỹ đã mắc cúm và xuất hiện triệu chứng.

Quy mô và tốc độ lây nhiễm của chủng Omicron có thể so sánh với mức độ tàn phá của đại dịch cúm năm 1918-1919, bác sĩ William Schaffner, Giáo sư các bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Đại học Vanderbilt nhận xét.

Our World in Data cho rằngtính đến tháng 1/2022, thế giới có hơn 84 triệu ca mắc Covid-19, tương đương với số lượng người dương tính trong cả năm đầu tiên của đại dịch (2020). May mắn, nhờ các chiến dịch tiêm vaccine rộng rãi hoặc miễn dịch từ lần mắc trước đó, cùng với các phương pháp điều trị mới đã giúp duy trì số ca tử vong vì Covid-19 tương đối thấp, ở mức 217.442 ca.

Mặt khác, nghiên cứu cho thấy việc xét nghiệm chỉ giúp phát hiện một số lượng nhỏ người mắc Covid-19. IHME cảnh báo, thế giới có thể chạm mốc 95 triệu người mắc Covid-19 mỗi ngày, khả năng cao là do nhiễm biến chủng Omicron vào đầu tháng 1. Con số này cao gấp sáu lần so với mức đỉnh dịch của các biến chủng trước đó. Phía IHME cũng dự báo, tính hình dịch bệnh sẽ khả quan trong vài tuần tới khi các ca mắc giảm dần và làn sóng dịch toàn cầu có thể sẽ kết thúc vào giữa tháng 3 năm nay.

Tấn công của đại dịch trên mọi mặt trận

Hiện dịch bệnh tác động gấp 3 lần lên thị trường lao động. Trong đó, những bệnh nhân Covid-19, những người chăm sóc và những người mắc bệnh không có triệu chứng nhưng có xét nghiệm dương tính phải ở nhà để tuân thủ quy tắc phòng chống dịch.

Đây là nguyên nhân khiến số lượng người không thể làm việc lớn chưa từng thấy. Điều này gây ra những thách thức lớn cho các bệnh viện, hãng hàng không, trường học và các sự kiện thể thao.

Có nhiều bệnh nhân hơn và ít nhân viên y tế hơn đang ngày càng tạo áp lực cho các bệnh viện. São Paulo, thành phố lớn nhất của Brazil, đã phải thuê thêm vài trăm nhân viên y tế mới để đối phó với tình trạng thiếu nhân lực. Trong vài tuần trước, có tới 1/5 nhân viên y tế ở bang Rio de Janeiro nghỉ làm – đây cũng là nơi chứng kiến dịch cúm bùng phát đi kèm.

Thế giới trải qua thời khắc độc nhất trong hơn một thế kỷ - Ảnh 3
Các tuyến đầu chống dịch luôn đối mặt với sự quá tải do số lượng ca mắc Covid-19 gia tăng. (Ảnh: Izvestia)Viết miêu tả ảnh ở đây

Tại São Paulo, hơn 600 chi nhánh ngân hàng tạm thời đóng cửa trong những tuần gần đây vì thiếu đội ngũ làm việc. Khoảng 20% ​​nhân viên tại các quán bar và nhà hàng trên khắp Brazil đã phải ở nhà kể từ cuối năm 2021.

Ngành hàng không cũng điêu đứng vì dịch Covid-19. Theo hãng hàng không của Argentina Aerolineas Argentinas, có 1/10 trong số 11.000 nhân viên của hãng mắc bệnh vào giữa tháng 1, khiến nhiều chuyến bay buộc bị hủy. Trong khi đó, có 10-13% nhân viên nhà máy ở Mexico mắc Covid-19 trong những tuần gần đây. Thậm chí có một số công ty sản xuất ghi nhận 20% lực lượng lao động không thể đi làm.

Không dừng lại ở đó, đại dịch cũng tấn công sang thế giới thể thao. Trong tháng 1, Anh phải hoãn 21 trận đấu ở giải Premier League vì Covid-19, so với tổng số sáu trận trong mùa giải 2020-2021. Mùa giải bóng đá của Argentina cũng diễn ra muộn vì có quá nhiều cầu thủ mắc bệnh. Đội tuyển bóng đá nữ Ấn Độ cũng bị loại khỏi giải bóng đá Women’s Asian Cup sau khi hàng tá cầu thủ mắc Covid-19.

Nước Mỹ trong nửa đầu tháng 12/2021 ghi nhận khoảng ba triệu người làm việc tại nhà vì mắc Covid-19 hoặc đang chăm sóc thành viên trong gia đình.

Cái khó khi nới lỏng quy định phòng dịch

Nhiều bằng chứng cho thấy Omicron gây triệu chứng ít nghiêm trọng hơn các biến chủng trước đó. Đây là lý do khiến nhiều chính phủ buộc phải nới lỏng quy định phòng dịch.

Cả Mỹ và Anh đều giảm thời gian cách ly đối với ca mắc Covid-19 từ 10 xuống còn 5 ngày. Chính phủ Israel quyết định những sinh viên tiếp xúc gần với F0 không cần phải nghỉ học. Tại Dubai, nhân viên y tế tiếp xúc với nguồn lây nhiễm sẽ không cần cách ly nếu đã tiêm chủng đầy đủ và không xuất hiện triệu chứng.

Một số chính phủ đang có kế hoạch xa hơn khi họ hy vọng rằng làn sóng dịch bệnh hiện tại sẽ làm tăng khả năng miễn dịch cộng đồng, từ đó mở ra giai đoạn mới để khiến Covid-19 thành bệnh đặc hữu, giống như cúm mùa. Trong thông báo mới nhất, cả Đan Mạch và Pháp cho biết sẽ loại bỏ nhiều quy định phòng chống dịch bệnh.

Mặt khác, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo các nước không nên nới lỏng các hạn chế quá nhanh. “Chúng tôi lo ngại một số nước cho rằng nhờ việc tiêm vaccine và khả năng lây lan mạnh của Omicron nhưng triệu chứng nghiêm trọng thấp hơn, việc phòng ngừa dịch bệnh không còn cần thiết nữa”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết. "Tuy nhiên, nhiều người mắc hơn có nghĩa là nhiều ca nặng hơn", ông nhấn mạnh.

Thế giới trải qua thời khắc độc nhất trong hơn một thế kỷ - Ảnh 4
Độ phủ vaccine cao, Omicron gây bệnh ít nghiêm trọng đang khiến nhiều nước trên thế giới mạnh dạn nới lỏng các hạn chế phòng dịch. (Ảnh: Theaustralian)

Caroline Ball, nhân viên kế toán ở London (Anh), cho biết có khoảng 15 thành viên gia đình hiện mắc Covid-19. Trong hai tuần vào giữa tháng 1, chồng cô và ba con nhỏ có kết quả xét nghiệm dương tính chỉ cách nhau vài ngày. Đặc điểm chung của họ là đều có các triệu chứng từ sốt cho đến mệt mỏi, hoặc không có triệu chứng.

Cô Caroline Ball nói: “Ngay cả khi Omicron ập đến thì lũ trẻ vẫn tới trường. Tôi có cảm giác “hạn” của chúng tôi lại sắp đến”. Tại Anh, trẻ em dưới 12 tuổi thường không đủ điều kiện để tiêm vaccine Covid-19.

Tại tuyến đầu chống dịch, các bệnh viện đang đối mặt với vô vàn áp lực do tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế. Victor Vilela Dourado, bác sĩ gây mê tại bệnh viện ở São Paulo, người đứng đầu Hiệp hội bác sĩ của thành phố, cho biết: “Chúng tôi đều kiệt sức. Rủi ro lớn nhất là khi dịch bệnh chạm đến đỉnh điểm, khiến hệ thống y tế sụp đổ".

Nhân viên ngân hàng tại New Delhi (Ấn Độ) Abhishek Sharma, là một trong hàng triệu người trên toàn thế giới đang đối mặt với tình trạng quá tải tại bệnh viện. Anh cố gắng liên hệ với bác sĩ lâu năm của gia đình là Sameer Maqsood sau khi nghi ngờ đứa con 8 tuổi sốt cao có thể đã mắc Covid-19. Nhưng bác sĩ không trả lời điện thoại hay tin nhắn của anh.

Trong tuyệt vọng, anh đã lái xe đến phòng khám của bác sĩ ở phía đông Delhi và thấy một hàng dài trẻ em đang chờ đợi. Vị bác sĩ chia sẻ, lần đầu tiên sau hai thập niên, ông buộc phải phớt lờ tiếng chuông điện thoại vì có quá nhiều bệnh nhân.

Theo Worldometers, tính đến 6h sáng ngày 4/2, thế giới có 388,1 triệu người mắc Covid-19 và hơn 5,7 triệu ca tử vong ở 223 quốc gia và vùng lãnh thổ, số ca hồi phục đạt 307,5 triệu trường hợp.

Brazil đứng đầu thế giới về số ca nhiễm mới trong ngày qua với trên 286.000 ca mới, tiếp đến là Pháp (274.300) và Đức (240.200). Mỹ đứng đầu về số ca tử vong mới với trên 1.700 trường hợp, tiếp theo là Ấn Độ (1.100) và Brazil (923).

Bùi Hằng (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Thế giới trải qua thời khắc độc nhất trong hơn một thế kỷ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới