Chủ nhật, 24/11/2024 09:26 (GMT+7)
Thứ ba, 04/02/2020 07:31 (GMT+7)

Thêm hiểm họa cúm gia cầm gây chết người giữa đại dịch Corona

Theo dõi KTMT trên

Trung Quốc vừa công bố dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát tại tỉnh Hồ Nam, gần tâm dịch viêm phổi cấp do virus Corona Vũ Hán. Mối lo về sự kết hợp giữa virus cúm gia cầm và virus Corona đã hiện hữu.

Thêm hiểm họa cúm gia cầm gây chết người giữa đại dịch Corona - Ảnh 1
Tỉnh Hồ Nam - Trung Quốc tiêu hủy 18 nghìn con gà sau khi phát hiện H5N1.

Thông tin về tình hình dịch cúm gia cầm vào chiều 3/2, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, H5N1 là bệnh trên gia cầm rất nguy hiểm. Bởi, tổng đàn gia cầm của Việt Nam và Trung Quốc rất lớn. Bên cạnh đó, Hồ Nam cũng là địa phương rất gần với Việt Nam nên có khả năng lây lan dịch bệnh nếu không ngăn chặn tốt.

Sáng 3/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công điện khẩn yêu cầu tất cả các tỉnh tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm. Các địa phương đảm bảo quy trình dịch tễ, chăm sóc, chăn nuôi theo đúng quy trình an toàn sinh học.

“Năm nay do nhuận hai tháng 4 nên dự báo, mưa phùn ẩm ướt sẽ kéo dài, mà đây lại là bạn đồng hành của cúm gia cầm. Vì vậy, chúng ta phải tăng cường kiểm soát, không để gia cầm nhập lậu tràn vào trong nước.

Trong tuần tới, Bộ NN&PTNT sẽ triển khai một Hội nghị chuyên đề về dịch cúm gia cầm. Chúng ta không được chủ quan để dịch xâm nhập, nếu cùng lúc đối phó với 2 thảm họa dịch thì rất đáng ngại” - ông Cường nhận định, theo An ninh Thủ đô.

Theo ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng cục Thú y, Bộ NN&PTNT, đến nay trên thế giới đang ghi nhận dịch cúm gia cầm tại 11 quốc gia, vùng lãnh thổ như Ấn Độ, Trung Quốc, Séc, Đức, Đài Loan (Trung Quốc)…

Còn tại Việt Nam cũng đang ghi nhận một ổ dịch cúm gia cầm chủng H5N6 tại huyện Đầm Hà, Quảng Ninh. Ổ dịch đã được kiểm soát kịp thời, lực lượng chức năng đã tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm mắc bệnh, đến nay không phát sinh thêm.

Thêm hiểm họa cúm gia cầm gây chết người giữa đại dịch Corona - Ảnh 2
Từ đầu tháng 1/2020 đến nay, cả nước chỉ có 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 (chưa qua 30 ngày) tại tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Theo ông Đông, vài năm trở lại đây, Việt Nam kiểm soát cúm gia cầm tốt, không xảy ra trên diện rộng. Trong đó, từ năm 2018 đến nay ghi nhận cho thấy, dịch cúm gia cầm H5N1 chủ yếu xuất hiện ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long; H5N6 thì phân bố rộng hơn, ghi nhận trên cả nước. Tuy nhiên, không có sự biến động lớn về chủng virus cúm.

Cục Thú y nhìn nhận, trong thời gian tới, dịch bệnh có thể tiếp tục xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Điển hình là hiện tổng đàn gia cầm rất lớn; điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi; nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ phục vụ các lễ hội đầu năm tăng cao; việc tổ chức tiêm vắc xin cúm gia cầm cho đàn gia cầm đạt tỉ lệ thấp tại một số địa phương, nhất là đối với chăn nuôi gia cầm nông hộ. Do đó, nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm xuất hiện, lây lan rất cao và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh viêm phối cấp do chủng vi rút mới Corona (nCoV) gây ra.

Theo TTXVN, hiện nay, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A/H7N9. Tuy nhiên, nguy cơ vi rút cúm A/H7N9 và một số chủng vi rút khác như A/H5N2, A/H5N8 xâm nhiễm là cao, ông Phạm Văn Đông cho hay.

Cục Thú y cũng liên tục chủ động lấy mẫu để giám sát virus cúm gia cầm tại các chợ gia cầm, các địa phương có nguy cơ cao, địa phương giáp biên giới. Năm 2019 đã thực hiện giám sát tại 26 tỉnh, thành trên cả nước, kết quả có 1,19% số mẫu dương tính với H5N1, 1,82% số mẫu dương tính vơi H5N6…

Cũng trong năm 2019, cả nước sử dụng tên 400 triệu liều vaccine cúm gia cầm, tỉ lệ đạt 80%, trong đó vaccine đã sản xuất trong nước là 200 triệu liều. Quý 1-2020 lượng vaccine gia cầm trong kho của các doanh nghiệp có thể cung ứng là 55 triệu liều, trong năm 2020 tổng lượng vaccine trong nước và nhập khẩu là trên 500 triệu liều.

Theo Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, H5N1 xuất hiện tại một trang trại ở TP Thiệu Dương thuộc tỉnh Hồ Nam. Trang trại tại Thiệu Dương có 4.500 trong tổng số 7.850 con gà, chết vì cúm.

Chính quyền thành phố đã tiêu hủy tổng cộng 17.828 gia cầm khi dịch bùng phát. Dịch cúm H5N1 bùng phát tại Hồ Nam thời điểm này như đòn mạnh giáng thêm vào Trung Quốc khi dịch virus corona chủng mới đang lây lan nhanh.

Từ năm 2003, dịch cúm gà H5N1 đã cướp đi sinh mạng của 455 người trên khắp thế giới, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Mai Anh

Bạn đang đọc bài viết Thêm hiểm họa cúm gia cầm gây chết người giữa đại dịch Corona. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới