Chủ nhật, 24/11/2024 10:08 (GMT+7)
Thứ bảy, 27/06/2020 15:00 (GMT+7)

Thế giới tuần qua: Núi lửa phun tạo cột bụi cao tới 6km, kinh tế toàn cầu sẽ thiệt hại 12 nghìn tỉ USD

Theo dõi KTMT trên

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra dự báo rằng, cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ đẩy các nền kinh tế vào một đợt suy thoái trầm trọng, ước tính thiệt hại lên tới 12 nghìn tỉ USD; Núi lửa Merapi ở Indonesia phun trào tạo ra cột tro bụi cao tới 6km... là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.

Thế giới có gần 10 triệu ca mắc Covid-19, nửa triệu ca tử vong

Trang thống kê toàn cầu Worldometer cập nhật tình hình Covid-19 vào lúc 8h30 ngày 27/6/2020 (giờ Việt Nam) như sau: Thế giới có 9.903.774 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 và 496.796 người tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp này.

Thế giới tuần qua: Núi lửa phun tạo cột bụi cao tới 6km, kinh tế toàn cầu sẽ thiệt hại 12 nghìn tỉ USD - Ảnh 1
Lãnh đạo Brazil đeo khẩu trang và dùng nước rửa tay khô để phòng ngừa Covid-19. (Ảnh: Reuters)

Mỹ đang là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới với 2.552.956 ca nhiễm và 127.640 ca tử vong. Xếp sau Mỹ là Brazil với 1.280.054 ca nhiễm và 56.109 ca tử vong.

Trong những ngày gần đây, số bệnh nhân nhiễm mới Covid-19 tại Mỹ liên tục gia tăng. Trong 24 giờ qua, Mỹ đã ghi nhận thêm hơn 40.700 ca nhiễm Covid-19 mới.

Tình hình lây nhiễm tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi vẫn tiếp tục gia tăng, với Algeria ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất từ trước đến nay.

Đến thời điểm hiện tại, Bộ Y tế Algeria đã ghi nhận 12.685 ca nhiễm, tương đương 29 người/100.000 dân, trong đó 885 ca tử vong.

Tại khu vực Đông Nam Á, 3 ổ dịch Covid-19 lớn nhất là Indonesia, Singapore, và Philippines. Indonesia đã nới rộng khoảng cách với Singapore về số người mắc, và có số ca tử vong do Covid-19 cao gấp đôi con số tương ứng của Philippines. Cụ thể, Indonesia hiện ghi nhận 51.427 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 (tăng 1.240 ca sau 24 tiếng), và 2.683 (tăng 63 ca sau 24 tiếng).

Đến nay, đại dịch Covid-19 đã có mặt tại 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

IMF: Covid-19 khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại 12 nghìn tỉ USD

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra dự báo rằng, cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ đẩy các nền kinh tế vào một đợt suy thoái trầm trọng, ước tính thiệt hại lên tới 12 nghìn tỉ USD.

Thế giới tuần qua: Núi lửa phun tạo cột bụi cao tới 6km, kinh tế toàn cầu sẽ thiệt hại 12 nghìn tỉ USD - Ảnh 2
Cố vấn Kinh tế của IMF Gita Gopinath cho biết, Covid-19 đã có tác động không nhỏ đến kinh tế toàn cầu. (Nguồn: EPA)

Trong bản báo cáo được công bố vào tháng 4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm 4,9% trong năm nay. Đây là một sự thay đổi so với dự đoán suy giảm 3% được tổ chức này đưa ra chỉ một vài tháng trước đó.

Bên cạnh đó, IMF cũng đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2021 có thể giảm từ mức 5,8% (tính đến tháng 4/2020) xuống còn 5,4% và cảnh báo con số có thể sẽ giảm đến mức 0%, nếu thế giới vẫn phải hứng chịu đợt đại dịch tiếp theo.

Sự sụt giảm gần 5% mức thu nhập toàn cầu trong năm nay được dự báo sẽ tiếp tục giảm sâu hơn, nhiều hơn 0,1% so với ghi nhận vào năm 2009 - thời điểm thế giới đối mặt với suy thoái toàn cầu.

Cố vấn Kinh tế của IMF Gita Gopinath cho biết, đại dịch Covid-19 đã khiến các quốc gia phải thiết lập các biện pháp “đóng cửa” để ngăn chặn sự lây lan của virus gây bệnh. Tuy nhiên, chính các biện pháp này đã gây ra tình trạng suy thoái kinh tế ở mức tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái cho đến nay.

Bà Gita Gopinath cũng nhận định rằng, mức suy giảm GDP trong năm 2020 sẽ bằng một nửa so với mức giảm 10% trong cuộc khủng hoảng kinh tế 1930. Tuy nhiên, mức sống của người dân tại 95% các quốc gia trên thế giới sẽ có sự sụt giảm ngay trong năm nay

IMF đã đưa ra lời khuyên đến các quốc gia rằng cần tiếp tục nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất y tế và chăm sóc sức khỏe toàn dân để chuẩn bị trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Núi lửa phun trào, cột tro bụi cao tới 6km tại Indonesia

Thế giới tuần qua: Núi lửa phun tạo cột bụi cao tới 6km, kinh tế toàn cầu sẽ thiệt hại 12 nghìn tỉ USD - Ảnh 3
Toàn cảnh núi Merapi sau một vụ phun trào, nhìn từ làng Sawit, Boyolali, tỉnh Trung Java, Indonesia vào ngày 21/6.

Theo Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Thảm họa Địa chất Indonesia (BPPTKG), vụ phun trào đầu tiên kéo dài hơn 5 phút và vụ phun trào thứ 2 kéo dài gần 2 phút. Núi lửa Merapi phun trào tạo ra cột tro bụi cao tới 6km.

Các nhà chức trách Indonesia đã yêu cầu người dân tránh xa miệng núi lửa Merapi ít nhất 3km. Trong khi đó, người dân cũng đang cảnh giác cao độ trước nguy cơ mưa tro bụi và dung nham nóng chảy xuống sườn núi, đặc biệt trong tình hình thời tiết có mưa.

Núi lửa Merapi nằm giữa tỉnh Trung Java và tỉnh Yogyakarta, nơi thường xuyên phun trào kể từ năm 1948. Hồi năm 2010, núi lửa phun trào đã gây ra cái chết của hơn 300 người và khiến 400.000 người phải sơ tán.

Gần đây nhất, ngày 3/3/2020, núi lửa Merapi đã phun trào khiến giới chức Indonesia phải ban bố “cảnh báo đỏ hàng không” – mức cảnh báo cao nhất đối với các phi công về an toàn bay.

Trận lũ lụt nghiêm trọng nhất trong một thập kỷ tại Ukraine

Ngày 24/6, Bộ Nội vụ Ukraine xác nhận các trận lũ lụt do mưa lớn từ đầu tuần này đã ảnh hưởng tới 200 ngôi làng, phá hủy 5.000 căn nhà và đẩy 800 người vào cảnh phải đi sơ tán.

Bộ trưởng Avakov và người đứng đầu đơn vị ứng phó khẩn cấp đã tới khu vực gặp thảm họa để thị sát tình hình. Lũ lụt đã phá hủy hơn 100 km đường bộ và khoảng 90 cây cầu.

Thế giới tuần qua: Núi lửa phun tạo cột bụi cao tới 6km, kinh tế toàn cầu sẽ thiệt hại 12 nghìn tỉ USD - Ảnh 4
Lũ lụt nghiêm trọng đã phá hủy nhiều ngôi nhà và các công trình giao thông, hàng nghìn người phải đi sơ tán.

Thành phố Ivano-Frankivsk nằm trên khu vực biên giới giáp Romania là khu vực chịu tác động nặng nề nhất.

Bộ trưởng Nội vụ Arsen Avakov cho biết, một vài ngày gần đây lượng mưa chiếm tới khoảng 70% tổng lượng mưa trung bình hằng tháng tại một số khu vực.

Một số chuyên gia cho rằng, các hoạt động chặt phá rừng bất hợp pháp diễn ra thường xuyên trên quy mô lớn tại dãy núi Carpathian là nguyên nhân chính khiến đất đai bị rửa trôi và kéo theo hệ quả lũ lụt nghiêm trọng trong các đợt mưa lớn kéo dài.

Mây bụi khổng lồ từ Sahara bao trùm vùng biển Caribe

Thế giới tuần qua: Núi lửa phun tạo cột bụi cao tới 6km, kinh tế toàn cầu sẽ thiệt hại 12 nghìn tỉ USD - Ảnh 5
Vùng Caribbean đang bị bao phủ bởi các cơn bão cát từ Sahara.

Ngày 23/6, nhiều quốc gia trong và ven biển Caribe đã bị những đám mây cát bụi khổng lồ có nguồn gốc từ sa mạc Sahara che phủ một phần.

Cuba thông báo các đám mây cát bụi khô và nóng này đã bao phủ một nửa lãnh thổ phía Đông nước này, sau khi tràn qua Haiti, trong khi Costa Rica - một trong những quốc gia đi đầu thế giới về mức độ trong sạch và bảo vệ môi trường - đã ghi nhận mức ô nhiễm không khí AQI lên tới 156, kỷ lục trong nhiều thập kỷ.

Thế giới tuần qua: Núi lửa phun tạo cột bụi cao tới 6km, kinh tế toàn cầu sẽ thiệt hại 12 nghìn tỉ USD - Ảnh 6
Không khí tại quốc gia được đánh giá là trong lành nhất thế giới giờ đây đang ngập tràn cát bụi.

Tại hầu hết các nước trong khu vực, bầu trời vốn trong xanh đặc trưng của vùng biển Caribe đã bị biến thành mầu trắng đục hoặc nâu vàng. Giám đốc Cơ quan Khí tượng Jamaica Evan Thomson khẳng định đây là đợt mây bụi tồi tệ nhất kể từ khi cơ quan này bắt đầu quan sát hiện tượng thường niên này.

Trước đó, chính quyền vùng lãnh thổ thuộc Mỹ Puerto Rico và quốc đảo Barbados đã ban bố cảnh báo người dân về sự hiện diện của tỉ lệ cát bụi cao bất thường trong không khí, đồng thời nhắc nhở các tàu bè đi lại trong lãnh hải về việc tầm nhìn bị hạn chế, trong khi Trinidad & Tobago cũng yêu cầu người dân bị hen suyễn và các bệnh hô hấp tăng cường các biện pháp phòng ngừa.

Theo Viện Khí tượng Cuba, đây vốn là một hiện tượng thời tiết thường xuất hiện tháng 3, tháng 4 nhưng có cường độ cao nhất từ nửa cuối tháng 6 tới nửa cuối tháng 8 mỗi năm, và chính các đám mây bụi này là yếu tố làm giảm bớt các cơn bão nhiệt đới tại Đại Tây Dương trong khoảng thời gian này... Tuy nhiên hiện tượng này trong năm nay đặc biệt mạnh và có các đám mây có mức độ cát bụi dầy đặc nhất ghi nhận được trong vòng 60 năm qua.

Những đám mây này chứa các hạt có hại cho sức khỏe con người và chứa các khoảng sản như sắt, canxi, lưu huỳnh, silic và thủy ngân, cùng nhiều loại virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng gây bệnh và các chất hữu cơ gây ô nhiễm.

Quang Huy

Bạn đang đọc bài viết Thế giới tuần qua: Núi lửa phun tạo cột bụi cao tới 6km, kinh tế toàn cầu sẽ thiệt hại 12 nghìn tỉ USD. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới