Chủ nhật, 24/11/2024 07:49 (GMT+7)
Thứ sáu, 01/04/2022 10:27 (GMT+7)

Thị trường chứng khoán sẽ diễn biến ra sao sau vụ Chủ tịch FLC bị bắt tạm giam?

Theo dõi KTMT trên

Thị trường chứng khoán vẫn tích cực nhờ yếu tố nền tảng, nhà đầu tư nên bình tĩnh trước các sự việc đơn lẻ. Kinh tế Việt Nam cũng như các doanh nghiệp niêm yết sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2022 cũng như 2023.

Chỉ tác động ngắn hạn bởi hệ sinh thái FLC chiếm 0,35% vốn hoá thị trường

Ngày 31/3, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã có những chia sẻ với truyền thông xung quanh vụ việc ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC bị bắt vì thao túng chứng khoán.

Chủ tịch UBCK nhấn mạnh thị trường chứng khoán vẫn tích cực nhờ yếu tố nền tảng, nhà đầu tư nên bình tĩnh trước các sự việc đơn lẻ. Liên quan tới vụ việc tại FLC, UBCK sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra theo đúng chức năng, thẩm quyền trên tinh thần thượng tôn pháp luật, đảm bảo kỷ cương, luật và tính minh bạch của thị trường. Nhà đầu tư nên bình tĩnh, thị trường vẫn phát triển bền vững vì nền tảng vĩ mô và nội tại tốt.

Thị trường chứng khoán sẽ diễn biến ra sao sau vụ Chủ tịch FLC bị bắt tạm giam? - Ảnh 1
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. 

“Các thông tin liên quan tới ông Trịnh Văn Quyết do đó cũng khó tránh khỏi những tác động tâm lý tới nhà đầu tư. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, những tác động đó đến thị trường chứng khoán chỉ là ngắn hạn và không quá lớn do giá trị vốn hóa của FLC, cũng như các công ty trong hệ sinh thái FLC chiếm giá trị không lớn trên thị trường (lần lượt chiếm khoảng 0,16% và 0,35% vốn hóa toàn thị trường). Vì thế, nhà đầu tư nên bình tĩnh để có góc nhìn khách quan, nên phân tích nhìn nhận đầy đủ các yếu tố vĩ mô và hoạt động thực tế của các doanh nghiệp để cẩn trọng trong các quyết định đầu tư”, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước nói.

Dù có thể sẽ có nhiều biến động vì nhiều yếu tố khách quan, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực từ các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô và yếu tố nội tại tốt. Theo các số liệu chính thức vừa được công bố, trong quý I/2022, các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô trong nước vẫn rất tích cực và Việt Nam vẫn được các định chế tài chính quốc tế lớn đánh giá rất cao về tăng trưởng kinh tế năm nay. Mặt bằng lãi suất chịu sức ép tăng nhưng cơ bản Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì chính sách tiền tệ ổn định để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Sức ép lên lạm phát là có và không thể chủ quan, nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để kiểm soát trong mục tiêu đề ra.

Về nội tại thị trường, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp vẫn khả quan trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn đó nhiều yếu tố hỗ trợ khác như: dòng tiền tham gia, kỳ vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi, công tác cổ phần hóa, thoái vốn được đẩy mạnh, ...

Về phía cơ quan quản lý, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, bên cạnh các giải pháp quan trọng để thị trường chứng khoán phát triển ổn định, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường tính minh bạch, kỷ cương, kỷ luật, hỗ trợ thúc đẩy tính bền vững của thị trường trong năm 2022 và những năm tới.

Chứng khoán Việt Nam vẫn hấp dẫn

Trong thư gửi nhà đầu tư mới đây, ông Petri Deryng, người đứng đầu Pyn Elite Fund đã có những chia sẻ về cơ hội đầu tư chứng khoán Việt Nam trong năm 2022.

Theo Petri Deryng, Việt Nam hiện có dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh lạm phát vẫn đang ở mức thấp. Cuộc chiến Nga – Ukraine hay các lệnh trừng phạt với Nga sẽ không tác động tiêu cực trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế cũng như tăng trưởng lợi nhuận các công ty Việt Nam.

Thị trường chứng khoán sẽ diễn biến ra sao sau vụ Chủ tịch FLC bị bắt tạm giam? - Ảnh 2
Ông Petri Deryng, người đứng đầu Pyn Elite Fund.

Rủi ro đáng kể nhất với Việt Nam là cuộc suy thoái tiềm tàng ở Âu – Mỹ, kéo theo ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu. Dù vậy, bất chấp lo ngại này, xuất khẩu Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022 nhờ khả năng cạnh tranh mạnh mẽ.

Người đứng đầu Pyn Elite Fund tin rằng kinh tế Việt Nam cũng như các doanh nghiệp niêm yết sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2022 cũng như 2023.

Theo dự báo của Pyn Elite Fund, tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 các doanh nghiệp niêm yết năm vào khoảng 25%, tương ứng P/E dự phóng VN-Index năm 2022 ở mức 13,3 lần. Việc các doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng tốt trong bối cảnh nhiều thị trường chứng khoán thế giới suy yếu cũng là yếu tố trở nên hấp dẫn.

Các nhóm ngành sẽ có sự phân hóa trong năm 2022. Một số được hưởng lợi từ giá nguyên liệu đầu vào tăng cao như thép, dầu khí, phân bón…Dù vậy, Petri Deryng cho biết những cổ phiếu thuộc các nhóm ngành kể trên không nằm trong danh mục của Pyn Elite Fund và quỹ cũng không có ý định đột ngột thay đổi danh mục vì giá hàng hóa thế giới cũng có thể đảo chiều nhanh chóng.

Khả năng thanh toán của các công ty niêm yết Việt Nam hiện khá tốt. Tỷ lệ nợ trên vốn chủ (D/E) của các công ty niêm yết lớn ở Việt Nam là 22%. Do đó, Pyn Elite Fund cho rằng việc lãi suất tăng sẽ không gây ra rủi ro lớn với sự tăng trưởng của các doanh nghiệp.

Xứng đáng với định giá cao hơn

Ông Petri Deryng cho rằng 2022 là một năm không hề dễ dàng. Mặc dù kỳ vọng chứng khoán Việt Nam sẽ kết thúc năm 2022 cao hơn so với đầu năm, nhưng những biến động trong năm khiến mọi thứ trở nên khó khăn. Dù vậy, doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận vượt trội cùng định giá phù hợp sẽ là những yếu tố tích cực hỗ trợ thị trường.

Trong 8 năm qua, chứng khoán Thái Lan chỉ có mức tăng trưởng 20% thì chứng khoán Việt Nam lại mang về mức sinh lợi lên tới 140%. Điều này bắt nguồn từ việc tăng trưởng lợi nhuận thấp của các doanh nghiệp Thái Lan so với Việt Nam.

"P/E forward của Việt Nam năm 2022 chỉ là 13,3, thấp hơn P/E forward 17,7 của Thái Lan, điều này có vẻ không hợp lý. Với lợi nhuận tăng trưởng vượt trội, chứng khoán Việt Nam hoàn toàn xứng đáng với mức định giá P/E cao hơn", ông Petri Deryng đưa ra quan điểm.

Hải Anh

Bạn đang đọc bài viết Thị trường chứng khoán sẽ diễn biến ra sao sau vụ Chủ tịch FLC bị bắt tạm giam?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới